Ngày 29/4/1975, ta giải phóng đảo Trường Sa, tổng tiến công trên toàn mặt trận Sài Gòn-Gia Định. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị tiếp tục tiến công vào Sài Gòn với khí thế hùng mạnh nhất.
5 giờ sáng ngày 29/4, Bộ Chính trị gửi điện khen ngợi các đơn vị đã lập nhiều chiến công lớn trong những ngày qua; đồng thời kêu gọi đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ... nhanh chóng đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch, đập tan mọi sức đề kháng của địch, kết hợp tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn-Gia Định.
Bộ Chính trị cũng nhắc các đơn vị phải giữ nghiêm kỷ luật, triệt để chấp hành mọi chỉ thị, mệnh lệnh, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, nâng cao bản chất cách mạng và truyền thống quyết thắng của quân đội, giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch lịch sử mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
10 giờ ngày 29/4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương gửi Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ thị: …“tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng”.
Hướng đông nam, Quân đoàn 2, từ 4 giờ 30 phút đã bắt đầu bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất. 5 giờ 30 ngày 29/4/1975, Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) tiếp tục tiến công dứt điểm địch ở trường bộ binh, bãi để xe thiết giáp ở căn cứ Nước Trong và ngã ba Long Bình.
Đến 10 giờ, Trung đoàn 9 chiếm ngã ba Đường 15, sau đó toàn bộ Sư đoàn 304 theo Đường 15 chiếm cầu Sông Buông, căn cứ Long Bình. Binh đội thọc sâu (gồm Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203 và Trung đoàn 66 và một bộ phận pháo binh, công binh, phòng không) nhanh chóng vượt lên trước, bắt liên lạc được với đoàn Đặc công 116 giữ cầu Đồng Nai, chuẩn bị đột phá vào nội đô.
Cùng thời gian đó, Trung đoàn 46 (Sư đoàn 325) dứt điểm các mục tiêu còn lại ở Nhơn Trạch, sau đó tiến công thành Tuy Hạ. Địch ở đây chống cự quyết liệt. Sư đoàn 325 phải điều một bộ phận của Trung đoàn 121 cùng xe tăng lên trợ chiến.
16 giờ ngày 29/4/1975, Trung đoàn 101 và xe tăng bắt đầu tiến vào cùng Trung đoàn 46 mở đợt tiến công quyết định. Ba xe tăng T.54 tiến đến cánh cổng thành Tuy Hạ 500 mét dùng pháo, súng trung liên, 12,7mm kiềm chế các hỏa điểm địch.
Trung đoàn 46 một lần nữa ào ạt xung phong. Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 101 có xe tăng T.54 dẫn đầu dũng mãnh xông thẳng vào cổng chính và nhanh chóng tỏa ra đánh chiếm các điểm cố thủ. Ta làm chủ thành Tuy Hạ lúc 18 giờ ngày 29/4/1975.
Tiếp đó, Sư đoàn 325 tổ chức truy kích, vượt sông đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái, rồi tiếp tục đánh vào Quận 9 và Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa. Trong lúc đó, Sư đoàn 3 tiếp tục tiến ra Vũng Tàu và giải phóng thị xã lúc 16 giờ ngày 29/4/1975.
Hướng đông, từ sáng 29/4/1975, Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4) có xe tăng dẫn đầu lần lượt đập tan nhiều ổ đề kháng của địch, đến ngã 3 Hố Nai, gặp hào sâu không qua được, xe tăng vòng qua phía bắc đánh xuống Biên Hòa.
Trong lúc đó, Trung đoàn 273 tiêu diệt địch ở ga Long Lạc rồi tiến vào sân bay Biên Hòa chiếm căn cứ của Sư đoàn 3 không quân Việt Nam Cộng hòa. Sau khi đánh chiếm căn cứ thiết giáp, Sư đoàn 18 Việt Nam Cộng hòa ở Yên Thế, Trung đoàn 270 phối hợp cùng Sư đoàn 6 cùng đánh chiếm căn cứ pháo binh Hốc Bà Thức, sau đó cùng Trung đoàn 266 vòng qua Hố Nai đánh vào Long Bình. Đêm 29/4/1975, Sư đoàn 6 đập tan tuyến phòng thủ địch ở ngã ba Hố Nai.
Đến tối 29/4/1975, do phải đột phá nhiều khu vực phòng thủ của địch nên Quân đoàn 4 chưa vượt qua thị xã Biên Hòa.
Cùng thời gian trên, binh đội thọc sâu của Quân đoàn là Sư đoàn 7 theo đường 1 tiêu diệt Tiểu đoàn 6 Thủy quân lục chiến và một bộ phận Trung đoàn 82 (Sư đoàn 18 Việt Nam Cộng hòa) cách Hố Nai 1.500m. Sau đó, đơn vị tổ chức đột phá qua Tam Hiệp và đẩy nhanh tốc độ tiến công.
Phối hợp với chủ lực hai hướng này, trong ngày 29/4/1975, lực lượng vùng ven hoạt động khá hiệu quả. Đoàn Đặc công 116 tập kích vào bộ chỉ huy tiếp vận của địch ở tây nam Long Bình, kho xăng Long Bình và tổ chức chốt giữ cầu xa lộ Đồng Nai. Đoàn Đặc công 115 chiếm cầu Ghềnh lần 2, tổ chức một bộ phận tập kích vào Sở Chỉ huy Trung đoàn 15 Thiết giáp Việt Nam Cộng hòa và Trung tâm tiếp vận ở Hốc Bà Thức. Đoàn 10 Đặc công đánh chiếm Phước Khánh, ngã ba Đồng Tranh, bắn cháy 10 tàu địch trên sông Sài Gòn.
Trên hướng tây bắc, 7 giờ sáng 29/4/1975, hướng Sư đoàn 316, một bộ phận thiết giáp địch gồm 7 chiếc bất ngờ thoát ra ngoài Trảng Bàng chạy về phía Lào Táo, bị Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 174 chặn đánh diệt 2 chiếc, số còn lại chạy sang Phước Mỹ, gặp Tiểu đoàn 1 bị diệt tiếp 2 chiếc và bật 3 chiếc còn lại.
Cùng ngày, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 174 đánh chiếm Trung Hòa, rồi Lào Táo, phối hợp Tiểu đoàn 1 tiến công Phước Hiệp, Đồng Chùa. Tại Trảng Bàng, Trung đoàn 149 điều chỉnh đội hình vây chặt hơn, đánh sập cầu Tràng Chùa. Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 149 đánh chiếm khu trường học, Tiểu đoàn 9 chiếm khu chợ, đồn cảnh sát, khu hành chính.
Đến 17 giờ, Sư đoàn 316 làm chủ Trảng Bàng, tiêu diệt và làm tan rã các trung đoàn 46, 49, liên đoàn 251 bảo an, 1 chiến đoàn thiết giáp. Sư đoàn 25 Việt Nam Cộng hòa bị xóa sổ.
Cùng ngày 29/4/1975, Trung đoàn 198 Đặc công (Quân đoàn 3) đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng và đánh tan Tiểu đoàn 81 biệt kích dù rồi bàn giao cho đại đội 10 (Trung đoàn 64) chốt giữ. 5 giờ 30 ngày 29/4/1975, Sư đoàn 320 tiến công và tới 11 giờ, tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 25 Việt Nam Cộng hòa, làm chủ hoàn toàn căn cứ Đồng Dù.
Bộ đội đặc công đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng trên Đường số 1, tạo điều kiện cho Quân đoàn 3 tiến vào nội đô. 5 giờ 25 sáng 29/4/1975, Sư đoàn 10 tiến vào nội đô trên hai cánh. Trung đoàn 24 cùng 1 tiểu đoàn xe tăng theo Quốc lộ 1, đánh tan cụm quân địch ở Hậu Nghĩa, Củ Chi, sau đó phát triển đánh chiếm thành Quan Năm và Hóc Môn.
Trung đoàn 28 cùng các lực lượng tăng cường theo Đường 15 đánh chiếm Phú Hoà Đông, Tân Quy. Sau đó, Trung đoàn quay lại Bà Ri, Tân Quy, theo tỉnh lộ 8 vượt qua Đồng Dù, tiến sang cầu Bông, đánh chiếm khu huấn luyện Quang Trung. 21 giờ ngày 29/4, Trung đoàn đến Bà Quẹo, bị địch chặn đánh quyết liệt, phải dừng lại củng cố.
Trên hướng bắc, ngày 29/4, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) đưa Trung đoàn 165 áp sát căn cứ Phú Lợi, Trung đoàn 209 triển khai trận địa chốt chặn, đồng thời tổ chức đánh chiếm các cứ điểm địch ở An Lợi, trên Đường 14 và cầu Tây, Mỹ Hạnh, xóm Xoài trên Đường 13. Trận chiến đấu tiến công địch ở An Lợi diễn ra rất quyết liệt. Ta và địch giành giật nhau từng ụ súng, từng lô cốt. Sở chỉ huy nhẹ của Sư đoàn 5 Việt Nam Cộng hòa hoảng sợ tháo chạy, bị lực lượng chốt chặn của ta ở Phú Cường bắt làm tù binh.
Trên hướng thọc sâu của Quân đoàn 1, Sư đoàn 320B tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiến công. 2 giờ sáng ngày 29/4/1975, đội hình thọc sâu cơ động bằng hơn 300 xe các loại bắt đầu xuất phát tiến về hướng Lái Thiêu-Sài Gòn. Bị địch ngăn chặn gần Tân Uyên.
