Từ hỗ trợ đến khát vọng vươn lên
Thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững được triển khai trên địa bàn huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực.
Thông qua nguồn kinh phí triển khai dự án đã giúp nhiều hộ có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, mở ra cánh cửa thoát nghèo và khát vọng đổi đời của bà con nơi đây.
![]() |
Anh Đinh Văn Thiên được nhà nước hỗ trợ hai con bò giống sinh sản. |
Trong căn nhà sàn đơn sơ ở thôn Huy Em (xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây), anh Đinh Văn Thiên không giấu được niềm vui khi kể về hai con bò giống sinh sản được Nhà nước hỗ trợ cách đây không lâu. “Trị giá hơn 40 triệu đồng đó. Có bò rồi, mình có thêm động lực để làm ăn. Ngày trước mình không nghĩ tới chuyện làm kinh tế đâu, giờ thấy có hướng đi rồi, tôi sẽ cố gắng vươn lên”, anh Thiên bộc bạch.
Anh Thiên cho biết, không chỉ được cấp giống bò, anh còn được hỗ trợ vật tư làm chuồng và tham gia tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi. Dù mới triển khai nhưng mô hình chăn nuôi bò đã tạo cho gia đình anh sinh kế để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Anh Thiên là một trong hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Sơn Mùa được hưởng lợi từ Dự án 3 “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
![]() |
Nhờ có sự hỗ trợ nhà nước, nhiều gia đình ở vùng cao Quảng Ngãi sẽ vươn lên phát triển kinh tế. |
Trong năm 2024, xã Sơn Mùa đã triển khai 5 dự án chăn nuôi bò sinh sản, với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng. Theo đó có 82 con bò giống sinh sản đã được cấp cho 41 hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ biết làm kinh tế. Sau một thời gian cấp giống bò sinh sản cho đối tượng thụ hưởng, hiện bò sinh trưởng và phát triển tốt. Các nhóm hộ vận hành dự án hiệu quả.
Không chỉ xã Sơn Mùa, nhiều xã khác ở huyện Sơn Tây cũng đang triển khai các dự án tương tự. Tại xã Sơn Long, chính quyền địa phương đã hỗ trợ giống ổi ruby cho 8 hộ, cây chuối mốc cho 18 hộ và 2 mô hình nuôi heo ky với tổng cộng 20 hộ dân tham gia.
![]() |
Tại xã Sơn Long (huyện Sơn Tây) có 2 mô hình nuôi heo ky với tổng cộng 20 hộ dân tham gia. |
“Ban đầu bà con còn e dè, nhưng khi thấy heo sinh trưởng tốt, ai cũng phấn khởi. Nhiều hộ bắt đầu tính chuyện mở rộng quy mô, phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo”, anh Đinh Văn Ben - một hộ tham gia mô hình nuôi heo ky chia sẻ.
Những chuyển biến rõ rệt
Thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng từ các Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững, hiện trên địa bàn huyện Sơn Tây có hơn 200 nhóm hộ phát triển sản xuất, mỗi nhóm có từ 10 đến 12 hộ tham gia.
Các mô hình được lựa chọn dựa trên tiềm năng và nhu cầu thực tế của người dân, tập trung vào các cây trồng, vật nuôi phù hợp như bò, heo, chuối, ổi… Những loại cây con này vừa dễ thích nghi với điều kiện địa phương, vừa có giá trị hàng hóa cao, tạo tiền đề để hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ ổn định.
![]() |
Tham quan vườn trồng cây chuối mốc của người dân. |
Đây không chỉ là câu chuyện về kinh tế, điều dễ nhận thấy từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng là sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân. Nhiều hộ trước đây sống phụ thuộc vào rừng, vào trợ cấp nay đã chủ động tìm tòi, học hỏi kỹ thuật, áp dụng kiến thức vào thực tế. Trong các buổi tập huấn, người dân tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Họ cũng bắt đầu hình thành ý thức liên kết sản xuất, hỗ trợ lẫn nhau thay vì làm ăn riêng lẻ như trước.
Việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất đã tạo động lực lớn để thúc đẩy các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Sơn Tây hướng đến phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng khu vực. Khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.
Ông Đinh Trường Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, một trong những yếu tố tạo nên thành công bước đầu của các dự án là sự gắn kết cộng đồng. Mỗi nhóm hộ đều có nhóm trưởng, chịu trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn và kết nối các thành viên. Việc lựa chọn nhóm trưởng được cân nhắc kỹ, đảm bảo người đó có uy tín, am hiểu địa bàn và có khả năng dẫn dắt.
![]() |
Các cán bộ và người dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. |
Theo ông Giang, mục tiêu lớn nhất là tạo được sự thay đổi từ gốc rễ – đó là tư duy sản xuất của người dân, bởi trên địa bàn huyện đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số. Khi người dân hiểu rằng việc thoát nghèo không chỉ là nhận trợ cấp mà là tự mình làm ra của cải, thì lúc đó các dự án mới thực sự phát huy hiệu quả bền vững. Chúng tôi thấy rõ bà con đã bắt đầu chuyển biến. Họ không còn thụ động nữa mà chủ động canh tác, tìm đầu ra cho sản phẩm.
“Địa phương mong muốn qua Chương trình giảm nghèo bền vững đã triển khai giai đoạn 1, trong thời gian tới mở rộng tại những địa bàn còn nhiều khó khăn đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền địa phương cũng đề nghị Trung ương và tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện tiếp giai đoạn 2, hỗ trợ cho bà con để có những định hướng phát triển hơn nữa, giúp những gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo vươn lên”, ông Giang nói thêm.
Nguồn: https://tienphong.vn/giac-mo-thoat-ngheo-cua-nguoi-dan-vung-cao-quang-ngai-post1742214.tpo
Bình luận (0)