Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Đóng băng' tác phẩm 'Nhà nho xứ Bắc' và vấn đề minh bạch nguồn gốc tranh

Ngày 29.3 vừa qua, tại phiên đấu giá 20th Century Day Sale của nhà Christie's Hong Kong, bức tranh Nhà nho xứ Bắc - mang số đăng ký 218 - đã được gõ búa với mức giá 1,3 triệu đô la Hồng Kông (tương đương 167.960 USD). Sau khi cộng thuế và các phí liên quan, tổng giá trị tác phẩm lên tới 218.350 USD, tức gần 5,5 tỉ đồng.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên20/04/2025

Như Thanh Niên đã thông tin trong bài Số phận bức tranh Nhà nho xứ Bắc của họa sĩ Nam Sơn trong số báo ra ngày 31.3.2025, trước khi phiên đấu giá bức tranh diễn ra, gia đình họa sĩ Nam Sơn đã gửi đơn đến nhà đấu giá phản đối mạnh mẽ, khẳng định bức tranh là tác phẩm thuộc quyền thừa kế hợp pháp của gia đình, vốn được gìn giữ như một di sản, với mục tiêu xây dựng Bảo tàng Nam Sơn - nơi lưu giữ và tôn vinh sự nghiệp của người nghệ sĩ tiên phong trong nền mỹ thuật hiện đại VN, nhằm đáp ứng đúng nguyện vọng của họa sĩ Nam Sơn trước khi qua đời.

DI SẢN VÔ GIÁ

Bức tranh Nhà nho xứ Bắc được họa sĩ Nam Sơn sáng tác vào năm 1923, trước khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời, và trở thành một cột mốc nghệ thuật quan trọng trong sự nghiệp của ông. Tardieu - một họa sĩ Pháp đến từ Paris theo Giải thưởng Đông Dương - đã nhìn thấy trong Nam Sơn một đối tác nghệ thuật xứng tầm, và chính Nhà nho xứ Bắc đã góp phần tạo nên mối liên minh lịch sử giữa hai người, dẫn đến sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925 - cái nôi đào tạo nên một thế hệ danh họa VN sau này.

Khi nhà văn Nhất Linh xuất bản tác phẩm đầu tay Nho phong vào năm 1926, ông đã trân trọng đặt tranh Nhà nho xứ Bắc lên trang bìa sách, như một sự kết nối giữa hình và ý, giữa mỹ học và nhân văn. Đó là một minh chứng cho vị trí đặc biệt của bức tranh trong đời sống tinh thần đương thời.

'Đóng băng' tác phẩm 'Nhà nho xứ Bắc' và vấn đề minh bạch nguồn gốc tranh- Ảnh 1.

Tác phẩm Nhà nho xứ Bắc của họa sĩ Nam Sơn

ẢNH: TƯ LIỆU NGÔ KIM KHÔI

'Đóng băng' tác phẩm 'Nhà nho xứ Bắc' và vấn đề minh bạch nguồn gốc tranh- Ảnh 2.

Trang bìa tác phẩm đầu tay Nho phong của nhà văn Nhất Linh xuất bản vào năm 1926 trang trọng in bức tranh Nhà nho xứ Bắc

ẢNH: TƯ LIỆU NGÔ KIM KHÔI

Bức tranh khắc họa cụ Nguyễn Huy Văn - tức cụ Trưởng Văn, hiệu Sỹ Đức, tự Cẩm Thành - em ruột của mẹ họa sĩ Nam Sơn, cũng là người thầy đầu đời đã hướng dẫn Nam Sơn từ những ngày còn cắp sách. Cụ Sỹ Đức là một nhà nho yêu nước, từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào cách mạng bằng con đường học thuật, khai mở tư tưởng dân tộc đầu thế kỷ 20. Trong tranh, cụ chít khăn trắng, để tang cho nước mất nhà tan. Đôi mắt sáng quắc, cái nhìn rắn rỏi mà vẫn trầm buồn, như gói ghém trong đó cả một nỗi u hoài lịch sử, khiến người xem không thể nào dửng dưng.

Sau khi cụ Sỹ Đức qua đời, gia đình đã đưa bức tranh lên bàn thờ tổ tiên, coi như một di sản linh thiêng của dòng họ, không chỉ là kỷ vật của một người thầy, một người thân, mà còn là biểu tượng của tinh thần và giá trị đạo học truyền đời.

SỰ THẬN TRỌNG CẦN THIẾT

Trước phản ứng mạnh mẽ từ gia đình họa sĩ Nam Sơn, nhà đấu giá Christie's đã có phản hồi chính thức với tinh thần trung lập và minh bạch: "Xin quý vị yên tâm rằng Christie's luôn xem xét nghiêm túc các khiếu nại liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu... Các khiếu nại của thân chủ quý vị đã được chúng tôi chuyển đến bên ký gửi kịp thời… Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp cần thiết để giữ lại tác phẩm nghệ thuật và số tiền thu được từ việc bán tác phẩm cho đến khi tranh chấp giữa hai bên được giải quyết, hoặc theo hướng dẫn từ một phán quyết có hiệu lực của tòa án".

Theo đó, tác phẩm Nhà nho xứ Bắc hiện đang bị "đóng băng", không chuyển giao cho người mua cũng không hoàn lại cho người bán, do chưa có đủ chứng cứ chứng minh quyền sở hữu rõ ràng. Một quyết định phản ánh đạo đức nghề nghiệp và sự thận trọng cần thiết trong thế giới sưu tầm ngày càng phức tạp.

'Đóng băng' tác phẩm 'Nhà nho xứ Bắc' và vấn đề minh bạch nguồn gốc tranh- Ảnh 3.

Thông tin phiên đấu giá “20th Century Day Sale” của nhà Christie's Hong Kong cho bức tranh Nhà nho xứ Bắc

ẢNH: TƯ LIỆU NGÔ KIM KHÔI

Trên phương diện pháp lý, những người thừa kế di sản Nam Sơn như theo biên bản cuộc họp gia đình sẽ làm việc với cơ quan chức năng địa phương để việc tranh chấp được giải quyết theo đúng luật thừa kế, đảm bảo quyền lợi hợp pháp và giá trị văn hóa của tác phẩm được bảo vệ.

Christie's đã làm đúng khi tạm dừng giao dịch để chờ phán quyết từ pháp luật. Và hy vọng hành động này sẽ đặt ra một tiền lệ tích cực, giúp bảo vệ những di sản nghệ thuật VN khỏi nguy cơ bị lưu lạc, thất tán.

Trong bối cảnh thị trường nghệ thuật đang bùng nổ, vụ việc này là một lời nhắc cần thiết với giới sưu tập trong và ngoài nước: Minh bạch về nguồn gốc không chỉ là yếu tố pháp lý, mà còn là biểu hiện của sự tôn trọng đối với lịch sử và người sáng tạo.

Nguồn: https://thanhnien.vn/dong-bang-tac-pham-nha-nho-xu-bac-va-van-de-minh-bach-nguon-goc-tranh-185250419202848685.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Từ 18 giờ tối nay 19.4, CSGT tiếp tục cấm xe hơn 20 tuyến đường trung tâm TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm