Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đồng Tháp mới: Cơ hội bứt phá cho vùng nông sản chiến lược

Báo Đồng ThápBáo Đồng Tháp18/07/2025

 

ĐTO - Dọc theo dòng sông Tiền hiền hòa, từ thượng nguồn Hồng Ngự đến tận Gò Công Đông - Gò Công Tây, một vùng đất rộng lớn, màu mỡ, trù phú đang cùng chung tên gọi tỉnh Đồng Tháp mới. Nơi đây mở ra vùng nguyên liệu siêu lớn mang tầm chiến lược cho ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.


Vùng chuyên canh khóm ở xã Tân Phước 1 (tỉnh Đồng Tháp) (Ảnh: Duy Hải)

Hình thành vùng nông nghiệp chiến lược

Hơn cả sự tương đồng về lợi thế nông nghiệp, việc sáp nhập 2 tỉnh giúp kết nối không gian vùng chuyên canh thành một chỉnh thể lớn hơn. Sở hữu vùng chuyên canh khóm bạt ngàn, cánh đồng lúa bao la, vùng xoài, nhãn và sầu riêng chất lượng cao đến diện tích nuôi cá tra quy mô lớn, tất cả được “dệt” lại thành  mạng lưới nguyên liệu nông sản rộng lớn, phong phú và đầy tiềm năng.

Tuyến sông Tiền chảy dọc từ thượng nguồn đến cửa biển như một trục nối dài các vùng nguyên liệu của tỉnh Đồng Tháp mới. Dòng chảy này không chỉ mang phù sa bồi đắp cho đất đai mà còn mở ra khả năng luân chuyển, liên kết và tổ chức lại sản xuất theo vùng, cụm, theo chuỗi khoa học và hiệu quả. Cũng từ trục thủy lợi và giao thương ấy, các cụm dân cư nông nghiệp còn từng bước tham gia vào chuỗi giá trị chế biến, xuất khẩu, nông nghiệp số và kinh tế tuần hoàn.

Nguyên liệu ổn định, chất lượng đồng đều với sản lượng lớn là yếu tố tiên quyết để thu hút các nhà đầu tư vào chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Qua đó giúp ngành công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh Đồng Tháp phát triển theo chiều sâu.

Ngay sau khi sáp nhập, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp mới nhanh chóng bắt tay vào việc tái tổ chức sản xuất, kết nối vùng nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến, tạo động lực phát triển công nghiệp chế biến sâu. Những buổi làm việc, khảo sát thực tế với nông dân và doanh nghiệp diễn ra khẩn trương, quyết liệt cho thấy tinh thần nhập cuộc rõ ràng, nhất quán cùng quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh.

Một trong những dấu ấn nổi bật là chuyến thăm và làm việc của đồng chí Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp với Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Thành Ngọc (xã Phú Hựu). Tại đây, chuỗi liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, chính quyền bắt đầu được hình thành với ngành hàng khóm.

Thông qua kết nối này, nông dân trồng khóm Tân Phước không chỉ được tiếp cận với nguồn giống mới kháng bệnh, kỹ thuật canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng mà còn có doanh nghiệp đồng hành thu mua, chế biến, xuất khẩu bài bản. Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Thành Ngọc - thành viên của Tập đoàn Vĩnh Hoàn với dây chuyền hiện đại gồm sấy thăng hoa, sấy lạnh và cấp đông đã sẵn sàng bao tiêu sản phẩm, mở rộng vùng nguyên liệu khóm sản xuất theo hướng hữu cơ cho thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Đó không còn là câu chuyện tìm đầu ra ổn định cho nông sản theo cách bị động mà là định hướng liên kết sản xuất theo nhu cầu thị trường. Sự chủ động này giúp nông sản thoát khỏi tình trạng “được mùa mất giá”.

Chia sẻ về sự sẵn sàng bắt tay cùng doanh nghiệp trong xây dựng vùng chuyên canh khóm chất lượng phục vụ xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Xuyên - nông dân xã Tân Phước 1 thẳng thắn bày tỏ: “Doanh nghiệp đưa giống mới, kỹ thuật mới, có đầu ra rõ ràng, nông dân chúng tôi sẵn sàng làm. Mình làm được tới đâu, doanh nghiệp đồng hành tới đó”. Câu nói ngắn gọn nhưng thể hiện rõ tinh thần cầu thị, sẵn sàng thay đổi để làm nông nghiệp bài bản hơn. Tư duy thực tế, dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận cái mới chính là nền tảng quan trọng để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn.

