Nghị quyết tạo nền tảng để hình thành nhiều chính sách mới, được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận như một cơ hội vàng để phát triển và bứt phá.
Chủ thể dẫn dắt đổi mới sáng tạo
Nghị quyết số 68-NQ/TW không phải là sự ưu ái cho một thành phần kinh tế riêng lẻ, mà là bước đi tất yếu trong chiến lược tổng thể phát triển đất nước. Cùng với Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW đã thể hiện chính sách đột phá là chuyển dịch mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ, quy trình mới (R&D) từ các viện nghiên cứu, trường đại học sang doanh nghiệp thông qua việc hình thành các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học thuộc các tập đoàn, doanh nghiệp. Đồng thời, hoạt động R&D tại các trường đại học cũng gắn với nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao.
Việc thiết lập hệ thống nghiên cứu trong các tập đoàn, doanh nghiệp nằm trong mối tương quan với các cơ sở nghiên cứu công lập, với mục tiêu chiến lược rõ ràng. Khối cơ sở nghiên cứu công lập giải quyết những vấn đề then chốt về khoa học, công nghệ của quốc gia, nghiên cứu cơ bản, và được đầu tư mạnh để tập trung nghiên cứu và phát triển những công nghệ nền tảng, công nghệ lõi làm bệ đỡ lâu dài cho toàn bộ nền kinh tế.
Trong khi đó, các nghiên cứu của doanh nghiệp gắn chặt với nhu cầu thị trường, của ứng dụng sản xuất sẽ thu hẹp độ trễ trong nghiên cứu, giúp kết quả nghiên cứu nhanh chóng đi vào đời sống. Vốn mồi của Nhà nước dành cho nghiên cứu trong doanh nghiệp sẽ kích thích, huy động được vốn đầu tư của doanh nghiệp và do đó, từng bài toán công nghệ sẽ nhận được tổng vốn đầu tư của xã hội rất lớn.
Một trong những điểm mới của Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết) là thể hiện quyết tâm chính trị về việc định vị và khẳng định rõ nét hơn vai trò, sứ mệnh của lực lượng kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Một trong những điểm mới của Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết) là thể hiện quyết tâm chính trị về việc định vị và khẳng định rõ nét hơn vai trò, sứ mệnh của lực lượng kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty luật TNHH Trương Anh Tú, Ủy viên Thường vụ trung ương Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, các nội dung cải cách thể chế mà Nghị quyết đề cập không đơn thuần cải cách thủ tục, mà là tái thiết tư duy quản trị, ở đó, quyền lực công được quy định rõ ràng, vận hành đúng giới hạn để phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, người dân và mục tiêu phát triển chung.
Nghị quyết số 68-NQ/TW gắn chặt chẽ với Nghị quyết số 57-NQ/TW trong việc đặt vai trò, sứ mệnh của doanh nghiệp tư nhân không chỉ phát triển kinh tế mà là lực lượng chính của hoạt động khoa học, công nghệ, đổi sáng tạo và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, thay vì chỉ coi doanh nghiệp là người thực hiện đổi mới sáng tạo thì Nghị quyết coi đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như đòn bẩy chủ đạo để giúp doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cách tiếp cận ngược này thể hiện tư duy chính sách hiện đại, xem đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là hoạt động chuyên môn, mà là công cụ chiến lược để nâng tầm doanh nghiệp tư nhân, tạo đột phá trong nền kinh tế. Nghị quyết được xây dựng rất sát, khả thi, khi doanh nghiệp hiểu được bản chất, con đường cần phải đi thì triển khai Nghị quyết sẽ hiệu quả.
Doanh nghiệp chờ chính sách thông hành
Đón nhận Nghị quyết số 68-NQ/TW, nhiều doanh nghiệp cho biết, Nghị quyết như một luồng gió mới, thổi bùng khát vọng vươn lên của doanh nghiệp tư nhân.
Theo ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm CVI, các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có doanh nghiệp lĩnh vực dược phẩm sẽ nhận được nhiều hỗ trợ hơn trong nghiên cứu, sản xuất và phân phối, từ đó tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và vươn ra thị trường quốc tế. Một trong những điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết số 68-NQ/TW là cơ chế “sandbox” cho phép doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain hay công nghệ sinh học mà không bị ràng buộc bởi những quy định cũ.
Điều này mở đường cho các start-up dược phẩm công nghệ cao phát triển những giải pháp tiên tiến, từ nghiên cứu thuốc mới đến quản lý chuỗi cung ứng thông minh. Việc áp dụng cơ chế “sandbox” đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm an toàn và hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực dược phẩm vốn liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, khả năng tiếp cận vốn vẫn là rào cản lớn đối với nhiều start-up công nghệ dược, nhất là ở các địa phương. Vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng cần được quan tâm hơn nữa để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sáng chế và phát triển sản phẩm mới.
Các doanh nghiệp cho rằng, để tận dụng tối đa cơ hội từ Nghị quyết số 68-NQ/TW, sự đồng hành của Nhà nước và các bên liên quan là rất quan trọng. Nhà nước cần sớm ban hành các hướng dẫn chi tiết để triển khai các cơ chế một cách hiệu quả.
Các doanh nghiệp cho rằng, để tận dụng tối đa cơ hội từ Nghị quyết số 68-NQ/TW, sự đồng hành của Nhà nước và các bên liên quan là rất quan trọng. Nhà nước cần sớm ban hành các hướng dẫn chi tiết để triển khai các cơ chế một cách hiệu quả.
Theo ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ, để giúp cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ động tham gia vào sự nghiệp phát triển đất nước, cần có các giải pháp đồng bộ từ cả phía Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ cần đẩy mạnh việc cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định về thuế, giấy phép kinh doanh, và cấp phép đầu tư. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính như các quỹ vay ưu đãi, các chương trình hỗ trợ đầu tư công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm giúp họ có thể tiếp cận các nguồn lực cần thiết để phát triển. Các hỗ trợ này sẽ là nền tảng để doanh nghiệp có thể ổn định và phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo, như hỗ trợ đào tạo nhân lực về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, và internet vạn vật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời, tạo ra các nền tảng kết nối giữa các doanh nghiệp để họ có thể chia sẻ kinh nghiệm, tài nguyên và sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới.
Một yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh là hợp tác chặt chẽ với các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D), các viện nghiên cứu và trường đại học. Chính phủ có thể hỗ trợ bằng cách tạo ra các chương trình hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, qua đó giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực công như cơ sở vật chất, hạ tầng nghiên cứu, nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó nâng cao năng lực nội sinh công nghệ của doanh nghiệp.
Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia vào các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia như sân bay, cảng biển, đường cao tốc, điện hạt nhân... từ khâu nghiên cứu đến triển khai các dự án để họ dần làm chủ công nghệ.
Ngoài ra cần thúc đẩy và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc hình thành các quỹ hỗ trợ, xây dựng các nền tảng hỗ trợ, như các trung tâm đổi mới sáng tạo để giúp phát triển các mô hình khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới và tăng trưởng kinh tế.
Nguồn: https://nhandan.vn/dong-luc-trong-he-sinh-thai-doi-moi-sang-tao-post878403.html
Bình luận (0)