Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đường vành đai 5 vùng Thủ đô qua Hải Dương mở rộng không gian phát triển

Là trục giao thông trọng điểm quốc gia, vành đai 5 vùng Thủ đô qua Hải Dương có ý nghĩa quan trọng, giúp kết nối, mở rộng không gian phát triển vùng.

Báo Hải DươngBáo Hải Dương04/05/2025

vanh-dai-5.jpg
Quy hoạch đường vành đai 5 (nguồn internet)

Phần qua Hải Dương dài nhất toàn tuyến

Đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội là tuyến giao thông chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 561/QĐ-TTg ngày 18/4/2014, Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050. Đây không chỉ là tuyến cao tốc quốc gia quan trọng mà còn đóng vai trò là “mạch máu” kết nối 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc.

Toàn tuyến được quy hoạch với tổng chiều dài 331km, quy mô đường ô tô cao tốc 4 - 6 làn xe. Theo kế hoạch, đến năm 2030, toàn tuyến sẽ được xây dựng với quy mô tối thiểu 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc và quốc lộ. Sau năm 2030, toàn tuyến tiếp tục thực hiện theo quy mô quy hoạch.

Vành đai 5 vùng Thủ đô đi qua 7 huyện, thành phố của Hải Dương gồm: Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Hà, Nam Sách, TP Hải Dương và TP Chí Linh với chiều dài 52,7 km. Hải Dương cũng là tỉnh có tuyến vành đai 5 vùng Thủ đô đi qua dài nhất so với các địa phương còn lại.

duong-bac-nam.jpg
Một đoạn đường trục Bắc - Nam sẽ trùng với đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội

Tại Hải Dương, tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô từ vị trí vượt sông Luộc (nối tiếp địa phận tỉnh Thái Bình) đi trùng đường trục Bắc - Nam tỉnh Hải Dương đến đường tỉnh 392, rồi chạy song song với quốc lộ 38B.

Tại xã Ngọc Kỳ (nay là xã Kỳ Sơn, Tứ Kỳ), tuyến giao với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, gần khu công nghiệp Hưng Đạo. Từ đây, tuyến đi tránh TP Hải Dương về phía đông và đi trùng với đường vành đai 2 đã quy hoạch của TP Hải Dương.

Hết đường vành đai 2, tuyến đi theo hướng bắc giao với quốc lộ 5 tại phía tây cầu Lai Vu. Sau đó, đi song song quốc lộ 37 về phía đông và nhập vào đi trùng đường ô tô cao tốc Nội Bài - Hạ Long (quy hoạch) đoạn Côn Sơn - Kiếp Bạc khoảng 11,8 km đến nút giao quốc lộ 37 và tiếp tục đi theo hướng bắc song song với quốc lộ 37 về phía tây sang tỉnh Bắc Giang.

Theo phương án đề xuất đầu tư, đoạn tuyến qua Hải Dương sẽ được xây dựng theo quy mô đường cao tốc 6 làn xe, bề rộng nền đường 33 m. 9 km trùng với đường trục Bắc – Nam của tỉnh sẽ được nâng cấp, mở rộng đủ quy mô nền đường 33 m. Các đoạn còn lại xây mới theo quy mô đồng bộ.

Đoạn tuyến qua Hải Dương dự kiến sẽ có 4 nút giao tại các vị trí giao cắt: km 135 (giao đường tỉnh 396B, cầu Hiệp), km153 (giao với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), km167 (giao quốc lộ 5) và km187 (giao đường ô tô cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trên tuyến đường còn có các cầu lớn vượt sông Luộc, sông Cửu An, Bắc Hưng Hải, Thái Bình và sông Kinh Thầy, chiều dài cầu từ 254 m đến hơn 1.500 m.

“Mắt xích” quan trọng giảm tải cho các quốc lộ hiện hữu

truc-bac-nam(1).jpg
Tuyến đường trục Bắc - Nam kết nối đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giúp giao thông thuận lợi, giảm áp lực cho một số tuyến đường tỉnh nhỏ hẹp đã xuống cấp

Nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, là cửa ngõ phía đông của Thủ đô Hà Nội, Hải Dương hội tụ nhiều tiềm năng trở thành nơi kết nối giao thương, trung tâm logistics toàn vùng. Trong mạng lưới giao thông, Hải Dương được ví là “mắt xích” quan trọng và với vành đai 5 vùng Thủ đô cũng vậy.

Theo Sở Xây dựng Hải Dương, đường vành đai 5 vùng Thủ đô đoạn qua địa bàn tỉnh Hải Dương có vị trí, vai trò là trục Bắc - Nam của tỉnh, kết nối các trục giao thông quốc gia chính gồm đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, quốc lộ 5, quốc lộ 18 và đường ô tô cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Việc triển khai đầu tư đoạn tuyến này sẽ phân bổ lưu lượng cho quốc lộ 18, quốc lộ 5 vào đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, hỗ trợ giải quyết tình trạng quá tải phức tạp về an toàn giao thông cho các quốc lộ 5, 37, 38, 17B và 18, góp phần mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương, thúc đẩy liên kết vùng và thu hút đầu tư.

Tuyến đường không chỉ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương. Hiện toàn tỉnh có hơn 20 khu công nghiệp và hơn 60 cụm công nghiệp. Khi tuyến đường hoàn thành sẽ tăng khả năng kết nối các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh với các tỉnh lân cận.

Tháng 2/2022, UBND tỉnh Hải Dương có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô đoạn qua địa bàn tỉnh. Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư cho dự án trên địa bàn Hải Dương khoảng 23.390 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.150 tỷ đồng, xây lắp và chi phí khác 18.400 tỷ đồng, dự phòng 1.840 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nguồn lực của tỉnh không đủ để thực hiện đầu tư xây dựng toàn bộ các hạng mục của dự án. Tỉnh đề nghị được giao làm chủ đầu tư đoạn tuyến này, đồng thời kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn xây lắp, ngân sách địa phương sẽ đảm nhận phần giải phóng mặt bằng.

Việc sớm triển khai dự án không chỉ góp phần giảm tải áp lực giao thông trên các tuyến quốc lộ hiện hữu mà còn mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Hải Dương hiện nay và phù hợp chủ trương hợp nhất các địa phương, thúc đẩy phát triển liên vùng đồng bằng sông Hồng.

HÀ NGA

Nguồn: https://baohaiduong.vn/duong-vanh-dai-5-vung-thu-do-qua-hai-duong-mo-rong-khong-gian-phat-trien-409773.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Rừng Tà Kóu tôi đi
Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất
Trời đất giao hoà, vui cùng non sông

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm