Khai thác chiều sâu văn hóa - Động lực phát triển du lịch bền vững
Quảng Ninh từ lâu đã được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, không chỉ sở hữu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, mà còn là kho tàng văn hóa phong phú với nhiều lễ hội đặc sắc mang đậm dấu ấn cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có trên 70 lễ hội được tổ chức thường niên, không chỉ là dịp để cộng đồng hướng về cội nguồn, bồi đắp giá trị tinh thần, mà còn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước mỗi năm.
Yên Tử là một trong những điểm đến được du khách lựa chọn trong hành trình tham quan, khám phá Quảng Ninh.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở VHTTDL, trong bối cảnh du lịch đang dịch chuyển mạnh mẽ từ “tham quan” sang “trải nghiệm”, từ “sản phẩm đơn lẻ” sang “hành trình tích hợp”, những điểm đến có chiều sâu văn hóa và khả năng làm mới mình không ngừng đang dần khẳng định lợi thế cạnh tranh bền vững. Quảng Ninh, vùng đất hội tụ cả vẻ đẹp tự nhiên và chiều sâu văn hóa, đang từng bước chuyển mình theo hướng đó: Không chỉ là nơi để ngắm Vịnh Hạ Long, hành hương Yên Tử hay khám phá các làng chài, mà là nơi để sống trọn vẹn trong những giá trị văn hóa, lịch sử và bản sắc được tái hiện sống động qua từng hành trình.
Quảng Ninh đã có những bước đi bài bản trong việc gắn kết việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể với phát triển kinh tế du lịch. Tiêu biểu là Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh về việc thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023-2025. Đó là: Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái); Làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, Làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (đều huyện Bình Liêu); Làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân (huyện Vân Đồn). Đến nay các làng đã hoàn thiện quy hoạch chi tiết, chỉnh trang cảnh quan, tổ chức các hoạt động bảo tồn di sản, như trình diễn lễ hội, nghi thức truyền thống, trang phục dân tộc. Đặc biệt, Làng Sán Dìu tại Vân Đồn đã chính thức khai trương tháng 12/2024, trở thành điểm đến văn hóa thu hút du khách, cho thấy hiệu quả ban đầu trong việc biến di sản văn hóa phi vật thể thành nguồn lực phát triển du lịch bền vững.
Lễ hội Hoa sở Bình Liêu mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.
Không chỉ dừng lại ở quy hoạch không gian, các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được chú trọng bảo tồn, như: Nghi lễ Then của người Tày, Lễ hội Đại Phan của người Sán Dìu, Hội hát Soóng cọ của người Sán Chỉ, Nghi lễ cấp sắc của người Dao… Trong đó, 4 di sản đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất Quảng Ninh và tạo nền tảng vững chắc để phát triển các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc địa phương. Việc bảo tồn di sản không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc, mà còn trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư miền núi, vùng sâu vùng xa của tỉnh.
Quảng Ninh hiện có hơn 70 lễ hội được tổ chức thường niên. Từ các lễ hội lớn như Lễ hội Yên Tử, Lễ hội Đền Cửa Ông, Lễ hội Đền Xã Tắc, Miếu Tiên Công, Đình Làng Trại... đến những lễ hội gắn với đời sống tín ngưỡng và phong tục truyền thống của các dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay..., tất cả tạo nên một không gian văn hóa sống động, nơi du khách được hòa mình vào những giá trị linh thiêng, sâu sắc và chân thực. Không chỉ là dịp để cộng đồng hướng về cội nguồn, những lễ hội văn hóa truyền thống này hiện được tổ chức bài bản, hấp dẫn, trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Thay vì khai thác lễ hội một cách đơn lẻ, manh mún, nhiều lễ hội truyền thống đã được nâng tầm quy mô tổ chức, kết hợp trình diễn nghệ thuật, hội chợ sản phẩm OCOP, trưng bày không gian văn hóa dân tộc… tạo nên chuỗi trải nghiệm toàn diện cho du khách. Đồng thời các hoạt động lễ hội được quy hoạch hợp lý theo vùng miền, mùa vụ, tránh chồng chéo, góp phần gia tăng giá trị khai thác mà vẫn giữ được tính nguyên bản, linh thiêng vốn có.
“Trải nghiệm hiện đại” - Hướng đi cần thiết để bắt nhịp thị trường
Khách du lịch thế hệ mới, đặc biệt là Gen Z và khách quốc tế, yêu cầu cao hơn ở trải nghiệm: Tương tác công nghệ, tour thiết kế cá nhân hóa, không gian check-in sáng tạo, lưu trú xanh - thông minh - tiện nghi. Quảng Ninh những năm gần đây đã đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, hệ thống hạ tầng, du lịch thông minh, các lễ hội phong cách mới, như Carnaval, lễ hội ánh sáng, Net Zero tour ở Cô Tô… Đây chính là nền tảng để “trải nghiệm hiện đại” không chỉ là lời hứa, mà là năng lực thực thi.
Carnaval Hạ Long đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của Quảng Ninh.
Bên cạnh những lễ hội truyền thống các dân tộc đặc sắc, Quảng Ninh ngày càng khẳng định vị thế điểm đến năng động với nhiều lễ hội hiện đại, sáng tạo. Tiêu biểu là Carnaval Hạ Long - lễ hội đường phố rực rỡ sắc màu, đã trở thành thương hiệu văn hóa du lịch của tỉnh, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm, đặc biệt là giới trẻ và du khách quốc tế. Các lễ hội mang dấu ấn thiên nhiên và di sản như Lễ hội Trà hoa vàng ở Ba Chẽ, Lễ hội Hoa Sở ở Bình Liêu đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa gắn với bảo tồn sinh thái.
Trong xu thế du lịch hiện đại, du khách không chỉ tìm kiếm điểm đến đẹp, tiện nghi, mà ngày càng có nhu cầu cao hơn về trải nghiệm văn hóa bản địa, khám phá chiều sâu lịch sử và giá trị cộng đồng. Mùa du lịch 2025, Quảng Ninh triển khai 170 sự kiện kích cầu du lịch, trong đó có 24 chương trình tầm cỡ quốc tế, quốc gia và cấp tỉnh, cùng 146 hoạt động cấp địa phương, được thiết kế đa dạng để đáp ứng nhiều nhóm du khách. Bên cạnh trải nghiệm lễ hội văn hóa - lịch sử, các trải nghiệm nghệ thuật - giải trí hiện đại tạo sức hút mạnh mẽ, điển hình như đêm nhạc “Skywave Hạ Long” có sự góp mặt của ca sĩ Sơn Tùng M-TP; chương trình “Huyền thoại miền di sản” và Festival du thuyền trên Vịnh Hạ Long do Sun Group tổ chức. Du khách tìm kiếm các trải nghiệm du lịch sinh thái có thể tham gia hành trình mới khám phá Vịnh Bái Tử Long, phố đêm du thuyền, sự kiện văn hóa - nghệ thuật - môi trường quy mô quốc tế, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam “Festival Art For Climate - Ha Long 2025” bao gồm chuỗi hoạt động như triển lãm tranh, nhiếp ảnh, đấu giá nghệ thuật gây quỹ môi trường, trình diễn thời trang tái chế, hội thảo khí hậu…
Các hoạt động được bố trí theo không gian và thời gian hợp lý: Tại Hạ Long là Carnaval và du lịch biển; tại Uông Bí là du lịch tâm linh và thiền định ở Yên Tử; tại Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ là chuỗi lễ hội gắn với đồng bào DTTS; tại Cô Tô, Vân Đồn là sản phẩm du lịch biển đảo gắn với lặn ngắm san hô, thưởng thức hải sản và khám phá ngư trường truyền thống. Việc kết nối những trải nghiệm này thành chuỗi du lịch liên hoàn sẽ tạo ra sự lan tỏa và hấp dẫn đặc biệt đối với du khách nội địa lẫn quốc tế.
Trong bối cảnh công nghệ số đang định hình lại hành vi du lịch toàn cầu, Quảng Ninh đang từng bước chuyển dịch mạnh mẽ từ phương thức xúc tiến truyền thống sang xúc tiến số đa nền tảng, linh hoạt và có tính cá nhân hóa cao. Theo Kế hoạch số 214/KH-UBND ngày 25/9/2024 của UBND tỉnh, xác định “lấy trải nghiệm, hài lòng của khách du lịch làm trung tâm” trong quá trình chuyển đổi số toàn diện ngành du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một số dự án đáng chú ý, như xây dựng Hệ thống du lịch thông minh, số hóa gần 200 điểm di tích với mã QR, ứng dụng vé điện tử, kiểm soát tự động tại Vịnh Hạ Long, xây dựng mô hình “Bảo tàng ảo” 3D tại Bảo tàng Quảng Ninh... Các doanh nghiệp dịch vụ tích cực áp dụng thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, công nghệ VR/AR và tích hợp AI chatbot trong chăm sóc khách hàng. Những giải pháp này đang từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa quản lý và mang đến trải nghiệm tiện ích, hiện đại cho du khách.
Du khách trải nghiệm Hệ thống du lịch thông minh được triển khai trên đảo Cô Tô.
Đẩy mạnh xúc tiến số cũng là giải pháp truyền thông mà ngành Du lịch tỉnh đang nỗ lực tận dụng, không chỉ giúp giảm chi phí tiếp thị so với các hình thức quảng bá truyền thống, mà còn mở rộng khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu, nhất là trong bối cảnh du lịch quốc tế đang dần phục hồi sau đại dịch. Trên mạng xã hội, Quảng Ninh đẩy mạnh chiến dịch truyền thông số theo hướng “mỗi điểm đến là một câu chuyện”, thực hiện livestream tại các lễ hội lớn, như Carnaval Hạ Long, Lễ hội Yên Tử, đêm hội OCOP.... thu hút hàng triệu lượt tương tác và chia sẻ. Đây cũng là bước chuyển cần thiết để du lịch Quảng Ninh bắt nhịp với xu hướng "cá nhân hóa trải nghiệm" và “du lịch thông minh” đang chi phối thị trường hiện nay.
Các điểm đến ở Quảng Ninh không chỉ thu hút trên mạng mà còn ấn tượng ngoài đời thực nhờ chính sách phát triển du lịch xanh và sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp và người dân, góp phần xây dựng hình ảnh một Quảng Ninh sạch đẹp, văn minh, thân thiện và có trách nhiệm với thiên nhiên.
Ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng Phòng VH,DL&KHCN huyện Cô Tô, cho biết: Nét mới của du lịch Cô Tô năm 2025 là định hướng xây dựng “Điểm đến xanh - Trải nghiệm sạch - Du lịch văn minh”, trong đó chú trọng kết nối văn hóa biển đảo với các trải nghiệm hiện đại, tiện ích. Du khách không chỉ được tham quan bằng xe điện, đạp xe ven biển, check-in tại các không gian không rác thải nhựa, mà còn được hòa mình vào chuỗi hoạt động giải trí dưới nước tại các bãi biển nổi tiếng như Vàn Chảy, Hồng Vàn, Vụng Tròn, Ba Châu và Cô Tô Con. Huyện đã công bố Đề án thí điểm tổ chức 8 tuyến tham quan kết nối các đảo Cô Tô Con, Hòn Cá Chép, Hòn Sư Tử, Hòn Bảy Sao, Hòn Đông Nam, Thanh Lân và đảo Trần, những nơi không chỉ sở hữu cảnh quan nguyên sơ, mà còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển. Sự kết hợp hài hòa giữa di sản thiên nhiên, văn hóa bản địa và các dịch vụ trải nghiệm hiện đại chính là hướng đi giúp Cô Tô nâng tầm thương hiệu, trở thành điểm đến hấp dẫn, bền vững trên bản đồ du lịch quốc gia.
Các sản phẩm du lịch của Quảng Ninh luôn được đổi mới hình ảnh, nâng cao chất lượng dịch vụ để đem đến du khách những trải nghiệm hoàn hảo.
Khai thác chiều sâu văn hóa gắn với trải nghiệm hiện đại chính là một trong những nỗ lực của Quảng Ninh trong xây dựng thương hiệu du lịch theo hướng “chất lượng - đậm đà bản sắc - bền vững” theo tinh thần Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Du lịch không đơn thuần là ngành kinh tế mũi nhọn, mà còn là phương tiện quan trọng để gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị di sản văn hóa, con người Quảng Ninh đến với thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/du-lich-quang-ninh-ket-noi-chieu-sau-van-hoa-voi-trai-nghiem-hien-dai-20250515163344756.htm
Bình luận (0)