Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đồng ý chủ trương tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam

Việt NamViệt Nam26/04/2025

Sáng 26/4, tiếp tục Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam từ nguồn ngân sách nhà nước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày tóm tắt tờ trình. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Trình bày Tờ trình xin ý kiến về chủ trương hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam từ nguồn ngân sách nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết theo nghị quyết của Trung ương Đảng và quy định của pháp luật, Ngân hàng Hợp tác xã thuộc đối tượng chi đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương hàng năm.

Thực tiễn cũng cho thấy, việc hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính cho Ngân hàng Hợp tác xã nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế hoạt động, thực hiện tốt sứ mệnh, chức trách, nhiệm vụ được giao trong công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính và bảo đảm cho các quỹ tổ chức tín dụng hoạt động ổn định, an toàn, phát triển bền vững… Do đó, việc hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính cho Ngân hàng Hợp tác xã là cần thiết, cấp bách.

Từ những nội dung báo cáo, căn cứ vào các quy định pháp luật, khả năng cân đối ngân sách nhà nước, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính cho Ngân hàng Hợp tác xã và đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội.

Theo đó, phê duyệt chủ trương hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã với số tiền là 5.000 tỷ đồng từ nguồn chi đầu tư phát triển ngân sách trung ương; giao Chính phủ chỉ đạo việc hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã theo quy định; chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô hỗ trợ vốn nhà nước cho Ngân hàng Hợp tác xã.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Thể hiện đồng tình với đề nghị của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính, do Chủ nhiệm Phan Văn Mãi trình bày cho rằng, việc xem xét hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã là có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban nhận thấy, Tờ trình của Chính phủ còn chưa làm rõ về các giải pháp khác để tăng vốn điều lệ theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024; kế hoạch sử dụng nguồn vốn điều lệ (khi được tăng thêm), lộ trình tăng vốn (giải ngân), bảo đảm mục tiêu sử dụng chặt chẽ, hiệu quả, an toàn; không bố trí vốn chỉ để đủ điều kiện về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) mà phải bảo đảm vốn được hấp thụ vào trong thực tế sử dụng. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo đề xuất cụ thể về nguồn vốn để có căn cứ xem xét, quyết định.

Về thẩm quyền quyết định chủ trương và trình tự, thủ tục hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Thường trực Ủy ban cho rằng, theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2024, mức vốn đề xuất nêu trên không thuộc mức dự án quan trọng quốc gia, do đó, không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và nội dung này thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam là cần thiết, có cơ sở; đề nghị, Chính phủ trên cơ sở xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn sẽ xem xét, quyết định việc hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo quy định của pháp luật.

* Cũng trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các trường hợp khác được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại khoản 2 Điều 157 Luật Đất đai năm 2024 (bao gồm cả nội dung giảm tiền thuê đất năm 2025).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tóm tắt tờ trình. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày, ngày 18/1/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2024. Trong đó, tại khoản 1 Điều 157 quy định 11 trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất tiền thuê đất; tại khoản 2 Điều 157 quy định: "Chính phủ quy định các trường hợp khác được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa được quy định tại khoản 1 Điều này sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội"; tại khoản 4 Điều 157 quy định: "4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này".

Tiếp đó, ngày 24/1/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Kết luận số 123-KL/TW về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng hai con số trong giai đoạn năm 2026-2030. Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia… Trong khi đó, qua rà soát pháp luật về đất đai năm 2013, có một số trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo các Nghị định khác của Chính phủ hoặc các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngoài các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được quy định tại khoản 1 Điều 157 Luật Đất đai năm 2024 và được quy định chi tiết tại Nghị định số 103/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ.

Do đó, việc Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các trường hợp khác được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại khoản 2 Điều 157 Luật Đất đai năm 2024 (bao gồm cả nội dung giảm tiền thuê đất năm 2025) là có cơ sở pháp lý và thực tiễn.

Chính phủ cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu và ban hành 11 chính sách cụ thể thuộc các trường hợp khác được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại khoản 2, Điều 157 Luật Đất đai năm 2024 sau khi có đủ cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày nêu rõ, đa số ý kiến Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành quy định về các trường hợp khác được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất như Tờ trình của Chính phủ; song đề nghị cần rà soát các chính sách bảo đảm tuân thủ nguyên tắc đã được nêu ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thống nhất về mặt chủ trương, nguyên tắc để Chính phủ ban hành Nghị định quy định về các trường hợp khác được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại khoản 2 Điều 157 Luật Đất đai năm 2024.

100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đồng ý các trường hợp khác được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại khoản 2 Điều 157 Luật Đất đai năm 2024 (bao gồm cả nội dung giảm tiền thuê đất năm 2025), làm cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định về nội dung này.


Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời
Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm