Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị trao đổi công tác giữa Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên và Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn diễn ra vào chiều 27/3/2025
Tinh gọn bộ máy - Chủ trương lớn của Đảng cần được hiện thực hóa
Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã xác định rõ yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Trên tinh thần đó, việc sáp nhập các đơn vị hành chính là một trong những giải pháp quan trọng để giảm bớt tầng nấc trung gian, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi phí hành chính, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.
Thái Nguyên và Bắc Kạn là hai tỉnh có mối liên hệ chặt chẽ về địa lý, văn hóa, lịch sử và kinh tế - xã hội. Việc nghiên cứu sắp xếp lại hai tỉnh không chỉ phù hợp với định hướng chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công cuộc đổi mới bộ máy quản lý nhà nước hiện nay mà còn góp phần hình thành một bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả hơn; giảm sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ; hạn chế tình trạng trùng lặp trong quản lý nhà nước; tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên, từ đó tái đầu tư vào các lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế, hạ tầng và phát triển con người.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên trao tặng biển tượng trưng hỗ trợ 3 tỷ đồng để tỉnh Bắc Kạn thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát. Điều này thể hiện tình cảm, mong muốn mối quan hệ truyền thống quý báu giữa hai tỉnh sẽ ngày càng bền chặt hơn, hướng tới mục tiêu chung là nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân hai địa phương.
Gắn bó lịch sử - Nền tảng cho sự thống nhất tương lai
Không phải ngẫu nhiên mà hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn lại được lựa chọn để sắp xếp. Ngược dòng lịch sử, giai đoạn 1965 - 1996, Thái Nguyên và Bắc Kạn từng là một thể thống nhất dưới tên gọi tỉnh Bắc Thái. Đây chính là minh chứng rõ nét về sự gắn bó lịch sử giữa hai địa phương. Sự hợp nhất khi đó nhằm phục vụ yêu cầu kháng chiến, kiến quốc và sự tách ra sau này là để phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Giờ đây, khi đất nước bước sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, việc tái sắp xếp lại trở nên cần thiết và hợp lý.
Cùng với đó cơ sở địa lý tiếp giáp, điều kiện tự nhiên gần gũi, văn hóa - xã hội tương đồng và mối quan hệ kinh tế - xã hội đan xen là tiền đề thuận lợi để sắp xếp, không gây xáo trộn lớn đến tâm lý người dân, đồng thời dễ dàng trong quá trình tổ chức thực hiện và chuyển giao bộ máy hành chính.
Hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế, Thái Nguyên đã thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư, trong đó có Tập đoàn Samsung. (Trong ảnh: Sản xuất điện thoại tại Nhà máy Samsung Thái Nguyên - Khu công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên)
Phát huy thế mạnh bổ trợ - Động lực phát triển vùng
Thái Nguyên là trung tâm công nghiệp - giáo dục của vùng trung du, miền núi phía Bắc, có thế mạnh rõ rệt về công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có hệ thống đô thị và hạ tầng phát triển mạnh. Trong khi đó, Bắc Kạn sở hữu nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết về tài nguyên rừng, khoáng sản, thủy điện, du lịch sinh thái, văn hóa. Sự kết hợp giữa hai địa phương sẽ tạo nên một không gian phát triển thống nhất, hài hòa và bổ trợ cho nhau trên các lĩnh vực.
Đúc gang công nghệ mới của Nhà máy Luyện gang, Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên. (Ảnh: Đồng Đăng)
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy luyện chì của Công ty TNHH Á - Âu, Chi nhánh Bắc Kạn. (Ảnh: Quốc Khánh)
Công nghiệp - Khoáng sản: Bắc Kạn có nhiều mỏ khoáng sản như sắt, chì, kẽm, đá vôi… khi kết hợp với ngành luyện kim - cơ khí phát triển của Thái Nguyên sẽ hình thành chuỗi sản xuất liên hoàn, giảm chi phí vận chuyển và nâng cao giá trị tài nguyên.
Xã Côn Minh, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn là một trong những địa phương có diện tích rừng trồng lớn nhất với trên 300 ha nằm trong vùng đệm, vùng lõi của rừng đặc dụng. (Ảnh: Thu Trang)
Lâm nghiệp - Chế biến: Với tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, Bắc Kạn có thể trở thành vùng nguyên liệu dồi dào cho các nhà máy chế biến gỗ, dược liệu, nông sản tại Thái Nguyên.
Điểm du lịch nổi tiếng của Thái Nguyên - Khu du lịch hồ Núi Cốc
Hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: Quốc Khánh)
Du lịch - Văn hóa: Thái Nguyên có các điểm đến nổi bật như hồ Núi Cốc, Không gian văn hóa trà Tân Cương, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam... Trong khi đó, Bắc Kạn nổi tiếng với hồ Ba Bể, Khu bảo tồn Kim Hỷ, động Nàng Tiên... Việc kết nối các điểm du lịch sẽ tạo nên tuyến du lịch sinh thái - lịch sử hấp dẫn, giàu giá trị giáo dục truyền thống và bảo tồn văn hóa.
