Tuy nhiên, nhiều vấn đề lo ngại từ thực tiễn cũng được đặt ra trong khi thực hiện các điểm mới này.
Chiều 16.5, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì hội nghị, nhiều đại biểu đến từ khối trường ĐH, các sở/phòng GD-ĐT và các trường phổ thông.
VÌ SAO BỎ CẤP BẰNG TỐT NGHIỆP THCS ?
Tại hội thảo, ông Đào Hồng Cường, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT), cho biết từ tháng 3 năm nay, Bộ GD-ĐT tổ chức soạn thảo 3 dự án luật sửa đổi, trong đó có dự án luật Giáo dục.
Học sinh lớp 9 TP.HCM thi tuyển sinh lớp 10. Theo dự thảo luật Giáo dục sửa đổi, sẽ không còn bằng tốt nghiệp THCS và giao hiệu trưởng trường THCS xác nhận hoàn thành chương trình
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Cần luật hóa học bổng xã hội hóa
Tiến sĩ Lê Thế Tài, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM, góp ý sự cần thiết và tầm quan trọng của chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí. Cụ thể là bổ sung cơ chế cấp bù học phí tương ứng với mức thu của trường tự chủ; đề xuất xem xét mở rộng thêm các đối tượng được miễn, giảm học phí theo quy định hiện hành; kiến nghị bổ sung một khoản mới về học phí là người học có trách nhiệm duy trì kết quả học tập và rèn luyện đạt mức tối thiểu theo quy định của cơ sở giáo dục. Đặc biệt, ông Tài đề xuất cần luật hóa học bổng xã hội hóa nhằm khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân tài trợ học bổng cho người học.
Một điểm mới được nhiều người quan tâm liên quan đến nội dung bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS, giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường THCS/người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục THCS xác nhận hoàn thành chương trình THCS thay cho trưởng phòng GD-ĐT cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp THCS. Đồng thời, giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường THPT/người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục THPT cấp bằng tốt nghiệp THPT thay cho giám đốc sở GD-ĐT.
Theo đại diện Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT), việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS và phân cấp thẩm quyền xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông là yêu cầu tất yếu nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng thực tiễn quản lý giáo dục và tiệm cận thông lệ quốc tế. Cụ thể, thể chế hóa kịp thời chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong quản lý nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW (2022) và Kết luận số 137-KL/TW (2025) của Bộ Chính trị…
"Bản chất của phổ cập giáo dục THCS là chính sách xã hội, không phải là hệ thống đào tạo có đầu ra bằng cấp. Việc xác nhận hoàn thành chương trình học là đủ để phục vụ phân luồng, chuyển cấp, không cần thiết duy trì cơ chế cấp bằng hành chính. Điều chỉnh này không ảnh hưởng đến quyền và cơ hội học tập của người học. Việc thay thế cấp bằng bằng xác nhận hoàn thành chương trình vẫn bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý cho người học chuyển cấp, học nghề hoặc học tiếp theo nguyện vọng", Phó vụ trưởng Đào Hồng Cường nói thêm.
HÀNH LANG PHÁP LÝ VỀ TÍNH LIÊN THÔNG GIỮA CÁC BẬC HỌC
Trước những điểm mới này, đại diện các sở GD-ĐT địa phương và cơ sở giáo dục bày tỏ sự đồng tình.
Ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, cho rằng những điểm đổi mới rất phù hợp trong tình hình hiện nay. Cụ thể, ông cho biết ủng hộ quy định hệ thống giáo dục quốc dân có trường trung học nghề để học sinh (HS) tốt nghiệp THCS có thêm điều kiện học THPT. "Chúng ta thấy một điều, hiện nay HS học ở các trường nghề nếu không tiếp tục học văn hóa, phải có một bộ hồ sơ để học văn hóa ở trung tâm GDTX. Điều này là quá tải với các em, thực tế là các em học không nổi. Vậy chúng ta cần có định hướng chương trình ở các trường trung học nghề như thế nào cho hợp lý để các em khi ra trường được tính bằng nghề cũng là bằng trung học", ông Thành kiến nghị.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cũng hoan nghênh điểm mới giao bằng tốt nghiệp về cho hiệu trưởng trường THPT ký. Tuy nhiên, ông Thành băn khoăn về tính xác thực của văn bằng. "Các sở đều có cổng thông tin công khai các văn bằng nhưng có ai lên đó đối chiếu tra cứu đâu. Cần xác nhận văn bằng đều gửi văn bản về các sở ngành để xử lý. Vì vậy, sau này cũng vậy, cần quy định việc quản lý văn bằng cho cụ thể hơn, liên quan đến khái niệm văn bằng số", ông Thành nói.
Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT Q.3 (TP.HCM), chia sẻ: "Mỗi năm tôi cũng phải ký bằng tốt nghiệp THCS và tốn rất nhiều thời gian. Do đó, cá nhân tôi ủng hộ việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS, giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường THCS xác nhận hoàn thành chương trình THCS". Tuy nhiên, ông Khoa lưu ý: "Cần phải kiểm soát kỹ trước khi ký về điểm số trong năm học của HS, tránh tình trạng có suy nghĩ tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp THPT bằng mọi giá. Tức là, có tâm lý bằng mọi giá HS phải tốt nghiệp THCS, THPT và như vậy không đảm bảo chất lượng HS".
Cũng theo ông Khoa, bậc trung học nghề sẽ tạo điều kiện cho HS học kỹ năng nghề, nội dung văn hóa… "Nhưng tôi quan tâm tính liên thông giữa các bậc học này, sau khi học trung học nghề có được tốt nghiệp THPT và đăng ký thi ĐH không? Vấn đề này cần quan tâm và thật ra việc này đã được đặt ra từ trước nhưng khi hệ thống nghề thuộc Bộ LĐ-TB-XH thì tính liên thông chưa tốt. Do đó cần phải nghiên cứu kỹ và tạo được hành lang pháp lý về tính liên thông giữa các bậc học", Trưởng phòng GD-ĐT Q.3 (TP.HCM) đề xuất.
Trước băn khoăn từ cơ sở về việc xác thực văn bằng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết hiện chúng ta chủ trương xây dựng cơ sở dữ liệu về văn bằng, Bộ đang xúc tiến và sẽ có cơ sở dữ liệu góp phần giải quyết việc xác thực. "Tuy nhiên, kinh nghiệm của các trường ĐH là nơi nào cấp bằng thì nơi đó xác nhận bằng thật/giả. Hằng năm các trường ĐH tiếp nhận và có trách nhiệm trả lời về tính xác thật của văn bằng, sau này các trường phổ thông cũng vậy. Hệ thống lưu trữ các trường ĐH hiện nay là vĩnh viễn. Làm được như thế hệ thống gọn nhẹ hơn, đỡ thủ tục hành chính và đảm bảo yêu cầu về mặt quản lý", Thứ trưởng Phúc nói thêm.
Theo các chuyên gia, đưa trung học nghề thành cấp học thay cho trung cấp để giải bài toán phân luồng
ảnh: Mỹ Quyên
BỎ HỘI ĐỒNG TRƯỜNG VÌ CHỈ MANG TÍNH HÌNH THỨC
Theo Ban soạn thảo, trong báo cáo tổng kết việc thi hành luật Giáo dục năm 2019, nhiều địa phương đã phản ánh thực trạng hội đồng trường ở các trường mầm non và phổ thông công lập hoạt động rất hình thức, thiếu thực quyền, trùng vai và không tạo ra giá trị quản trị thực chất. Hệ thống trường mầm non, phổ thông công lập hiện nay chưa được giao quyền tự chủ về tài chính, nhân sự hay tổ chức bộ máy, nên vai trò của hội đồng trường không được thiết kế gắn với chức năng thực tiễn. Hơn nữa, trong phần lớn nhà trường, hiệu trưởng đồng thời làm chủ tịch hội đồng trường và là bí thư chi bộ/đảng bộ, dẫn đến trùng lặp vai trò và làm mờ nhạt chức năng giám sát, phản biện của tổ chức này.
Do đó, theo đại diện Vụ Pháp chế, việc bỏ quy định hội đồng trường ở trường mầm non, phổ thông công lập là một bước đi cần thiết, nhằm làm gọn bộ máy, tăng hiệu lực thực thi, và tạo điều kiện để đổi mới thực chất hoạt động nhà trường dựa trên các thiết chế dân chủ sẵn
Bày tỏ sự đồng tình với đề xuất bỏ hội đồng trường ở cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, ông Nguyễn Minh Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT An Lạc (TP.HCM), cho rằng: "Luật Giáo dục 2019 đã xác định vai trò của hội đồng trường như một thiết chế quản trị chiến lược. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại nhiều địa phương, đặc biệt tại TP.HCM cho thấy hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập chủ yếu tồn tại hình thức, hoạt động kém hiệu quả, chồng chéo chức năng, gây áp lực về nhân sự và thủ tục hành chính".
Nguồn: https://thanhnien.vn/du-thao-luat-giao-duc-sua-doi-bo-gd-dt-ly-giai-nhung-diem-moi-du-luan-quan-tam-185250516223504052.htm
Bình luận (0)