Tại sao thầy lại chọn gắn bó với một ngôi trường còn rất non trẻ để gắn bó sau gần nửa thế kỷ làm giáo dục?
ThS Đặng Thanh: Gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày đầu đứng trên bục giảng, tôi vẫn đến trường với tâm thế của một người được sống giữa yêu thương. Với tôi, nghề giáo chưa từng là lựa chọn tình cờ, mà là hành trình gắn bó bằng một niềm tin bền bỉ vào giá trị con người.
Từ vị trí giáo viên Toán, rồi kinh qua nhiều vai trò quản lý tại các trường THPT lớn ở Đà Nẵng, từng đảm nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, rồi công tác tại Sở Giáo dục đào tạo TP. Đà Nẵng, thế nhưng, những năm tháng cuối của sự nghiệp tôi lại gắn liền với một nơi còn non trẻ: Trường TH, THCS & THPT Việt Nhật, nơi tôi không đến để tiếp nhận thành tựu, mà để gieo hạt. Một ngôi trường còn non trẻ nhưng có một khát vọng giáo dục rất thật, nơi có thể bắt đầu với tất cả tâm huyết của mình.
Với tôi, điều đáng nhớ không chỉ là bảng thành tích hay những con số tăng trưởng, trong ký ức của tôi, trường học còn hiện qua những buổi sáng có tiếng chào ríu rít từ học sinh tiểu học, những câu nói hồn nhiên đầy cảm xúc như 'Thầy hiệu trưởng đẹp trai', 'Thầy bao nhiêu tuổi rồi? Thầy giống ông nội con!'…
Chính sự hồn nhiên ấy đã góp phần định hình một cộng đồng học đường, một môi trường không có rào cản, nơi học sinh không sợ hãi, bất an khi bày tỏ cảm xúc, nơi thầy cô không chỉ dạy chữ mà còn dạy trẻ cách sống tử tế và yêu thương.
Trường không chỉ có học sinh Tiểu học, với nhiều thế hệ học sinh mới gen Z, gen Alpha - ở cấp Trung học làm thế nào để đồng hành cùng các em?
Nếu chỉ đánh giá học sinh bằng điểm số, chúng ta sẽ vô tình bỏ lỡ rất nhiều tiềm năng và cơ hội trưởng thành của các em.
Trong suốt hành trình gắn bó với giáo dục, đặc biệt là khi về công tác tại Trường Việt Nhật, tôi càng thêm thấm thía một điều: nếu chỉ đánh giá học sinh bằng điểm số, chúng ta sẽ vô tình bỏ lỡ rất nhiều tiềm năng và cơ hội trưởng thành của các em.
Với các em học sinh lớn hơn ở bậc Trung học, tôi cảm nhận rất rõ những khác biệt - cả trong cách nghĩ, cách thể hiện cảm xúc lẫn con đường phát triển. Có em học giỏi Toán, giỏi Văn, nhưng cũng có em rất đặc biệt ở khả năng nghệ thuật, hội họa, âm nhạc hay thể thao. Nếu chúng ta chỉ nhìn các em qua bảng điểm, những gì không có trong bài kiểm tra sẽ mãi bị giấu kín. Và như thế, những tài năng thiên bẩm sẽ không bao giờ có cơ hội cất tiếng.
Tôi không đặt kỳ vọng vào những thành tích thi đua hay cuộc chạy đua điểm số, mà dành sự tin tưởng vào tiến trình trưởng thành tự nhiên của mỗi học sinh. Trong những buổi gặp gỡ, trò chuyện cùng các em, tôi chọn quan sát, lắng nghe. Những câu chuyện về niềm đam mê nhiếp ảnh, những bài thơ còn đang viết dở, hay những bức tranh ký họa... đều được trân trọng như một phần quan trọng trong hành trình học làm người.
Để giữ lửa nghề, chắc hẳn không thể thiếu bóng dáng của phụ huynh và đặc biệt đội ngũ nòng cốt, các thầy cô giáo, thầy có thể chia sẻ thêm về sự đồng hành này được không?
Gần 48 năm trong nghề, điều giữ tôi lại với công việc không phải là chức danh, mà là những gương mặt học trò mỗi ngày một lớn hơn, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một lời chào, một nụ cười, một câu hỏi bâng quơ - cũng đủ để tôi thấy ngày làm việc bắt đầu đầy ý nghĩa.
Tôi không quên dành sự trân trọng đặc biệt cho những nhà giáo đã chọn bước đi trên con đường này, những người cần mẫn với từng con chữ, bài học. Sự kiên nhẫn và bao dung của họ chính là khởi nguồn cho một nền giáo dục nhân văn.
Dù ở vị trí hiệu trưởng, tôi chưa bao giờ rời xa chuyên môn - đặc biệt với Toán học, môn học đã gắn bó từ những ngày đầu dạy học. Trong các tổ chuyên môn, tôi vẫn giữ vai trò đồng hành, góp ý, hỗ trợ giáo viên trẻ bằng cả tri thức và kinh nghiệm tích lũy qua thời gian.
Tôi chọn cách hiện diện trọn vẹn: cùng giáo viên trò chuyện, cùng học sinh ăn trưa, cùng phụ huynh chia sẻ. Với tôi, quản lý không phải là người đưa ra mệnh lệnh, mà là người tạo nên sự tin cậy. Muốn người khác tin mình, trước tiên mình phải sống thật với họ.
Một lần, tôi mở cuốn sổ tay cũ - nơi ghi lại những cảm xúc qua những bài thơ ngắn. Một trong số đó viết:
Cứ nghĩ dừng chân trên con đường giáo dục sau chừng ấy thời gian nhưng ngọn lửa này lại được thắp sáng một lần nữa dưới mái trường Việt Nhật. Dù thời gian đổi thay, tôi vẫn là một người Thầy – và điều ấy làm tôi thấy đủ đầy.
Thầy muốn nhắn nhủ điều gì đến các em học sinh và các thế hệ nhà giáo?
Khi được hỏi muốn nhắn nhủ gì đến học trò, tôi không nói đến thành tích, không nhắc chuyện thành công. Tôi chỉ nhẹ nhàng bảo, dù các em sau này có đi đâu, hãy bắt đầu một ngày bằng sự tử tế và lòng biết ơn. Tôi tin, mỗi bước tiến nhỏ của học trò đều xứng đáng với một đời tận hiến.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dung-chi-danh-gia-hoc-sinh-qua-diem-so-185250417115519791.htm
Bình luận (0)