Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Độc đáo nghệ thuật thêu tranh trên lá bồ đề

NDO - Giữa vùng đất truyền thống Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình - nơi non xanh nước biếc giao hòa cùng khí thiêng sông núi, Hợp tác xã Sinh Dược đang âm thầm vun đắp những vẻ đẹp đầy bản sắc bên cạnh cuộc sống lao động sản xuất, trong đó nổi bật là nghệ thuật thêu tranh trên lá bồ đề.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân09/05/2025

Tranh thêu lá bồ đề là sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, kết tinh sự tỉ mỉ, tài hoa, đặc trưng văn hóa Việt và cả khát vọng bảo tồn nghề truyền thống trong nhịp sống hiện đại.

Trong quan niệm của đạo Phật, lá bồ đề biểu tượng cho sự giác ngộ và bình an. Từ biểu tượng tâm linh ấy, những người con của vùng đất Gia Sinh đã thổi hồn sáng tạo vào từng chiếc lá mong manh để tiếp tục hành trình trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, chất chứa hồn cốt, thấm đượm ân tình.

Độc đáo nghệ thuật thêu tranh trên lá bồ đề ảnh 1

Việc thêu trên "xương lá" mỏng manh đòi hỏi kỹ thuật cao và sự kiên trì.

Muốn có được tác phẩm tranh thêu lá bồ đề, phải trải qua một quy trình công phu và đòi hỏi sự kiên trì cao độ. Từng chiếc lá bồ tươi được chọn kỹ lưỡng về hình dáng, kích thước, màu sắc... sẽ qua xử lý bằng phương pháp thủ công, ngâm trong nước vôi trong suốt hai tháng để làm sạch lớp diệp lục, chỉ còn lại "xương lá" trông mong manh mà bền bỉ - chất liệu chính cho những bức tranh đặc biệt sau này.

Trước khi triển khai dòng tranh thêu trên lá bồ đề, Hợp tác xã Sinh Dược đã rất thành công với tranh ghép lá bồ đề, phân phối khắp trong nước và xuất khẩu quốc tế. Theo đó, "xương lá" được phân loại, phối mầu, ghép lại theo nội dung sáng tạo để thành những bức tranh.

Độc đáo nghệ thuật thêu tranh trên lá bồ đề ảnh 2

Những lá bồ đề thêu mẫu giản dị vẫn qua rất nhiều công đoạn.

Có nhiều tác phẩm sử dụng tới hàng nghìn "xương lá", đòi hỏi sự kết hợp tinh tế giữa kỹ thuật và mỹ cảm của người thực hiện. Đặc biệt, hợp tác xã luôn có sự tham vấn ý kiến các nghệ nhân, họa sĩ, nhà thư pháp, nhiếp ảnh gia và những người lành nghề thủ công mỹ nghệ nhằm tạo nên sự giao thoa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, mang lại giá trị tốt nhất cho người chiêm ngưỡng.

Độc đáo nghệ thuật thêu tranh trên lá bồ đề ảnh 3

Du khách chiêm ngưỡng nghệ thuật thêu tay.

Từ nền tảng tranh ghép lá bồ đề truyền thống, hợp tác xã đã nâng tầm sản phẩm bằng cách kết hợp kỹ thuật thêu tinh xảo lên từng chiếc lá. Quy trình vẫn là chọn lọc những "xương lá" hoàn hảo, dáng đẹp, râu lá thon dài cùng với sự kết hợp về ý tưởng mẫu thêu, in mẫu rồi kiên nhẫn đi từng đường chỉ mảnh.

Với đôi bàn tay khéo léo, tính kiên trì của những người thợ thêu, bao hình ảnh quen thuộc mang tính biểu tượng của văn hóa Việt, như: hoa sen, cá chép, tùng, hạc, rồng, phượng, các địa danh nổi tiếng, mốc lịch sử trọng đại… hiện lên vô cùng sống động, tinh tế và đầy xúc cảm.

Độc đáo nghệ thuật thêu tranh trên lá bồ đề ảnh 4

Các tranh thêu con giáp được nhiều người lựa chọn.

Chia sẻ về lịch sử của nghệ thuật thêu tranh trên lá bồ đề, ông Vũ Trung Đức, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sinh Dược, cho biết: "Nghệ thuật thêu tranh trên lá bồ đề có nguồn gốc từ chính mảnh đất Ninh Bình. Tương truyền, bà Nguyễn Thị Sen - vợ vua Đinh là bà tổ nghề thêu, cũng đánh dấu sự khởi đầu cho hành trình nghề thêu truyền thống tại vùng đất cố đô".

"Từ nền tảng văn hóa lịch sử ấy, hợp tác xã đã phát triển sản phẩm tranh lá bồ đề trở thành sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh với giá trị nghệ thuật, tinh thần sâu sắc. Bà con xã viên đã không ngừng học hỏi, từ việc tìm hiểu qua mạng xã hội đến tham gia các lớp tập huấn do Sở Công thương tỉnh tổ chức. Chính tinh thần cầu tiến và niềm đam mê với nghề đã giúp hình thành kỹ thuật thêu trên nền lá - một chất liệu mỏng manh, đòi hỏi kỹ thuật cao và sự kiên trì bền bỉ", ông Trung Đức chia sẻ.