Nhìn nhận về triển vọng dài hơi hơn cho vùng chuyên canh khóm Tân Phước 1 khi được kết nối với Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Thành Ngọc, ông Lê Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước 1 bày tỏ: “Xã Tân Phước 1 có diện tích chuyên canh khóm khá lớn với 5.000ha. Tuy nhiên, những năm qua, phần lớn nông dân canh tác khóm theo cách làm và kỹ thuật truyền thống, giống khóm canh tác nhiều năm có dấu hiệu thoái hóa, chất lượng và năng suất chưa thực sự tối ưu. Tôi nhận thấy việc Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Thành Ngọc đề xuất kết nối với nông dân xây dựng vùng khóm nguyên liệu xuất khẩu được sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sẽ là hướng đi triển vọng và bền vững cho cây khóm Tân Phước. Sự kết nối này không chỉ giải quyết vấn đề giống thoái hóa mà còn mở ra thị trường cao cấp, tăng giá trị sản phẩm”.


Vùng chanh không hạt xuất khẩu sang thị trường Hà Lan của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long (xã Mỹ Hiệp, tỉnh Đồng Tháp)

Sẵn sàng cho những bước tiến dài hơi

Ngay từ những ngày đầu sau khi sáp nhập tỉnh, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Mỹ Long (xã Mỹ Hiệp) chủ động đăng ký nhãn hiệu, bao bì mới, xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp ở phường Đạo Thạnh ký hợp đồng tiêu thụ đối với sản phẩm nước cốt chanh mật ong cô đặc - sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao của HTX. Điều này cho thấy sự thích nghi nhanh chóng và tinh thần cầu thị của người nông dân và doanh nghiệp khi tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang “về chung một nhà” trở thành tỉnh Đồng Tháp mới rộng lớn và tiềm năng hơn.

Ông Lê Văn Nam - thành viên Hội đồng quản trị HTX DVNN Mỹ Long chia sẻ với sự phấn khởi: “Chúng tôi thấy rõ lợi thế của vùng nguyên liệu sau sáp nhập. Tỉnh Đồng Tháp (cũ) và Tiền Giang (cũ) có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, cây trồng chủ lực, nhất là một số loại nông sản chủ lực như: chanh không hạt, sầu riêng... Vì vậy, khi địa giới hành chính được mở rộng, vùng nguyên liệu cũng được kết nối liền mạch hơn, tạo cơ hội để HTX phối hợp với nhiều nhà vườn trên địa bàn tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu chanh chất lượng ổn định, đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu sang thị trường Hà Lan. Song song đó, sự mở rộng quy mô tỉnh còn góp phần thúc đẩy doanh nghiệp 2 địa phương liên kết giao thương, chia sẻ hệ thống logistics, quảng bá sản phẩm đặc trưng, đồng thời hình thành một hệ sinh thái doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp mới - năng động, sáng tạo, có khả năng hỗ trợ nhau cùng phát triển bền vững”.

Đồng chí Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua lắng nghe tâm tư của người dân, lãnh đạo tỉnh nhận thấy bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối đầu ra ổn định cho sản phẩm. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến lớn như Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Thành Ngọc lại có sẵn tiềm lực và dây chuyền hiện đại đạt chuẩn xuất khẩu nhưng chưa xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững. Từ thực tế này, lãnh đạo tỉnh xác định rõ vai trò “cầu nối”, thúc đẩy việc bắt tay giữa doanh nghiệp và nông dân nhằm cùng nhau phát triển ngành hàng theo chuỗi liên kết. Không chỉ dừng lại ở định hướng, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ đồng hành xuyên suốt, hỗ trợ cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các bên phối hợp hiệu quả, góp phần nâng tầm giá trị nông sản Đồng Tháp trên thị trường quốc tế”.


Thu hoạch cá tra xuất khẩu ở khu vực đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp

Từ bản đồ hành chính mới lại dần hiện rõ “bản đồ cơ hội” - nơi những vùng nguyên liệu được quy hoạch, sản xuất gắn liền với chế biến sâu, đầu ra kết nối chặt chẽ với thị trường quốc tế và mỗi nông dân trở thành mắt xích có giá trị trong chuỗi nông nghiệp hiện đại. Đây sẽ là nền tảng để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu...

Mỹ Lý

Nguồn: https://baodongthap.vn/kinh-te/dong-thap-moi-co-hoi-but-pha-cho-vung-nong-san-chien-luoc-132981.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm