Chủ động kiểm soát rủi ro

Có mặt tại thao trường huấn luyện của Lữ đoàn Phòng hóa 86 (Binh chủng Hóa học), chúng tôi chứng kiến cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 902 thực hiện nội dung huấn luyện xử lý chất độc hóa học bị rò rỉ trong khu vực có khí tài. Ngay khi phát hiện sự cố, nhận mệnh lệnh cấp trên, tổ trinh sát trong bộ trang phục phòng hóa cơ động đến hiện trường, sử dụng thiết bị đo độc, khoanh vùng và báo cáo tình hình. Sau ít phút, các khí tài đặc chủng nhanh chóng được triển khai thực hiện tiêu tẩy, khử độc tại khu vực xác định. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các lực lượng tiến hành tẩy rửa trang phục phòng hóa, phương tiện và tổ chức cho bộ đội tắm rửa khử trùng. Quá trình thực hiện nội dung huấn luyện diễn ra chuẩn xác, khẩn trương và an toàn tuyệt đối.

 Lữ đoàn Phòng hóa 86 huấn luyện xử lý chất độc hóa học rò rỉ.

Đây là một trong những tình huống giả định được chỉ huy Lữ đoàn 86 thường xuyên triển khai huấn luyện để bộ đội nhuần nhuyễn, sẵn sàng lên đường khi có tình huống thật, góp phần quan trọng nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Cởi chiếc mặt nạ phòng độc MV5 khỏi khuôn mặt còn lấm tấm mồ hôi, Đại úy Lê Hoàng Vũ, Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 902 chia sẻ: “Trong điều kiện thao trường nóng, ẩm cùng với yêu cầu phải mang mặc trang phục bảo hộ dày và kín, lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng hóa đều phải nắm chắc quy trình kỹ thuật và các phương án xử lý sự cố phát sinh trong quá trình huấn luyện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và trang bị”.

Thực hiện tiêu tẩy khu vực phát hiện chất độc hóa học. 

Cùng với thuần thục kỹ năng sử dụng trang bị, khí tài, những bài tập hiệp đồng giữa các vị trí luôn được chú trọng, bảo đảm quy trình ứng phó diễn ra nhanh chóng, chính xác, hiệu quả và an toàn tuyệt đối. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Hiếu, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 86 nhấn mạnh: “Đặc thù nhiệm vụ của đơn vị là xử lý chất độc hóa học nên nguy cơ cháy nổ, phơi nhiễm luôn hiện hữu. Vì thế, công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một nội dung trọng tâm của mọi kế hoạch huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ). Lữ đoàn thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập thực tế, cập nhật quy trình kỹ thuật mới và chủ động cải tiến thiết bị, dụng cụ bảo hộ phù hợp với tình huống cụ thể”.

Không chỉ tại thao trường huấn luyện mà trên những con tàu làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển tại khu vực biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc, cán bộ, nhân viên Hải đội Biên phòng 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) ngày ngày phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn.

Tàu tuần tra cao tốc BP 01-01-10 của Hải đội Biên phòng 2 thường xuyên hoạt động trên vùng biển, đảo Cô Tô, Vân Đồn, Móng Cái… Thời gian mỗi chuyến đi có thể kéo dài nhiều ngày liên tục trong điều kiện sóng lớn, gió mạnh. Để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ, an toàn tuyệt đối, trước khi ra khơi, cán bộ, nhân viên Hải đội Biên phòng 2 luôn quán triệt nghiêm chỉ đạo, kế hoạch của cấp trên về bảo đảm ATVSLĐ.

 Kiểm tra máy tàu trước khi ra khơi thực hiện nhiệm vụ tại Hải đội Biên phòng 2.

Theo Thượng úy Nguyễn Bá Quân, Thuyền trưởng, phụ trách Tàu BP 01-01-10, trong điều kiện thời tiết xấu, lực lượng đi biển phải nghiên cứu rõ tình hình, điều kiện thời tiết như hướng gió, vận tốc gió, địa hình khu vực hoạt động và mức độ nguy hại của sóng gió ảnh hưởng đến tàu. Chỉ huy tàu cũng quán triệt đến tất cả cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn, đặc biệt là việc sử dụng các trang thiết bị phòng tránh tai nạn cá nhân. Cùng với đó, tàu còn triển khai trực canh 24/24 giờ, tăng cường quan sát để sẵn sàng báo động và xử lý kịp thời khi có vấn đề xảy ra.

Trung tá QNCN Phạm Bá Đạt, Máy trưởng Tàu BP 01-01-10 chia sẻ: “Đối với các tàu, thuyền đi biển, máy móc hoạt động cường độ cao trong điều kiện ẩm, mặn nên dễ có nguy cơ hỏng hóc, chập cháy. Vì vậy, chúng tôi không bao giờ có tâm lý lơ là, chủ quan. Ngoài việc kiểm tra trước và sau mỗi chuyến ra khơi, đội ngũ kỹ thuật còn bảo trì định kỳ hằng tháng, phát hiện kịp thời dấu hiệu bất thường từ hệ thống đường ống, van, các thiết bị nước, dầu… Đồng thời thực hiện đúng quy trình, các bước thứ tự khi vận hành, bảo đảm máy hoạt động trơn tru. Cùng với đó, chúng tôi cũng tham gia đầy đủ các buổi huấn luyện, diễn tập các tình huống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn, xử lý sự cố để ứng phó linh hoạt trong mọi tình huống”.

Gắn an toàn với sẵn sàng chiến đấu

Được biết, việc bảo đảm ATVSLĐ trong huấn luyện, SSCĐ và vận hành vũ khí, trang bị kỹ thuật không chỉ là trách nhiệm mà còn là yếu tố sống còn đối với các đơn vị đặc thù như Lữ đoàn 86 và Hải đội Biên phòng 2. Hằng năm, Lữ đoàn 86 đều xây dựng, triển khai kế hoạch công tác ATVSLĐ, trong đó chú trọng đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, từ đó xây dựng quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ gắn với huấn luyện, SSCĐ, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn, sự cố mất an toàn đối với cán bộ, chiến sĩ.

Thực hành tiêu tẩy trang phục cho cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 86.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hiếu, Lữ đoàn còn tập trung nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật về ATVSLĐ, kỹ năng làm việc của bộ đội, nhất là những quân nhân làm việc trong điều kiện có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và trong huấn luyện chiến sĩ mới. Trong năm 2024, Lữ đoàn đã huấn luyện ATVSLĐ đối với 98 đồng chí, cấp thẻ an toàn lao động đối với 76 đồng chí thuộc nhóm người lao động làm việc trong điều kiện có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; kiểm định 100% thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn như máy bơm hóa chất, phương tiện tiêu tẩy, hệ thống lọc không khí…

Nhờ đó mà chất lượng, hiệu quả công tác ATVSLĐ của Lữ đoàn 86 ngày càng được nâng lên, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong huấn luyện, rèn luyện, lao động; các loại vũ khí, trang bị luôn đạt hệ số kỹ thuật an toàn khi sử dụng.

Còn đối với Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, việc đánh giá chỉ tiêu an toàn từ lâu trở thành một phần trong tiêu chí thi đua, đánh giá chất lượng đơn vị. Năm 2024, Hải đội Biên phòng 2 đạt tỷ lệ an toàn tuyệt đối trong vận hành tàu thuyền, không xảy ra tai nạn lao động, không có trường hợp vi phạm quy trình kỹ thuật.

Bảo đảm máy móc hoạt động trơn tru góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở Hải đội Biên phòng 2. 

Trung tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó hải đội trưởng cho biết: “Trước khi làm nhiệm vụ, đơn vị luôn xây dựng, triển khai phương án bảo đảm an toàn gắn liền với huấn luyện, SSCĐ, tuần tra kiểm soát trên biển. Định kỳ hằng tháng, Hải đội tổ chức diễn tập chữa cháy trên tàu, xử lý sự cố rò rỉ nhiên liệu, phối hợp y tế sơ cấp cứu và cứu sinh. Ngoài ra, mỗi quý đều tổ chức huấn luyện kỹ năng an toàn vận hành máy móc và phòng chống đuối nước cho toàn bộ cán bộ, nhân viên”.

Từ thực tiễn hoạt động của Lữ đoàn 86 và Hải đội Biên phòng 2 có thể thấy rõ công tác bảo đảm ATVSLĐ không còn là yếu tố phụ trợ, mà càng ngày càng có đóng góp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả huấn luyện, SSCĐ của các đơn vị. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, các đơn vị cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác huấn luyện ATVSLĐ sát thực tế chiến đấu, đầu tư đồng bộ trang bị bảo hộ hiện đại. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, xây dựng nhận thức đúng đắn đối với cán bộ, nhân viên, chiến sĩ về vai trò của ATVSLĐ trong thực hiện nhiệm vụ.

Bài, ảnh: LÊ HIẾU

 

Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/gan-an-toan-ve-sinh-lao-dong-voi-san-sang-chien-dau-830219