Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gặp lại các anh qua những kỷ vật thiêng liêng

Cục Chính sách - Xã hội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Khánh Hòa vừa phối hợp tổ chức lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân các gia đình. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, lắng đọng cảm xúc, như một cuộc gặp gỡ đầy thiêng liêng giữa quá khứ và hiện tại, khi những di vật, kỷ vật của các liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp được trao lại tận tay cho thân nhân, gia đình.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa13/04/2025

Kỷ vật thiêng liêng của những chiến sĩ trung kiên

Trong không khí trang nghiêm, sâu lắng, tại hội trường Bộ CHQS tỉnh, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng Hậu phương quân đội, Cục Chính sách - Xã hội đã trao các di vật, kỷ vật của 4 liệt sĩ từng chiến đấu và hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cho thân nhân các gia đình. Những hiện vật được trao gồm giấy báo tử, sổ tay cá nhân, tờ khai giá thú, bảng tuyên dương công trạng, đặc biệt là 1 sợi dây chuyền và 1 chiếc nhẫn vàng - những món đồ trang sức giản dị nhưng ẩn chứa bao câu chuyện chưa kể. 

Trong đó, hiện vật gây xúc động đặc biệt là cuốn sổ tay của liệt sĩ Trương Đổi. Cuốn sổ nhỏ bằng lòng bàn tay, với gần 30 trang giấy đã ố màu theo năm tháng, song những con chữ vẫn còn rất rõ nét, không chỉ ghi lại đời sống sinh hoạt, hành trình chiến đấu, mà còn là một nhật ký tinh thần, nơi mỗi nét chữ là một niềm tin, một lý tưởng sống, một khát vọng độc lập cho dân tộc. Lần giở từng trang sổ của liệt sĩ để lại, chúng tôi có cảm xúc sâu sắc nhất khi đọc 4 bài viết của tác giả: “Thời cơ đến”, “Thắng trận”, “Nam Bắc một nhà” và bài thơ “Những người không bao giờ về nữa”. Trong đó, tác giả đã ghi chép những lời dạy của Bác Hồ về thời cơ cách mạng; về ý chí kiên cường, quyết vượt qua mọi gian khó trong cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến ngày thắng lợi cuối cùng; những mường tượng về cuộc sống hòa bình, độc lập, hạnh phúc của nhân dân sau khi kháng chiến thắng lợi, Nam Bắc một nhà; sự hy sinh anh dũng của những đồng đội nằm lại nơi núi rừng…

Một trang nhật ký bằng thơ viết về những đồng đội hy sinh của liệt sĩ Trương Đổi.
Một trang nhật ký bằng thơ viết về những đồng đội hy sinh của liệt sĩ Trương Đổi.

Khi cầm cuốn sổ tay của chú mình viết trước lúc hy sinh cách đây hơn 70 năm, ông Trương Thành Phong (phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa, cháu ruột của liệt sĩ Trương Đổi) không giấu nổi sự xúc động: “Hôm nay, tôi như thấy chú Đổi trở về! Từng con chữ trong sổ tay là tiếng nói của chú, là tình yêu nước và sự hy sinh của thế hệ cha anh vì độc lập dân tộc, vì hòa bình và hạnh phúc của nhân dân. Tôi đã nghe kể nhiều về chú, nhưng đây là lần đầu tôi “gặp” chú một cách gần gũi như vậy!”. Những giọt nước mắt đã rơi - không chỉ từ người thân của liệt sĩ mà còn từ những người chứng kiến. Cán bộ, chiến sĩ có mặt tại buổi lễ đều cảm nhận được sự thiêng liêng không thể diễn tả bằng lời!

Ông Trương Thành Phong xúc động khi đọc cuốn sổ tay của chú mình để lại trước lúc hy sinh.
Ông Trương Thành Phong xúc động khi đọc cuốn sổ tay của chú mình để lại trước lúc hy sinh.

Không chỉ có hiện vật đơn thuần, các di vật, kỷ vật của các liệt sĩ để lại còn là chứng tích sống động của một thời kỳ hào hùng. Tấm bảng tuyên dương công trạng và tờ khai giá thú của liệt sĩ Đỗ Cất (quê huyện Vạn Ninh, hy sinh năm 1954) với con dấu đỏ tươi dù đã phai màu theo năm tháng vẫn như vang vọng tiếng ca của những năm tháng kháng chiến và minh chứng cho tình yêu, sự gắn bó và những gì các chiến sĩ đã đánh đổi vì Tổ quốc, kể cả hạnh phúc riêng tư…

Bảng tuyên dương công trạng của liệt sĩ Đỗ Cất.
Bảng tuyên dương công trạng của liệt sĩ Đỗ Cất.

Sự tri ân sâu sắc

Buổi lễ không chỉ là hình thức trao - nhận, mà là một buổi tri ân sâu sắc, khơi dậy lòng tự hào và biết ơn với thế hệ cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Những di vật, kỷ vật được trao lại không chỉ là tài sản cá nhân, mà còn là “báu vật tinh thần” của cả dân tộc. Công tác tìm kiếm và xác minh các di vật, kỷ vật của liệt sĩ luôn là một quá trình công phu, bền bỉ và giàu ý nghĩa. Để có được kết quả ngày hôm nay, các cán bộ, chiến sĩ của nhiều cơ quan, đơn vị chức năng đã không quản ngại gian khó, lần theo dấu tích từ những vùng rừng sâu, núi cao, từ những dòng thông tin nhỏ nhoi được lưu giữ rải rác qua các chiến trường… Những di vật, kỷ vật của các liệt sĩ chính là những “nhịp cầu ký ức”, giúp cho thân nhân gia đình các liệt sĩ có thể biết thêm về thân thế, hành trình chiến đấu và hy sinh của người thân. Đó cũng là những mong mỏi thiêng liêng mà không ít gia đình đã chờ đợi hàng chục năm qua.

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng trao di vật, kỷ vật của các liệt sĩ cho thân nhân gia đình.
Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng trao di vật, kỷ vật của các liệt sĩ cho thân nhân gia đình.

Tại buổi lễ, đoàn công tác Cục Chính sách - Xã hội và Bộ CHQS tỉnh còn trao tặng các phần quà cho thân nhân gia đình 4 liệt sĩ và 14 người có công tiêu biểu trên địa bàn, với tổng trị giá hơn 41 triệu đồng, thể hiện sâu sắc lòng biết ơn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân đội đối với những công lao to lớn, sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ; những đóng góp của thân nhân gia đình các liệt sĩ và người có công trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Việc tìm kiếm, quy tập, xác minh và trao lại di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân gia đình luôn là trách nhiệm thiêng liêng. Trước đây trong điều kiện chiến tranh, cả nước phải tập trung cho tiền tuyến, mặt khác qua nhiều thời kỳ, chúng ta chưa có những điều kiện tốt nhất để quản lý, bảo quản một cách có hệ thống, chặt chẽ, do vậy, những di vật, kỷ vật này đã có lúc lưu lạc, nằm tại kho lưu trữ của các cơ quan. Song, với trách nhiệm và tình cảm của mình, Cục Chính sách - Xã hội đã phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương nỗ lực tìm hiểu, xác minh thông tin có liên quan, với mong muốn sớm đưa kỷ vật của các liệt sĩ trở về bên gia đình, người thân. Những di vật, kỷ vật của các liệt sĩ được bàn giao cho thân nhân gia đình hôm nay tuy nhỏ bé nhưng có giá trị tinh thần rất to lớn!”.

THẾ ANH

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202504/gap-lai-cac-anh-qua-nhung-ky-vat-thieng-lieng-95c7cca/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm