Đó là đoạn đầu trong bài Xổ số kiến thiết quốc gia, do "quái kiệt" Trần Văn Trạch (em giáo sư Trần Văn Khê, quê Vĩnh Kim, Mỹ Tho) hát mở đầu chương trình xổ số kiến thiết được trực tiếp truyền thanh trên làn sóng điện Đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975, từ 16 giờ.
Thời của xổ số kiến thiết quốc gia
Vé số kiến thiết xưa (giai đoạn 1951 - 1975) ra đời bởi Nghị định số 651-Cab/PR ngày 21.12.1951 thành lập "Cuộc xổ số kiến thiết quốc gia". Thời gian đầu, vé số kiến thiết quốc gia xổ 3 tháng 1 lần, rồi từ năm 1955 đến 1975, xổ liên tục mỗi tuần một lần. Năm 1958, vé số xổ vào thứ sáu hằng tuần. Từ năm 1961, xổ ngày thứ ba. Từ tháng 3.1974 cho đến ngày 26.4.1975 xổ vào ngày thứ bảy.
Mặt trước tờ vé số phát hành năm 1958 với lô độc đắc 1 triệu đồng
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Mặt sau tờ vé số phát hành năm 1958 với lô độc đắc 1 triệu đồng
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Trong suốt thập niên 1950 đến cuối năm 1966, tờ vé số vẫn giữ mệnh giá 10 đồng, do Bộ trưởng Kiến thiết và thiết kế đô thị cùng Tổng giám đốc Ngân khố ký tên, với các giải thưởng 100 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng và lô độc đắc 1 triệu đồng.
Tờ vé số kiến thiết xưa in hình cột cờ Hà Nội
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Tờ vé số in hình chợ Bình Tây
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Tờ vé số in hình Ga xe lửa
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Tờ vé số in hình Hồ than thở Đà Lạt
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Đầu năm 1959, tờ vé số vẫn có 2 chữ ký, nhưng thay cho Bộ trưởng Kiến thiết và thiết kế đô thị là Bộ trưởng Phủ tổng thống. Mệnh giá vẫn 10 đồng và cơ cấu giải thưởng không thay đổi.
Đến cuối năm 1959, tờ vé số có 3 chữ ký. Ngoài Bộ trưởng Phủ tổng thống, Tổng giám đốc Ngân khố còn có thêm Bộ trưởng Quốc gia giáo dục. Đến năm 1961, chỉ còn 2 chữ ký là của Bộ trưởng Tài chánh và Tổng giám đốc Ngân khố.
Vé số xây cất Thư viện quốc gia Sài Gòn
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Năm 1967, mệnh giá tờ vé số nâng lên 20 đồng và các giải trúng cũng thay đổi: 200 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và lô độc đắc 2 triệu đồng.
Tờ vé số mệnh giá 20 đồng
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Tờ vé số mệnh giá 40 đồng
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Đầu năm 1970, có lẽ do lạm phát nên mệnh giá tờ vé số nâng lên 30 đồng và cơ cấu giải thưởng cũng nâng theo với lô độc đắc trị giá 3 triệu đồng. Đến cuối năm 1970, mệnh giá tờ vé số tiếp tục nâng lên 40 đồng và giải thưởng lô độc đắc cũng nâng lên 4 triệu đồng.
Những tờ vé số cuối cùng của tháng 4.1975
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Những tờ vé số cuối cùng của tháng 4.1975
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Những tờ vé số cuối cùng của tháng 4.1975
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Những tờ vé số cuối cùng của tháng 4.1975
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Từ ngày 1.8.1972, mệnh giá tờ vé số được nâng lên 50 đồng với các giải thưởng: 500 đồng, 2.500 đồng, 5.000 đồng, 25.000 đồng, 50.000 đồng, 250.000 đồng, 500.000 đồng và lô độc đắc trị giá 5 triệu đồng. Đây cũng là lần thay đổi cuối cùng vì đến ngày 26.4.1975 là lần xổ số cuối cùng, chấm dứt chương trình xổ số kiến thiết quốc gia.
