Trong bối cảnh đổi mới giáo dục và chuyển đổi số toàn diện, bảo tàng không còn là không gian khép kín chỉ dành cho các nhà nghiên cứu hay người yêu thích lịch sử mà ngày càng đóng vai trò là thiết chế giáo dục mở, linh hoạt, tiếp cận đa dạng đối tượng công chúng. Từ năm 2019 đến nay, một trong những xu hướng nổi bật là việc các bảo tàng mở rộng hoạt động ngoài không gian trưng bày truyền thống, đặc biệt là trong việc kết nối với trường học là nơi hình thành tư duy, nhận thức lịch sử, văn hóa và truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ qua chương trình “Đưa bảo tàng về với học đường” và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ được xem là một trong nhiều bảo tàng trên cả nước triển khai hoạt động này một cách hiệu quả và sáng tạo.
Chương trình “Đưa bảo tàng về với học đường” của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ được thực hiện trên cơ sở các văn bản chỉ đạo quan trọng như: Công văn số 3809/BVHTTDL-DSVH ngày 14/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và phối hợp với ngành Giáo dục trong hoạt động bảo tàng; Kế hoạch liên tịch số 4042/KHLT-SVHTT-SGDĐT ngày 19/9/2022 giữa Sở Văn hóa – Thể thao và Sở Giáo dục – Đào tạo TP. Hồ Chí Minh nhằm đưa di sản văn hóa vào dạy và học trong trường học.
Trên cơ sở đó, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã chuyển từ thế bị động chờ đón học sinh – sinh viên đến tham quan, sang chủ động tổ chức các hoạt động giáo dục lưu động như triển lãm ảnh, buổi nói chuyện chuyên đề và các giờ học đặc biệt ngay tại các trường tiểu học, trung học phổ thông, và các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố. Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp cận với các giá trị văn hóa, lịch sử mà còn tạo ra những trải nghiệm học tập thú vị, dễ tiếp thu kiến thức hơn.
Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Về nội dung và hình thức triển khai, chương trình được thiết kế linh hoạt, gồm nhiều hoạt động trải nghiệm tương tác phù hợp với từng lứa tuổi, giúp học sinh có thể vừa học trong lớp học, vừa trải nghiệm thực tế về lịch sử dân tộc, qua những hình ảnh, hiện vật sống động, chân thực. Điều này giúp các em không chỉ học về lịch sử qua sách vở mà còn trực tiếp cảm nhận được những giá trị lịch sử thông qua các hiện vật, các câu chuyện mà bảo tàng truyền tải.
Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Hình thức tổ chức phong phú và đa dạng, không chỉ gói gọn trong các buổi tham quan bảo tàng mà còn được thực hiện thông qua các hoạt động triển lãm ảnh, kết hợp với nói chuyện chuyên đề về lịch sử, văn hóa dân tộc với các chủ đề như: “Bác Hồ với phụ nữ miền Nam”, “Phụ nữ miền Nam qua hai cuộc kháng chiến”, “Áo dài xưa và nay”, “Cỏ lau thép trong chiến dịch Hồ Chí Minh”,… Những bức ảnh tư liệu mang tính chân thực, sinh động giúp học sinh dễ dàng hình dung rõ hơn về những thời kỳ khó khăn nhưng hào hùng của dân tộc, từ đó hình thành trong các em lòng tự hào về truyền thống lịch sử của đất nước.
Bên cạnh triển lãm ảnh, các buổi nói chuyện chuyên đề là một hình thức hiệu quả để các học sinh, sinh viên hiểu thêm về những nhân vật lịch sử có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, các sự kiện lịch sử mang tính bước ngoặt trong của dân tộc. Những câu chuyện này không chỉ cung cấp cho học sinh những kiến thức bổ ích mà còn giúp các em cảm nhận được tình yêu quê hương, đất nước, sự kiên cường của ông cha ta trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài ra, bảo tàng còn tổ chức các buổi giao lưu, trò chuyện trực tiếp giữa học sinh và các nhân chứng lịch sử, các nhà nghiên cứu, hay những nhân vật nổi tiếng trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học, những cuộc giao lưu này giúp học sinh có cơ hội trò chuyện, đặt câu hỏi trực tiếp với những nhân chứng lịch sử, những người có am hiểu thực tế, sâu rộng về lịch sử, văn hoá từ đó tạo ra một không gian học tập mở, kích thích sự tìm tòi, nghiên cứu của học sinh.
Chương trình “Đưa bảo tàng về với học đường” đã khẳng định vai trò của bảo tàng như một thiết chế giáo dục hỗ trợ nhà trường, góp phần giúp học sinh tiếp cận lịch sử – văn hóa theo hướng trực quan và trải nghiệm sống động, hấp dẫn. Thay vì học lịch sử một cách khô khan qua sách vở, các em được trực tiếp tiếp xúc với hiện vật, hình ảnh, nhân chứng sống, từ đó khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, và nhận thức về vai trò của phụ nữ trong tiến trình lịch sử.
Việc kết hợp giữa Bảo tàng và nhà trường trong giáo dục lịch sử, giá trị truyền thống không chỉ là một sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy mà còn là một cách thức hiệu quả để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Điều đặc biệt là các em còn được tham gia vào những hoạt động trải nghiệm, những buổi thảo luận mở, giúp kích thích sự tư duy, sáng tạo của học sinh, sinh viên. Từ đó lịch sử không còn là môn học khô khan, nhàm chán, mà thay vào đó, lịch sử trở thành một hành trình khám phá đầy thú vị và hấp dẫn. Thông qua các hoạt động triển lãm ảnh, nói chuyện chuyên đề và giao lưu, các bảo tàng đã tạo ra những cơ hội học hỏi, khám phá, và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ giúp các em hiểu rõ hơn về quá khứ và biết trân trọng những giá trị đó, giúp các em yêu mến và tự hào về lịch sử, văn hóa của dân tộc. Không chỉ giúp học sinh, sinh viên tiếp cận những giá trị văn hóa, lịch sử mà còn góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ và phát huy những giá trị đó. Chương trình cũng giúp các em học sinh phát triển các kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, thảo luận, khả năng phản biện và tư duy sáng tạo. Qua các hoạt động ngoại khóa, các em có cơ hội trao đổi, học hỏi và giao lưu với bạn bè, thầy cô, cũng như với các nhân vật nổi tiếng, nhân chứng lịch sử.
Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Chương trình “Đưa bảo tàng về với học đường” đã khẳng định vai trò mới của bảo tàng trong giáo dục hiện đại: không chỉ là nơi lưu giữ ký ức dân tộc, mà còn là không gian học tập, khám phá, kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Trong thời gian tới, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, đổi mới hình thức và nội dung hoạt động để lan tỏa rộng rãi hơn mô hình này, góp phần đưa di sản văn hóa trở thành một phần thiết thực trong giáo dục học đường, đặc biệt là trong việc giáo dục lịch sử dân tộc nói chung, giá trị truyền thống, văn hoá của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Nam Bộ nói riêng.
Không những thế, sự hợp tác giữa bảo tàng và nhà trường còn là hình mẫu về liên ngành văn hóa – giáo dục, thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thông qua con đường giáo dục chính quy. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế bảo tàng học hiện đại trên thế giới, khi bảo tàng ngày càng đóng vai trò là “trường học thứ hai” trong hệ sinh thái giáo dục cộng đồng.
Hoàng Thị Hồng Ngọc
Chuyên viên Phòng Hành chánh – Tổng hợp
Tài liệu tham khảo:
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch (2021), Công văn số 3809/BVHTTDL – DSVH ngày 14 tháng 10 năm 2021 về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng chương trình phối hợp với ngành Giáo dục và đào tạo trong hoạt động bảo tàng.
Hoàng Thị Hồng Ngọc (2024), luận văn thạc sĩ Quản lý công Học viện Hành chính Quốc Gia với đề tài “Nâng cao hiệu quả giáo dục giá trị truyền thống tại các Bảo tàng công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”
Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh (2022), kế hoạch Liên tịch về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng chương trình phối hợp với ngành Giáo dục và đào tạo trong hoạt động bảo tàng.
Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 09 tháng 12 năm 2022 về việc phê duyệt chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng”
Website bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ: https://baotangphunu.com/
Website Sở Văn hoá và Thể thao: https://svhtt.hochiminhcity.gov.vn/
Nguồn: https://baotangphunu.com/dua-bao-tang-ve-voi-hoc-duong-mot-tiep-can-giao-duc-sang-tao-trong-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa/
Bình luận (0)