Độc đáo nghệ thuật thêu tranh trên lá bồ đề ảnh 5

Các mẫu thêu mang vẻ đẹp truyền thống.

Mỗi bức tranh thêu trên lá bồ đề trở thành một tác phẩm chứa đựng câu chuyện mang tính chiều sâu của văn hóa, lịch sử Ninh Bình nói riêng và dân tộc nói chung. Đó như một lời gửi gắm về tình yêu quê hương, cội nguồn, và cũng là lời nhắn nhủ giữ gìn nghề truyền thống giữa thời đại công nghiệp hóa đang cuốn trôi nhiều giá trị xưa.

Ông Vũ Trung Đức cho biết, một bức tranh thêu tưởng chừng đơn giản cũng mất ít nhất một ngày để hoàn thành, phức tạp hơn có thể mất tới vài ngày hoặc lâu hơn. Công đoạn thêu trên lá yêu cầu độ chính xác, nhẹ nhàng tuyệt đối bởi chất liệu dễ rách và hạn chế về kích thước. Mỗi mũi kim là một lần cân nhắc, là cả tâm huyết và đam mê của người thêu gửi vào đó.

Độc đáo nghệ thuật thêu tranh trên lá bồ đề ảnh 6

Niềm vui giản dị của người thợ thêu.

Vừa là món quà lưu niệm ý nghĩa, tranh lá bồ đề thêu tay đã trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng của Ninh Bình và cùng với nhiều nghệ thuật khác đã góp phần tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động địa phương thông qua Hợp tác xã Sinh Dược. Bằng tinh thần hợp tác, sáng tạo và đổi mới, hợp tác xã đã không ngừng kết nối với các làng nghề thủ công, các chuyên gia để nâng tầm giá trị sản phẩm.

Mỗi bức tranh thể hiện sự tài hoa, vẻ đẹp tâm hồn của người thợ, của vùng đất truyền thống nơi tác phẩm được sinh ra. Trong từng nét, ta thấy bóng dáng của sự kiên nhẫn, thiết tha và tình yêu bền bỉ với nghề. Ánh nắng hè óng ả nhẹ nhàng xuyên qua ô cửa sổ, chiếu nghiêng trên khung thêu lung linh sắc chỉ và "xương lá". Khung cảnh ấy tựa bức tranh thơ, yên ả.

Độc đáo nghệ thuật thêu tranh trên lá bồ đề ảnh 7

Bà con xã viên đã luôn nỗ lực để tiếp nối nghề thêu truyền thống.

Những người thợ thêu: Nguyễn Thị Thơm, Nguyễn Thị Ngát, Nguyễn Thị Nga... đang cẩn trọng từng mũi chỉ trên nền "xương lá" mỏng như giấy, Họ cẩn trọng như thể đang thêu vào đó chính nhịp thở của chính mình. Mỗi tác phẩm tựa một bản thể riêng biệt, mỗi mũi thêu là hành trình truyền tải tâm tình. Họ tạo nên sản phẩm thủ công, mà cũng đang thêu nên những câu chuyện của vùng đất, của tín ngưỡng và của khát vọng bình dị sống giữa đời sống chan hòa.

Độc đáo nghệ thuật thêu tranh trên lá bồ đề ảnh 8

Các sản phẩm rất được ưa chuộng ở thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Vũ Trung Đức đau đáu niềm hy vọng lan tỏa giá trị của nghề truyền thống, nhất là với thế hệ trẻ, để nghề thêu vừa níu giữ tinh hoa ký ức vừa hòa vào nhịp sống đương đại một cách hài hòa, tươi mới. Chính bởi lẽ đó, ông không ngừng tìm tòi, kết nối, để sản phẩm thủ công vừa đậm nét nghệ thuật, vừa mang tính ứng dụng cao.

Trong từng tác phẩm thêu tay từ lá bồ đề, người xem dễ dàng cảm nhận được thông điệp nhẹ nhàng mà sâu sắc: Cái đẹp không hẳn ở sự phức tạp hay cầu kỳ mà từ chính nét tinh tế, tâm huyết và tình yêu vô hạn dành cho những điều giản dị.

Giữa nhịp sống hiện đại, hối hả, những bàn tay thầm lặng nơi làng quê vẫn ngày ngày tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ, gìn giữ một phần hồn cốt Việt trên từng gân lá bồ đề mong manh. Dẫu phải vượt qua nhiều thử thách khắc nghiệt của nghề, tình yêu và tâm huyết ấy vẫn lặng lẽ lan tỏa tựa ánh nắng mỗi bình minh, hoàng hôn xuyên qua kẽ lá. Để rồi, mỗi bức tranh đến tay du khách vừa là món quà ý nghĩa, xúc động, vừa mang dáng dấp của vùng đất, con người đầy tin yêu, hoài bão.

Nguồn: https://nhandan.vn/doc-dao-nghe-thuat-theu-tranh-tren-la-bo-de-post878321.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm