Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đưa du lịch hồ Ba Bể vươn tầm trong kỷ nguyên mới

Trong bối cảnh ngành Du lịch cả nước đang bước vào kỷ nguyên mới và hướng tới phát triển bền vững, việc đưa hồ Ba Bể (Thái Nguyên) vươn tầm trở thành điểm đến quốc gia và quốc tế là yêu cầu cấp thiết, mang tầm chiến lược. Để thực hiện được điều đó, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã và đang triển khai nhiều giải pháp.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên05/07/2025

Một góc hồ Ba Bể.
Một góc hồ Ba Bể.

Tiềm năng lớn, dấu ấn sâu đậm

Là viên ngọc xanh giữa đại ngàn ở vùng Đông Bắc, hồ Ba Bể từ lâu nổi tiếng với cảnh sắc hữu tình, hệ sinh thái đa dạng và giá trị địa chất độc đáo. Không chỉ là biểu tượng du lịch của tỉnh Bắc Kạn trước đây, Ba Bể còn được công nhận là Di sản thiên nhiên ASEAN, hồ nước ngọt tự nhiên trên núi lớn nhất Việt Nam. Hồ Ba Bể thuộc Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể là một trong 20 VQG đầu tiên của cả nước.

Tổng diện tích thực hiện hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong VQG Ba Bể hơn 3.593ha, trong đó diện tích sử dụng mặt bằng để xây dựng các công trình phục vụ du lịch là 61,25ha.

Diện tích mặt hồ gần 500ha, dài hơn 8km, được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh, thác nước, hang động và núi đá vôi kỳ vĩ, nơi đây không chỉ đẹp về mặt cảnh quan mà còn quý giá về mặt sinh thái và đa dạng sinh học.

Nơi đây cũng hội tụ nhiều yếu tố đặc sắc về văn hóa phi vật thể, văn hóa ẩm thực và nét truyền thống bản địa đậm đà bản sắc của dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông… Hệ thống động, thực vật quý hiếm, trong đó nhiều loài đặc hữu, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Tiềm năng thế mạnh ở VQG Ba Bể là vậy, nhưng nơi đây chưa được khai thác phù hợp để phát triển kinh kinh tế, thu hút khách du lịch còn hạn chế và những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc địa phương chưa phát huy đúng mức.

Do đó, đầu năm 2025, UBND tỉnh Bắc Kạn (cũ) đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-UBND, ngày 16/01/2025, phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong VQG Ba Bể giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu là cụ thể hóa “Phương án quản lý rừng bền vững VQG Ba Bể, giai đoạn 2021-2030”, đảm bảo việc quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị tiềm năng về cảnh quan tự nhiên, các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ của VQG Ba Bể, danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương; làm cơ sở để thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng theo quy định của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

Đua thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể.
Đua thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể.

Ông Triệu Thế Khôi, Giám đốc Ban Quản lý VQG Ba Bể, chia sẻ: Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp trên, đơn vị đang từng bước triển khai theo lộ trình, kế hoạch nhằm khai thác và phát huy các giá trị tiềm năng tự nhiên về cảnh quan, môi trường và sự đa dạng văn hóa, di tích lịch sử; xây dựng các loại sản phẩm du lịch, các tuyến, điểm tổ chức du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu vực VQG Ba Bể. Tạo điều kiện để người dân, cộng đồng địa phương sống ở gần rừng tham gia các hoạt động du lịch, từ đó góp phần phát triển kinh tế địa phương. Tạo cơ sở pháp lý để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước...

Mục tiêu của VQG Ba Bể đặt ra là đến năm 2030 sẽ thu hút khoảng 8 dự án đầu tư thuê môi trường rừng; thu hút 450.000 lượt khách du lịch/năm, trong đó khách quốc tế chiếm 20%; thu hút du khách lưu trú trong khu vực với thời gian khoảng từ 3 ngày trở lên; tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.000 lao động; các điểm du lịch, tuyến du lịch bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Du, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn: Hiện nay, VQG Ba Bể đã được đầu tư về hạ tầng để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, trong đó nổi bật là tuyến đường nối từ phường Bắc Kạn đến hồ với quãng đường chỉ hơn 40km; tuyến đường vòng quanh hồ cũng được nâng cấp, mở rộng để khách du lịch và người dân đi lại thuận tiện. Các điểm tham quan, nghỉ dưỡng được đầu tư về hạ tầng, các điểm lưu trú đã được nâng cấp về chất lượng phụ vục… Nếu được sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về các cơ chế, chính sách phù hợp, đầu tư đủ mạnh và có tầm nhìn lâu dài thì du lịch hồ Ba Bể sẽ có bước phát triển mới mang tính bền vững.

Múa sạp là một trong những tiết mục văn nghệ thường được biểu diễn tại các sự kiện lớn tổ chức ở khu vực hồ Ba Bể.
Múa sạp là một trong những tiết mục văn nghệ thường được biểu diễn tại các sự kiện lớn tổ chức ở khu vực hồ Ba Bể.

Nhìn thẳng thách thức, hướng tới phát triển bền vững

Dù có nhiều tiềm năng, nhưng du lịch hồ Ba Bể vẫn phát triển chưa tương xứng. Các dịch vụ du lịch còn manh mún, nghèo nàn; sản phẩm thiếu đa dạng, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu, chưa kết nối tốt với các trung tâm du lịch lớn. Nhiều tài nguyên chưa được khai thác hiệu quả, công tác bảo tồn, phát triển vẫn chưa cân bằng…

Thách thức hiện nay là làm sao để phát triển Ba Bể mà không phá vỡ hệ sinh thái nguyên bản, vừa đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương, vừa giữ gìn môi trường và văn hóa bản địa.

Do vậy, để đưa hồ Ba Bể vươn tầm trong kỷ nguyên mới, cần một chiến lược phát triển đồng bộ, dài hơi, với một số giải pháp trọng tâm như: Quy hoạch và quản lý phát triển du lịch bền vững. Gắn quy hoạch vùng du lịch với bảo tồn sinh thái, văn hóa. Hạn chế phát triển đại trà, tập trung xây dựng điểm nhấn chất lượng cao.

Động Hua Mạ - một trong những điểm du lịch có cảnh quan đẹp ở hồ Ba Bể.
Động Hua Mạ - một trong những điểm du lịch có cảnh quan đẹp ở hồ Ba Bể.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng như các tour du lịch sinh thái, trải nghiệm bản làng cùng với người dân địa phương, chèo thuyền kayak trên hồ Ba Bể, trải nghiệm trên những cánh rừng nguyên sinh… Kết nối du lịch hồ Ba Bể với ATK Định Hóa, hồ Na Hang (Tuyên Quang), tạo chuỗi sản phẩm du lịch liên tỉnh.

Đặc biệt, trong kỷ nguyên mới, phát huy tiềm năng thế mạnh hồ Ba Bể, Ban Quản lý Vườn quốc gia Ba Bể cũng như chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý về đất đai, xây dựng, môi trường, đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và quảng bá du lịch.

Số hóa điểm đến, hướng dẫn du lịch thông minh, đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều nền tảng mạng xã hội, hợp tác, liên kết đa dạng với các tổ chức trong và ngoài nước để đưa hình ảnh Ba Bể ra thế giới.

Chủ động và tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng các công trình hạ tầng phù hợp phục vụ du lịch nhằm khai thác tốt cảnh quan thiên nhiên của tài nguyên rừng theo nguyên tắc: “Không làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên; không gây tác động xấu đến tài nguyên động thực vật trên cạn và dưới nước; không làm giảm tính đa dạng sinh học; không gây ô nhiễm môi trường”.

Đặc sản bí xanh thơm nổi tiếng của xã Ba Bể là một trong những sản phẩm du lịch.
Đặc sản bí xanh thơm nổi tiếng của xã Ba Bể là một trong những sản phẩm du lịch.

Cùng với đó là việc hỗ trợ người dân làm du lịch cộng đồng cần có sự phối hợp nhịp nhàng bài bản, đào tạo kỹ năng phục vụ, quản lý homestay, giao tiếp du lịch cho người dân địa phương. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP gắn với du lịch như mắm tép chua Ba Bể, rượu men lá, khăn thổ cẩm, quà lưu niệm thủ công…

Tin tưởng rằng, hồ Ba Bể sẽ sớm có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên. Trên cơ sở đó, xây dựng cơ chế phối hợp giữa Vườn quốc gia, chính quyền địa phương và cộng đồng để cùng quản lý tài nguyên bền vững; tạo chuỗi sản phẩm du lịch trải nghiệm sinh thái – văn hóa bản địa - khám phá thiên nhiên...

Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/du-lich-thai-nguyen/202507/dua-du-lich-ho-ba-be-vuon-tam-trong-ky-nguyen-moi-b580a83/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm