Không còn bó hẹp trong thói quen mua sắm tại chợ truyền thống hay cửa hàng, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hình thức mua sắm trực tuyến bởi tính tiện lợi, tiết kiệm thời gian, dễ dàng so sánh giá cả và linh hoạt trong đổi trả sản phẩm.
Việt Nam hiện nằm trong Top 10 quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử (TMĐT) nhanh nhất thế giới. Năm 2024, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đã cán mốc hơn 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước, chiếm 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Trước bối cảnh đó, việc chỉ duy trì hình thức bán hàng truyền thống sẽ khiến doanh nghiệp có nguy cơ tụt lại phía sau, đánh mất cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng. Do đó, xu hướng kết hợp giữa kinh doanh truyền thống và TMĐT đang được nhiều doanh nghiệp, HTX lựa chọn như một “cứu cánh” hiệu quả để mở rộng thị phần, tăng doanh số và giữ vững vị thế trên thị trường.
Là một trong những đơn vị OCOP tiêu biểu của tỉnh, anh Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc HTX Nấm Tam Đảo (Tam Đảo) chia sẻ: “Việc mở rộng các kênh phân phối, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng bán hàng khác nhau và tận dụng sức mạnh của TMĐT là xu hướng tất yếu giúp HTX mở rộng tệp khách hàng, nâng cao doanh thu”.
Không chỉ liên kết với một số đơn vị để mở rộng hệ thống đại lý tại nhiều tỉnh, thành, HTX Nấm Tam Đảo còn chủ động xây dựng và duy trì 3 fanpage, 3 website riêng để quảng bá sản phẩm. Gần đây, HTX còn hợp tác với các Youtuber, Tiktoker nổi tiếng để lan tỏa thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ trên các nền tảng số.
Nhờ chiến lược bán hàng đa kênh hiệu quả, doanh thu năm 2024 của HTX đạt gần 1,9 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022. HTX hiện tạo việc làm ổn định cho 32 lao động, với mức thu nhập trung bình từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ riêng HTX Nấm Tam Đảo, nhiều chủ thể OCOP khác trong tỉnh như Công ty cổ phần Ong Tam Đảo (Bình Xuyên), Công ty cổ phần thực phẩm DBFood (Phúc Yên)… cũng đang đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến bên cạnh việc phân phối qua các cửa hàng truyền thống. Các sản phẩm OCOP Vĩnh Phúc không chỉ có mặt trên các sàn TMĐT như Postmart.vn, Voso.vn mà còn xuất hiện trên những nền tảng lớn như Shopee, Lazada, Tiktok...
Nhận thấy vai trò quan trọng của mô hình bán hàng đa kênh trong tiêu thụ sản phẩm OCOP, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. Ngoài việc xây dựng và hỗ trợ xây dựng các điểm trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, tỉnh còn hỗ trợ đưa hàng nghìn sản phẩm lên các sàn TMĐT lớn như Postmart, Voso và hỗ trợ gần 100 doanh nghiệp xây dựng website TMĐT riêng.
Bên cạnh những thuận lợi, các chủ thể OCOP cũng đang đối mặt với không ít khó khăn trong triển khai bán hàng đa kênh, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh. Cụ thể, năng lực số của nhiều chủ thể còn hạn chế. Hạ tầng, thiết bị, kỹ năng số tại các vùng nông thôn còn nhiều bất cập, thiếu đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chiến lược số hóa phù hợp với từng loại sản phẩm.
Để khắc phục những rào cản này, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin và kỹ năng số cho nông dân, doanh nghiệp và HTX. Đồng thời tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tiếp cận các nền tảng TMĐT lớn, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Khuyến khích các chủ thể tích cực ứng dụng mạng xã hội và các nền tảng số khác để quảng bá sản phẩm, tiếp cận khách hàng và xây dựng thương hiệu một cách bài bản.
Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng sâu rộng, bán hàng đa kênh không còn là lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu tất yếu nếu các sản phẩm OCOP muốn khẳng định vị thế trên thị trường rộng lớn. Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự đồng hành của các cấp, ngành và nỗ lực của mỗi chủ thể, sản phẩm OCOP hoàn toàn có thể vươn xa, tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Nguyễn Hường
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/127527/Ban-hang-da-kenh---“chia-khoa”-giup-san-pham-OCOP-vuon-xa
Bình luận (0)