Na Thái sau khi thu hoạch được phân loại trước khi thương lái thu mua. |
Trước đây, trên diện tích 2 công đất của gia đình, anh Vương từng trồng nhãn Ido - loại cây từng được kỳ vọng có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, sau nhiều năm canh tác, giá cả bấp bênh, thu nhập lại không ổn định, anh nhận thấy trồng nhãn không còn phù hợp.
Trong một lần tình cờ đến huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp (trước khi sáp nhập tỉnh), nhiều người dân đã chuyển sang trồng na Thái, anh nhận thấy nhiều hộ dân nơi đây đạt hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm dễ tiêu thụ, giá cả ổn định nên bắt đầu tìm hiểu và học hỏi.
“Thời điểm tôi bắt đầu trồng, gần như ở xã An Hữu chưa ai trồng na Thái. Người dân nơi đây vẫn quen thuộc với các loại cây trồng truyền thống như: Ổi, mít, xoài, sầu riêng... Tôi quyết định là người đi đầu, dù biết có nhiều rủi ro” - anh Vương chia sẻ.
Năm 2021, anh chính thức chuyển đổi toàn bộ diện tích đất sang trồng na Thái. Đây là giống cây ăn trái được ưa chuộng nhờ trái to, tròn, vỏ mỏng, thịt ngọt thanh lại ít hạt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Vườn na Thái gia đình anh Vương. |
Theo anh Vương, tuy na Thái là loại cây dễ trồng và chăm sóc, nhưng giai đoạn quan trọng nhất vẫn là thời điểm ra hoa và đậu trái. Khác với mãng cầu ta truyền thống, na Thái đòi hỏi phải thụ phấn thủ công để đảm bảo tỷ lệ đậu trái cao.
Trong quá trình này, người trồng cần kết hợp sử dụng phân bón đúng dưỡng chất, định kỳ 15 ngày/lần để cây phát triển ổn định và phòng ngừa nấm bệnh và rệp sáp. Từ khi trồng đến khi cây cho trái chiến mất khoảng 18 tháng.
Sau đó, mỗi năm có thể thu hoạch 2 vụ, tùy vào cách xử lý mùa vụ. Nếu xử lý đúng thời điểm và ra hoa vào rằm tháng 7 âm lịch, sẽ cho thu hoạch vào dịp Tết cổ truyền, khi đó giá bán có thể tăng hơn nhiều so với ngày thường.
Quy trình xử lý ra hoa bao gồm: Tạo mầm trước 15 ngày, sau đó cắt cành từ rằm đến ngày 25-7 âm lịch. Khoảng 1 tháng 5 ngày sau khi cắt cành, cây sẽ đồng loạt ra hoa. Thời gian từ hoa đến tiến hành bao trái khoảng 3 tháng, mỗi trái được bao cẩn thận bằng xốp trắng và túi ni lông để chống sâu bệnh và giữ mẫu mã đẹp.
Từ khi cây ra hoa đến khi thu hoạch là khoảng 4,5 đến 5 tháng. Trái có trọng lượng trung bình từ 300 gram đến 1 kg. Để đảm bảo chất lượng trái, người trồng cần chọn lọc trái theo sức cây, cắt tỉa bớt số lượng để cây tập trung nuôi dưỡng những trái còn lại.
Anh Vương chia sẻ, vụ đầu tiên do chưa có kinh nghiệm, tỷ lệ đậu trái thấp, mẫu mã không đẹp, nên không bán được giá cao. Tuy nhiên, sau khi tích lũy kinh nghiệm và cải thiện kỹ thuật, những mùa vụ sau, vườn na Thái của anh cho trái to, tròn, đều và được thị trường đón nhận tích cực.
Hiện nay, với 2 công đất, mỗi năm anh thu hoạch khoảng 4 tấn trái, tương đương 2 tấn/công/năm. Giá bán dao động từ 30.000 - 55.000 đồng/kg, tùy mùa vụ. Sau khi trừ chi phí phân bón, công chăm sóc, gia đình anh lãi khoảng 150 - 200 triệu đồng/năm.
Vụ mùa hiện tại, gia đình anh đang thu hoạch, dù giá bán trung bình chỉ đạt 32.000 đồng/kg, thấp hơn năm trước, nhưng nhờ sản lượng ổn định và chất lượng trái cao, anh vẫn thu được lãi khoảng 100 triệu đồng. Đây là con số rất khả quan so với nhiều mô hình trồng cây ăn trái khác đang gặp khó khăn. Không chỉ mang lại thu nhập ổn định, việc trồng na Thái còn giúp anh Vương tiết kiệm chi phí nhờ chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, hạn chế thuốc hóa học, bảo vệ sức khỏe chính bản thân và người tiêu dùng.
Dù mô hình đã chứng minh được hiệu quả, nhưng hiện tại ở xã An Hữu, số hộ trồng na Thái vẫn còn khá ít. Theo anh Vương, trong bối cảnh giá cả nhiều loại trái cây đang lao dốc, người dân nên mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Với kinh nghiệm đã tích lũy trong suốt 4 năm, anh sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình canh tác cho những ai muốn thử sức với cây na Thái.
“Mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng, na Thái là giống cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nhiều khu vực của tỉnh Đồng Tháp. Ngoài ra, na Thái còn được thị trường ưa chuộng vì vị ngọt thanh, mẫu mã đẹp và ít hạt. Tôi đang có kế hoạch mở rộng thêm diện tích trồng trong thời tới để tăng thu nhập và cải thiện đời sống gia đình” - anh Vương cho biết.
Mô hình của anh Vương là minh chứng rõ ràng cho việc nếu người nông dân chịu học hỏi, áp dụng kỹ thuật mới, dám đổi mới tư duy, thì từ một mảnh vườn nhỏ cũng có thể tạo ra thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong bối cảnh ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng theo hướng thích ứng thị trường và biến đổi khí hậu, na Thái có thể là lựa chọn tiềm năng không chỉ cho xã An Hữu, mà còn nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
HỮU THÔNG
Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202507/trong-na-thai-mang-lai-hieu-qua-kinh-te-cao-1046878/
Bình luận (0)