Cơ cấu giải thưởng của tờ vé số 1975
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Tuy nhiên, sau thời điểm đó, vẫn còn có những tờ vé số… lỡ in, chưa kịp xổ, như tờ vé số ngày 3.5.1975. Thậm chí, chúng tôi từng thấy có tờ vé số lỡ in dự kiến xổ vào tháng 7.1975. Điều này thật ra cũng chẳng có gì lạ, vì người trong ngành cho biết thường vé số sẽ được in trước.
Tờ vé số ngày 3.5.1975 không bao giờ xổ
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Vé số kiến thiết xưa trả thưởng bằng... hiện vật
Trước đó, vào thập niên 1930, còn có loại vé số do Cuộc xổ số Đông Pháp chủ trương, gọi là Loterie Indochinoise, phát hành toàn cõi Đông Dương, mệnh giá 1$ Đông Dương, từ năm 1935 đến 1944.
Vé số Tombola ngày 15.12.1931
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Vé số Tombola ngày 15.12.1931
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Ngoài ra, còn có một loại vé số khác khá đặc biệt, gọi là vé số Tombola. Chưa rõ loại vé số này bắt đầu có từ năm nào, nhưng chúng tôi có tờ in ngày 15 Décembre 1931, gọi là Grande Tombola, phát hành tại Sài Gòn theo Nghị định ngày 15.6.1931 của Thống đốc Nam kỳ, có chữ ký của Thống đốc và thủ quỹ, mệnh giá 0$50 tiền Đông Dương.
Vé số Tombola của Hội phước thiện Gia Định, năm 1950
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Vé số Tombola của Hội phước thiện Gia Định, năm 1950
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Các giải thưởng của loại vé số này không trả bằng tiền mà là hiện vật, bao gồm: một chiếc xe hơi hiệu Citroen trị giá 2.850 đồng, chiếc xe gắn máy giá 750 đồng. Ngoài ra còn có tủ sắt, máy may, xe đạp, máy hát, đồng hồ bấm giờ…
Vé số Tombola của Hội phước thiện, năm 1954
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Vé số Tombola của Hội phước thiện, năm 1954
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Vé số Tombola xây dựng thành phố Vĩnh Long, năm 1963
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Vé số Tombola xây dựng thành phố Vĩnh Long, năm 1963
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Từ năm 1950 trở đi, vé số Tombola do các tổ chức và hội từ thiện người Việt phát hành xuất hiện nhiều, nhằm huy động vốn với những mục đích cụ thể như giúp người nghèo, giúp học sinh mồ côi và trẻ em tại các cô nhi viện.
Vé số Loterie do Cuộc xổ số Đông Pháp phát hành năm 1937
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Vé số Loterie do Cuộc xổ số Đông Pháp phát hành năm 1937
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Như vé số Tombola của Cuộc xổ số Hội phước thiện Gia Định, mệnh giá 10 đồng, xổ ngày 12.2.1950, với các giải thưởng: xe hơi "đời mới" Ford Vedette, xe máy dầu Terrot, máy may hiệu Singer, máy "vô tuyến điện" Grammont, xe đạp Volta, máy hát Emy Radio và đồng hồ đeo tay mạ vàng Realwatch…
Vé số Loterie do Cuộc xổ số Đông Pháp phát hành 1937
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Năm 1963, Tòa hành chánh Vĩnh Long phát hành tờ vé số kiến thiết "xây dựng thành phố mới Vĩnh Long" mệnh giá 10 đồng, với mục đích xây trường tiểu học, chợ, bến xe khách, bến tàu, vườn trẻ, ký nhi viện… Giải thưởng gồm: lô độc đắc là một căn biệt thự song lập lầu "có gắn điện nước", có salon, tủ rượu, giường ngủ… và nhiều lô khác cũng là biệt thự.
Nguồn: https://thanhnien.vn/doc-la-nhung-to-ve-so-kien-thiet-xua-18525071609260118.htm
Bình luận (0)