Thời gian qua, dù tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút nhân tài nhưng vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục được hoàn thiện, như các chính sách chưa quy định rõ ràng, cụ thể về nhóm ngành, lĩnh vực trọng tâm cần ưu tiên thu hút theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; một số quy định về tiêu chuẩn, điều kiện thu hút còn tương đối cao (yêu cầu sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ) dẫn đến số lượng cá nhân đủ điều kiện thụ hưởng chưa nhiều. Giai đoạn 2015-2020, tỉnh mới thu hút được 21 trường hợp, khiến cho nguồn nhân lực chuyên sâu về KHCN, CNTT và chuyển đổi số trong hệ thống các cơ quan nhà nước của tỉnh vẫn còn hạn chế. Phần lớn nhân lực đang đảm nhiệm các vị trí liên quan phải kiêm nhiệm nhiều công việc, trong khi tính chất công việc đòi hỏi chuyên môn sâu, thường xuyên cập nhật kiến thức mới, kỹ năng mới...
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và các nghị quyết, chỉ đạo liên quan của Chính phủ, tỉnh xác định rõ việc xây dựng đội ngũ CBCC có năng lực thực hiện quản lý nhà nước về KHCN, giúp việc tiếp cận, lựa chọn, triển khai các thành tựu KHCN và chuyển đổi số ứng dụng vào thực tiễn phát triển KT-XH của địa phương hiệu quả.
Tại Kỳ họp thứ 29 HĐND tỉnh khóa XIV đã quyết nghị thông qua Nghị quyết quy định về chính sách thu hút, hỗ trợ nhân lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị tỉnh, giai đoạn 2025-2030. Đây là một trong những chính sách đầu tiên ở cấp tỉnh trên cả nước thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Trung ương về phát triển nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển đổi số, có tính bao trùm, đồng bộ và hướng đến hiệu quả thực tiễn.
Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ 4 nhóm chính sách gồm: Chính sách thu hút; chính sách hỗ trợ; chính sách đào tạo sau đại học; chính sách hỗ trợ sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI).
Đối tượng áp dụng bao gồm cả đội ngũ CBCCVC đang làm việc, giảng viên, nhà khoa học và sinh viên giỏi được tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, mức hỗ trợ thu hút nhân lực chất lượng cao dao động từ 300 triệu đến 2 tỷ đồng/người/lần tùy theo trình độ học vấn và vị trí công tác (Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, sinh viên xuất sắc…). Người được thu hút còn được hỗ trợ thêm thu nhập hằng tháng, hỗ trợ tiền thuê nhà với mức 2,5-3 triệu đồng/tháng trong vòng 5 năm, cùng các chính sách ưu đãi khác.
Đối với đội ngũ đang công tác, những người trực tiếp tham mưu, triển khai các nhiệm vụ về KHCN, chuyển đổi số được hỗ trợ từ 2-9 triệu đồng/người/tháng. Riêng CBCC trực tiếp phụ trách về công nghệ thông tin tại cấp xã được hỗ trợ 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, chính sách đào tạo sau đại học có mức hỗ trợ rất cụ thể và thiết thực, từ 100 triệu đồng (học Thạc sĩ trong nước) đến 2 tỷ đồng (Tiến sĩ ở nước ngoài). Với cán bộ là người dân tộc thiểu số, mức hỗ trợ được tăng 1,5 lần so với mức thông thường.
Đặc biệt, tỉnh tiên phong đưa vào chính sách hỗ trợ tài chính cho việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công vụ, với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/tháng cho mỗi đơn vị, cá nhân triển khai các phần mềm AI phục vụ công tác chuyên môn. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện các chính sách nói trên trong giai đoạn 2025-2030 là trên 330 tỷ đồng, được bố trí từ ngân sách địa phương theo phân cấp hiện hành. Đây là khoản đầu tư có tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn xa và trách nhiệm của Quảng Ninh đối với sự phát triển bền vững của tỉnh trong tương lai.
Đồng chí Bùi Thị Huyền Trang, Chủ tịch UBND phường Hà Lầm, cho biết: Hiện phường đang thiếu nhân lực giỏi trong lĩnh vực CNTT để tham mưu cho phường về công tác chuyển đổi số và việc tuyển dụng nhân lực ở vị trí này cũng rất khó khăn. Chính sách thu hút, hỗ trợ đội ngũ nhân lực sẽ giúp kiến tạo môi trường để người tài lựa chọn và gắn bó lâu dài với tỉnh cũng như các địa phương. Về lâu dài, nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo, bồi dưỡng bài bản là nền tảng cho một chính quyền số vận hành linh hoạt, minh bạch, hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng hiệu quả.
Không chỉ đơn thuần là một chính sách đãi ngộ, việc ban hành nghị quyết này còn là bước đi chiến lược của tỉnh nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, nhất là trong bối cảnh triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, việc tăng cường đội ngũ nhân lực chuyên sâu sẽ giúp các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt hơn vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển KHCN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số toàn diện.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/thu-hut-nhan-luc-chat-luong-cao-ve-khoa-hoc-cong-nghe-3367316.html
Bình luận (0)