4 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, Trung đoàn 48 có xe tăng, thiết giáp và pháo binh chi viện, phối hợp với lực lượng của Trung đoàn 64 và Trung đoàn 27 chia thành 3 mũi tiến công chi khu quận lỵ Tân Uyên. Trận đánh diễn ra rất quyết liệt. Sau gần 30 phút chiến đấu, cả 3 mũi tiến công của ta đã đột phá vào trung tâm, làm chủ hoàn toàn căn cứ địch mở thông đường tiến quân của hướng thọc sâu theo đường 16 từ Tân Uyên-Búng đến Lái Thiêu vào Sài Gòn.
Sau 1 ngày chiến đấu, trên hướng tiến công của Quân đoàn 1, các đơn vị dũng mãnh tiến công, phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch ở phía bắc Sài Gòn. Hướng chia cắt của Sư đoàn 312 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bao vây, cô lập Sư đoàn 5 Việt Nam Cộng hòa. Trung đoàn 209 đã cắt đứt hoàn toàn đường 13 và 14 không cho Sư đoàn 5 Việt Nam Cộng hòa cơ động, ứng cứu cho nhau.
Trung đoàn 165 và một tiểu đoàn của Trung đoàn 141 cùng lực lượng xe tăng thiết giáp áp sát căn cứ Phú Lợi, chuẩn bị sẵn sàng tiến công đánh chiếm cứ điểm mạnh nhất của địch trên tuyến phòng thủ bắc Sài Gòn. Trên hướng thọc sâu chiến dịch, Sư đoàn 320B đã đột kích nhanh trong hành tiến, thọc sâu vào tuyến phòng ngự của địch hơn 60km, chuẩn bị tiến công đánh chiếm Lái Thiêu và Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa, khu Bộ Tư lệnh các binh chủng ngụy ở nội đô. Lực lượng thọc sâu chiến dịch của Quân đoàn chỉ còn cách sào huyệt của địch hơn 15km.
Trong ngày 29/4/1975, lực lượng phối hợp trên hướng bắc và tây bắc đánh địch, phối hợp rất hiệu quả. 9 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, Trung đoàn 1 Gia Định đánh địch ở hai xã Tân Thới Nhật, Xuân Thới Thượng (quận Tân Bình), diệt chốt ngã ba Như Dòng trên Lộ 9, hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ, truy quét tàn binh. Bộ đội địa phương và du kích Củ Chi cùng nhân dân bao vây bức rút, bức hàng hầu hết các đồn bốt địch trong các xã ấp. Chiều ngày 29/4/1975, toàn quận Củ Chi được giải phóng.
Trung đoàn Đặc công 115 giải phóng xã Tân Thới Hiệp, đánh bại quân dù phản kích. Tiểu đoàn 10 Gia Định chiếm cầu Chợ Mới. Biệt động đánh cầu Bình Phước, đài phát thanh Quán Tre, đại đội địa phương Củ Chi chiếm chi khu. Tiểu đoàn 80 Biệt động tiến công trận địa pháo và trại thiết giáp Phù Đổng, Gò Vấp. Trung đoàn Gia Định chặn đánh Trung đoàn 50 Sư đoàn 25 Việt Nam Cộng hòa tháo chạy từ Đồng Dù về…
Trên hướng tây và tây nam, 10 giờ 10 phút ngày 29/4/1975, Sư đoàn 3 (Đoàn 232) làm chủ thị xã Hậu Nghĩa, sau đó tổ chức đánh chiếm chi khu Đức Hòa, Đức Huệ (lúc 14 giờ 30 phút), căn cứ Trà Cú (18 giờ 20 phút) rồi tổ chức vượt sông Vàm Cỏ Đông. Sư đoàn 9 đưa toàn bộ lực lượng vượt qua Mỹ Hạnh, sau đó thọc sâu về hướng Bà Quẹo.
Đêm 29/4/1975, Tiểu đoàn 8 và 9 của Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 nổ súng diệt sở chỉ huy Liên đoàn 8 và Tiểu đoàn 86 Biệt động quân trên tuyến vành đai xa lộ Đại Hàn; tiếp đó đánh tan Tiểu đoàn 327 bảo an ở nam Vĩnh Lộc khi tiểu đoàn này rút chạy từ Đức Hòa về Sài Gòn. Tiểu đoàn 7 được tăng cường bốn xe tăng PT85, tiến công chốt Tiểu đoàn 317 bảo an, diệt và bắt 196 tên. Sư đoàn 5 và Sư đoàn 8 tiếp tục cắt Lộ 4, trụ vững, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch. Trung đoàn 24 và 88 phát triển đến bắc Cần Giuộc, Hưng Long.