Với hệ thống máy móc hiện đại, đồng bộ cùng đội ngũ bác sỹ, chuyên gia nhiều kinh nghiệm sẽ là cơ hội để người dân được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao nhất của nền y học hiện đại tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
Giáo dục - Y tế - Chất lượng sống: Đại học Thái Nguyên, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và các trung tâm đào tạo nghề sẽ là “đầu tàu” kéo theo sự phát triển nguồn nhân lực, giúp người dân Bắc Kạn dễ dàng tiếp cận dịch vụ chất lượng cao hơn, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng thấp và vùng cao.
Tuyến đường vành đai V qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang) khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận
Bổ trợ hạ tầng - Kết nối đồng bộ
Thái Nguyên hiện đang sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông khá đồng bộ, bao gồm: Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới; Quốc lộ 3; đường Hồ Chí Minh; đường Vành đai V; đường liên kết vùng Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc; cao tốc Thái Nguyên - Lạng Sơn... Trong khi đó, điều kiện giao thông của tỉnh miền núi Bắc Kạn vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, việc sáp nhập sẽ giúp mở rộng quy hoạch hạ tầng vùng, tăng khả năng kết nối liên tỉnh, thúc đẩy giao thương hàng hóa, thu hút đầu tư.
Cùng với đó, sự phát triển công nghiệp tại Thái Nguyên hoàn toàn có thể “kéo” được nguồn lao động từ Bắc Kạn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi; đồng thời, các khu công nghiệp như Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công… sẽ được bổ sung nguồn nhân lực dồi dào từ vùng lân cận.
Chương trình Nghệ thuật "Viết tiếp những câu chuyện hòa bình" trong Ngày hội văn hóa quân dân tại ATK Định Hóa, Thái Nguyên
Tăng cường quốc phòng, an ninh vững chắc
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, việc sắp xếp hai tỉnh cũng mang ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh. Thái Nguyên hiện là trung tâm quân sự lớn của cả nước, nơi đặt Bộ Tư lệnh Quân khu 1; trong khi đó, Bắc Kạn có vị trí chiến lược với địa hình hiểm yếu, là vùng An toàn khu Trung ương trong kháng chiến.
Sự liên kết hai địa phương sẽ góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân liên hoàn, tạo thành “lá chắn” vững chắc bảo vệ vùng trung du và miền núi phía Bắc, đồng thời bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Thái Nguyên - Bắc Kạn nơi thiên nhiên hòa quyện cùng văn hóa và con người đậm đà bản sắc. (Ảnh: Đỗ Tuấn - Quốc Khánh)
Đồng thuận văn hóa - Sức mạnh từ lòng dân
Một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm sự thành công của việc sắp xếp hành chính là sự đồng thuận trong Nhân dân. Thái Nguyên và Bắc Kạn có nhiều điểm tương đồng về văn hóa dân tộc. Cộng đồng người Tày, Nùng chiếm tỷ lệ lớn, cùng gìn giữ những phong tục truyền thống như lễ hội Lồng Tồng, Tết Thanh minh, hát Then... điều này tạo nên nền tảng văn hóa thống nhất, dễ dàng hòa nhập và đoàn kết.
Hai địa phương cũng đều là căn cứ địa cách mạng, có nhiều di tích lịch sử, gắn với phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Việc kết nối văn hóa, lịch sử sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trung tâm TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên
Phù hợp với xu hướng quản trị hiện đại
Trong thời đại chuyển đổi số và cải cách hành chính mạnh mẽ, việc tinh giản đơn vị hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai Chính phủ số, chính quyền số, ứng dụng công nghệ vào quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao hiệu quả phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp. Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam trong những năm qua đã cho thấy những thành công và hiệu quả quản trị.
Trung tâm TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: Việt Bắc)
Việc dự kiến hợp nhất hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn có thể nói đã hội tụ đầy đủ cơ sở lịch sử, văn hóa, pháp lý và thực tiễn. Sự đồng thuận sẽ là cánh cửa để mở ra một chân trời mới, một không gian mới, tương lai mới cho 2 địa phương cùng phát triển thịnh vượng dưới một mái nhà chung.
thainguyen.gov.vn
Nguồn: https://thainguyen.gov.vn/vi_VN/thoi-su/-/asset_publisher/L0n17VJXU23O/content/du-kien-sap-xep-tinh-thai-nguyen-va-bac-kan-yeu-cau-tat-yeu-tu-thuc-tien-phat-trien-va-chu-truong-lon-cua-ang?redirect=%2Fvi_VN%2Fthoi-su&inheritRedirect=true
Bình luận (0)