Bài học từ lịch sử
Một số người cho rằng, đây là khoảng thời gian hòa hoãn giữa hai nước, tương tự như những gì đã xảy ra vào cuối những năm 1960 và 1970. Khi đó, Nga-Mỹ đều thấy mình bên miệng hố một cuộc chiến tranh hạt nhân, lo ngại những rủi ro tiềm tàng có thể xảy ra và bắt đầu tìm kiếm một giải pháp để thu hẹp đối đầu, từng bước nối lại hợp tác.
Nguyên nhân cho những nhận định trên là bởi những điểm chung giữa tình hình hiện nay và tình hình vào cuối những năm 60, 70 của thế kỷ trước, đặc biệt là nguy cơ đối đầu hạt nhân. Nếu như trước đây là cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào đầu những năm 1960, thì nay là nguy cơ một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Nga và Mỹ liên quan đến vấn đề Ukraine (quân đội Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ và phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, điều mà Moscow coi là sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào cuộc xung đột, cũng như khả năng đưa quân đội phương Tây vào chiến trường Ukraine). Cả trước đây và hiện tại, chính quyền Nga - Mỹ đều muốn tránh một cuộc đối đầu trực tiếp thông thường, chứ đừng nói đến nguy cơ một cuộc xung đột hạt nhân.
Trái lại, cũng có người chỉ ra những điểm khác biệt về quan hệ Nga-Mỹ ở thời điểm hiện tại và trước đây: tham vọng toàn cầu của các siêu cường thời Chiến tranh Lạnh cao hơn nhiều so với các cường quốc của thế kỷ XXI.
Trước đây, Mỹ và Liên Xô bị mắc kẹt trong cuộc đấu tranh sinh tồn để giành quyền kiểm soát thế giới. Mỗi quốc gia đều có đủ nguồn lực (tư tưởng, con người, quân sự, kinh tế) để mong muốn mở rộng ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới. Và mục đích của sự hòa hoãn không phải là phân chia quyền lực trên thế giới, mà đưa cuộc đối đầu giữa hai nước, hay rộng hơn là trên phạm vi toàn cầu vào một kênh có thể quản lý được.
Ngày nay, có vẻ các cường quốc không còn tham vọng như vậy, hoặc nếu có thì cũng lựa chọn những phương thức khác để đạt được mục tiêu. Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump, với chủ trương thực dụng “làm cho nước Mỹ giàu có trở lại”, đã chỉ trích chính quyền tiền nhiệm và cho rằng việc chi hàng nghìn tỷ USD để duy trì quyền bá chủ toàn cầu là không cần thiết, và thực hiện một số điều chỉnh. Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên đã từng rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, thì nay một lần nữa rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (ngày 20/1/2025) hay xem xét lại các gói viện trợ cho Ukraine và nhanh chóng muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng này.
Gần đây nhất, chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Trump đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ có thể sẽ phá hủy một trong những trụ cột lòng trung thành của các đồng minh đối với Washington. Liên minh châu Âu (EU) đang có kế hoạch giảm thuế và áp mức giá trần đối với xe điện từ Trung Quốc, hợp tác với Trung Quốc để đối phó với chính sách thuế quan của Mỹ.
Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã không ít lần khẳng định, nước Nga không có tham vọng bá chủ toàn cầu hay muốn kiểm soát thế giới. Thay vào đó, ông thường nói đến việc bảo vệ lợi ích quốc gia, chống lại sự can thiệp từ bên ngoài, và hướng tới một thế giới đa cực - nơi không chỉ có một siêu cường thống trị. Nga không và cũng không có ý định thách thức Mỹ để giành quyền kiểm soát Trung Đông và các khu vực địa chính trị khác - Nga chỉ muốn Mỹ tránh xa nước này và không gian hậu Xô viết. Nghĩa là vùng ngoại vi gần nhất của Nga.
Mấu chốt vẫn là vấn đề Ukraine
Không thể phủ nhận những tín hiệu tích cực trong quan hệ Nga-Mỹ ít nhất là trong 2 tháng rưỡi qua. Không chỉ là các cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, các cuộc tiếp xúc trực tiếp của phái đoàn ngoại giao hai nước ở Saudi Arabia, mà còn là các hoạt động hợp tác cụ thể, thực chất. Ngày 8/4, tàu vũ trụ Nga đã đưa phi hành gia người Mỹ Jonathan Kim và hai phi hành gia người Nga lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) một cách an toàn. Roscosmos khẳng định, đây là cộc mốc quan trọng trong việc duy trì hợp tác quốc tế trong lĩnh vực không gian, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các vấn đề địa chính trị. Chuyến bay này không chỉ là một thành công về mặt kỹ thuật, mà còn là minh chứng cho sự hợp tác lâu dài giữa các cơ quan không gian, chẳng hạn như NASA và Roscosmos.
Tiếp đó, Nga - Mỹ hiện đang thảo luận về khả năng hợp tác trong lĩnh vực khai thác và chế biến đất hiếm, một nhóm khoáng sản quan trọng cho ngành công nghệ cao và quốc phòng. Moscow sẵn sàng hợp tác với các đối tác Mỹ, bao gồm cả khu vực công và tư nhân, trong các dự án khai thác đất hiếm tại Nga và các khu vực mà Nga kiểm soát ở Ukraine. Đây rõ ràng là một tín hiệu lạc quan và phản ánh mức độ lòng tin chiến lược hạn chế giữa hai nước - không chỉ trong lĩnh vực có lợi ích đan xen rõ ràng, mà còn là một trong những lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế hiện đại và công nghệ tương lai.
Tuy nhiên, mấu chốt trong quan hệ Nga - Mỹ và tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương vẫn là vấn đề Ukraine. Chừng nào vấn đề Ukraine chưa được giải quyết, thì mọi nỗ lực hợp tác Nga - Mỹ trong các lĩnh vực khác như đất hiếm, vũ trụ, kiểm soát vũ khí,... đều bị giới hạn, hoặc dễ đổ vỡ. Vấn đề Ukraine trở thành thước đo lòng tin, cũng như biểu hiện cụ thể nhất của sự đối đầu hoặc hòa dịu giữa hai cường quốc.
Hiện nay, về cơ bản quan điểm, lập trường giữa Nga và Mỹ trong giải quyết vấn đề Ukraine vẫn tồn tại những khác biệt sâu sắc, phản ánh sự đối đầu chiến lược kéo dài giữa hai nước. Đối với Nga, vấn đề cấp bách nhất để tiếp tục đối thoại vẫn là đưa quan hệ Nga - Mỹ trở lại mức độ dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ và hợp tác cùng có lợi. Và thứ hai, đảm bảo sự ổn định chiến lược, bao gồm việc tạo ra một hệ thống quan hệ quốc tế bền vững dựa trên luật pháp quốc tế và giải quyết chính trị chung các tình huống khủng hoảng toàn cầu và khu vực, bao gồm cả cuộc khủng hoảng ở Ukraine do các nước phương Tây gây ra.
Trong khi đó, Mỹ nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, khẳng định Ukraine có quyền tự quyết, bao gồm cả việc gia nhập các liên minh như NATO hay EU, cho dù ở thời điểm hiện tại ngay cả Mỹ cũng chưa sẵn sàng. Bất chấp đang duy trì đối thoại với Nga, song thực tế là Mỹ vẫn tiếp tục duy trì các gói viện trợ quân sự cho quân đội Ukraine. Chính sự khác biệt trong cách tiếp cận này khiến việc tìm ra một giải pháp chung trở nên khó khăn, và cuộc xung đột Ukraine vẫn là bài toàn chưa có lời giải thỏa đáng.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm thiết lập lại quan hệ Mỹ - Nga đã mang những tín hiệu tích cực ban đầu. Tuy nhiên, những thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực không gian vũ trụ, hay thậm chí là đất hiếm có thể thúc đẩy tiếng nói chung của Mỹ - Nga trong việc giải quyết vấn đề Ukraine vẫn là câu hỏi khó, hiện chưa có đáp án.
Hùng Anh (CTV)
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/doi-thoai-nga-my-dau-xuoi-lieu-duoi-co-lot-245843.htm
Bình luận (0)