Phối hợp với chủ lực, lực lượng vùng ven của Sài Gòn-Gia Định ở hướng này cũng tăng cường hoạt động. Trung đoàn Đặc công 429 tiến đánh Tiểu đoàn 8 biệt động quân tại Tân Tạo, Bà Hom, khu ra đa Phú Lâm; đánh chiếm ấp 2 (Bình Trị Đông), ấp Bình Hưng, Ký Thúc On và cầu Nhị Thiên Đường. Trung đoàn Đặc công 117 bắn ĐKB vào sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ đội địa phương Bình Chánh đánh chiếm các chi khu Tân Túc, Tân Hào (quận Tân Bình) lúc 10 giờ 30 phút.
Cuối ngày 29/4/1975, bộ đội ta đã đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn các sư đoàn 5, 25, 18, 22, 7 của quân Việt Nam Cộng hòa. Các binh đoàn thọc sâu đã tiến đến vùng ven, cách trung tâm Sài Gòn từ 10 đến 20km. Các lực lượng vũ trang tại chỗ hoạt động mạnh trên các địa bàn, giữ vững các cầu trên đường vào thành phố.
Phía địch, ngày 29/4/1975, Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng và nhiều tướng tá Việt Nam Cộng hòa bỏ chạy. 11 giờ 15 phút ngày 29/4/1975, Tổng thống Mỹ G. Ford ra lệnh mở cuộc di tản bằng máy bay lên thẳng mang tên “Người liều mạng”, đưa nốt 5.000 người Mỹ ra khỏi miền nam Việt Nam.
Ở miền Tây Nam Bộ, từ ngày 29/4/1975, theo kế hoạch hiệp đồng toàn cục, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương phối hợp với nhân dân các tỉnh, huyện tiến công các căn cứ, cơ sở địch, giải phóng địa phương mình.
Tại Trà Vinh, đêm 29/4/1975, quân và dân địa phương đồng loạt tiến công vào thị xã Trà Vinh, chiếm và phá hủy 15 đồn trong nội ô, kết hợp với mũi binh vận khởi nghĩa ở 28 đồn và lô cốt, dứt điểm chi khu Càng Long.
Tại Hà Tiên, sáng 29/4/1975, lực lượng địa phương nổ súng tiến công và giải phóng hoàn toàn xã Phú Mỹ, buổi chiều tiếp tục vây bức và giải phóng thêm 2 xã Bình An và Vĩnh Điền.
Tại Cà Mau, đêm 29/4, các đơn vị vũ trang địa phương và Khu 9 tiến công các vị trí địch ở ven thị xã, diệt phân chi khu Hòa Thành, đồn Ao Kho, Xí Cách, Cái Nhúc, bao vây và bức rút hai phân khu Lộ Tẻ (Tân Thành) và cầu Số Hai (Tân Lộc). Quân địch trên lộ Cà Mau-Cái Nước bị quét sạch. Lúc này quân địch ở Cà Mau cụm vào trong thị xã.
Trên hướng biển, 16 giờ ngày 28/4/1975, bộ đội ta tiếp tục đi giải phóng đảo Trường Sa - đảo xa nhất ở phía Nam của quần đảo. Đến 9 giờ ngày 29/4/1975, lực lượng ta đổ bộ lên, làm chủ hoàn toàn đảo.
Ngày 29/4/1975, Thường vụ Trung ương Cục miền nam tiếp tục hướng dẫn một số chính sách đối với những vùng mới giải phóng cho Quân ủy Miền, các cấp ủy đảng, cùng các ban, ngành như: chính sách cụ thể đối với binh sĩ, nhân viên ngụy quyền và công tác đấu tranh giữ trật tự an ninh tại các địa phương sau giải phóng…
Cùng ngày 29/4/1975, tại Trại Davis (nằm trong sân bay quân sự Tân Sơn Nhất, trụ sở của hai đoàn Đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam trong các Ban Liên hợp quân sự bốn bên và hai bên Trung ương thi hành Hiệp định Paris), hai đoàn quân sự ta liên tục nhận được đề nghị tiếp xúc.
Buổi sáng, Đại sứ Mỹ Martin qua đoàn Hungary nhắn tin đề nghị gặp Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhưng bị từ chối. Từ 11 giờ đến 17 giờ 30 phút, liên tiếp có 3 đoàn đại biểu “lực lượng thứ ba” đến xin gặp, đoàn cử đại diện tiếp và trao Bản tuyên bố ngày 26/4/1975 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam.
NDO
Nguồn: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/ngay-29-4-1975-giai-phong-dao-truong-sa-tong-tien-cong-tren-toan-mat-tran-sai-gon-gia-dinh-160453.html
Bình luận (0)