Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đổi thay trên vùng đất mới

Những ngày này, về xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, dễ dàng cảm nhận được luồng sinh khí mới lan toả khắp buôn làng. Những mái nhà khang trang mọc lên san sát, những vườn rau xanh mướt trong nhà kính, và không khí lao động nhộn nhịp cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của đồng bào dân tộc Tày, Nùng - những người đã rời quê hương miền núi phía Bắc để vào đây làm kinh tế.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng28/05/2025

Gần 100% hộ dân tộc Tày, Nùng, xã Phi Liêng tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Gần 100% hộ dân tộc Tày, Nùng, xã Phi Liêng tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hơn ba thập niên trước, những gia đình người dân tộc Tày, Nùng từ các tỉnh miền núi phía Bắc vượt hàng nghìn cây số vào vùng đất Phi Liêng (huyện Lâm Hà cũ) làm kinh tế mới. Họ mang theo những khát vọng đổi đời, nhưng cũng không ít trăn trở về cuộc sống giữa vùng đất mới còn nhiều khó khăn.

Những năm đầu đặt chân trên vùng đất đỏ bazan này, bà con chỉ biết trông chờ vào ruộng lúa nước và cây cà phê. Tuy nhiên, việc canh tác còn manh mún, thiếu kỹ thuật, lại phụ thuộc quá lớn vào giá cả thị trường nên cuộc sống của họ vẫn bấp bênh, thiếu trước hụt sau. “Những năm đầu bà con gặp nhiều khó khăn. Có vụ giá cà phê xuống thấp, xuất bán chỉ đủ trang trải chi phí đầu tư, sinh hoạt chứ chẳng dư giả gì”, ông Trần Đình Lưu - Trưởng thôn Thanh Bình nhớ lại.

Nhờ sự định hướng đúng đắn và sự vận động, hướng dẫn tận tình của cấp ủy chính quyền địa phương, nhiều hộ dân tộc Tày, Nùng đã bắt đầu thay đổi tư duy sản xuất. Từ độc canh cây cà phê, họ mạnh dạn chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm. Tuy là mô hình mới nhưng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Những vườn dâu xanh tốt trải dài dưới chân đồi, xen lẫn diện tích cà phê và những nong tằm trắng muốt trong nhà đã mở ra cơ hội cho bà con thoát nghèo bền vững. “Vốn là nghề mới, lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhưng hiệu quả mang lại rõ rệt hơn: Chi phí đầu tư ban đầu khá khiêm tốn, dâu dễ trồng, tằm dễ nuôi, xoay vòng nhanh và đầu ra khá ổn định nên bà con càng yên tâm gắn bó với nghề. Nhiều hộ có thu nhập tăng gấp đôi, gấp ba so với trước nên cuộc sống của bà con ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, do chất lượng giống tằm không ổn định, diện tích dâu trồng xen lẫn với cà phê nên chất lượng lá dâu cũng bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật. Hiện chỉ còn vài hộ duy trì nghề trồng dâu, nuôi tằm”, anh Chu Văn Lâm - Bí thư Chi bộ thôn Thanh Bình nói.

Cũng theo anh Chu Văn Lâm, toàn thôn có trên 278 hộ, trong đó người dân tộc Tày, Nùng chiếm khoảng 70 hộ. Do yếu tố khách quan và từ tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nên vài năm gần đây, nhiều hộ dân tộc Tày, Nùng chuyển sang mô hình sản xuất mới, hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ làm nông theo kiểu truyền thống (trồng lúa, dâu tằm), hầu hết bà con đã tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 20 ha: trồng rau, củ, quả hữu cơ trong nhà kính, ngoài trời, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, kiểm soát môi trường trồng trọt…

Những luống cà chua, ớt chuông xanh mướt, sai quả đều tăm tắp là thành quả từ sự chịu khó, học hỏi không ngừng của người dân nơi đây. Bên cạnh đó, sự đồng hành của Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phi Liêng đóng vai trò quan trọng trong quá trình của sự chuyển đổi này. Hợp tác xã đã giúp bà con tiếp cận kỹ thuật mới, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giảm rủi ro và nâng cao giá trị mặt hàng nông sản.   

Không chỉ làm nông, một số hộ dân còn biết phát huy nghề truyền thống. Từ Cơ sở sản xuất bánh tráng gia truyền Quy Thoa của gia đình anh Luân Văn Quy - chị Triệu Thị Thoa đã được công nhận OCOP 3 sao thì đến nay làng Tày đã phát triển thêm gần cả chục cơ sở mới như: Lộc Viết Chiến, Tô Thị Hiền, Viên Văn Định, Thế Anh, Thọ Cúc... “Trước đây, sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, giờ có thương hiệu rồi, vận động thêm nhiều hộ cùng tham gia mở rộng quy mô sản xuất, góp phần tăng thêm thu nhập và hơn hết là giữ được cái nghề gia truyền của ông bà để lại”, anh Luân Văn Quy chia sẻ với niềm tự hào.

Những thay đổi trong tư duy và hành động đã đem lại thành quả rõ rệt. Nhiều hộ dân đã sắm được ô tô phục vụ sinh hoạt, xây dựng nhà cửa khang trang, có hộ đầu tư tiền tỷ vào trang trại và mở rộng cơ sở sản xuất. Cùng các địa phương trong huyện, xã Phi Liêng hôm nay là minh chứng sống động cho hành trình vượt khó, vươn lên làm chủ cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc trên vùng đất này.  

Ông Ngô Mạnh Cường - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, cho biết: “Vài năm gần đây, người dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn xã chú trọng phát triển kinh tế một cách vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo là người Tày, Nùng chỉ còn từ 1 đến 2 hộ. Nhiều diện tích nhà kính, nhà lưới, áp dụng công nghệ cao vào trồng trọt đã được bà con thực hiện hiệu quả, thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/năm”.

Nguồn: https://baolamdong.vn/kinh-te/202505/doi-thay-tren-vung-dat-moi-4420409/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm