Sức lan tỏa từ những công trình, sản phẩm

Cùng đoàn công tác của Hội đồng Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo (TTST) trong Quân đội đến khảo sát, đánh giá kết quả ứng dụng thực tiễn của các công trình đã được trao Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 24 và thẩm định các công trình tham gia Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 25 tại Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP), chúng tôi được Đại tá Nguyễn Đức Thành, Trưởng phòng Công tác quần chúng (Cục Chính trị) phấn khởi cho biết: Những năm gần đây, Giải thưởng TTST trong Quân đội đã trở thành sân chơi bổ ích, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên trong Tổng cục tham gia. Từ sân chơi này đã có nhiều công trình, sáng kiến ra đời, được ứng dụng hiệu quả. Điển hình là, trong giai đoạn 2020-2024, tuổi trẻ Tổng cục đã đảm nhận hơn 1.700 công trình, đề tài, sáng kiến; trong số 195 công trình được lựa chọn tham gia Giải thưởng TTST trong Quân đội, có 113 công trình đoạt giải. Riêng tại Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 25, tuổi trẻ Tổng cục CNQP có 57 công trình, gồm 20 đề tài, 37 sáng kiến. Tất cả công trình đều được đánh giá có giá trị khoa học và thực tiễn cao, được tổ chức nghiệm thu chặt chẽ.

Hội đồng Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội kiểm tra công trình, sáng kiến của tuổi trẻ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, tháng 4-2025. Ảnh: ANH KHÔI 

Không chỉ ở Tổng cục CNQP, trò chuyện với Đại tá Trần Hữu Dũng, Phó trưởng ban Thanh niên Quân đội, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Giải thưởng TTST trong Quân đội, chúng tôi được anh chia sẻ: “Qua thực tế khảo sát tại các đơn vị cho thấy, ngoài việc thường xuyên động viên, cổ vũ tuổi trẻ nghiên cứu khoa học, lãnh đạo, chỉ huy các cấp còn quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất, thời gian để các cán bộ, đoàn viên, thanh niên phát huy hết trí tuệ, tâm huyết của mình vào nghiên cứu, sáng chế, cải tiến công trình, đề tài. Nhờ đó, mỗi năm, toàn quân có hàng nghìn công trình, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của tuổi trẻ được đưa vào ứng dụng ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất”.

Kết quả nổi bật của Giải thưởng TTST trong Quân đội 5 năm gần đây là ngày càng xuất hiện nhiều công trình có giá trị khoa học, ý nghĩa thực tiễn và hiệu quả cao của tuổi trẻ toàn quân trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, có nhiều công trình đã mạnh dạn ứng dụng các thành quả khoa học-công nghệ mới, hiện đại. Nhiều công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có cách tiếp cận, khai thác vấn đề mới, được đánh giá, nghiệm thu chặt chẽ từ cơ sở; nội dung nghiên cứu gắn với thực tế, có khả năng phát triển, áp dụng cao. Nhiều công trình đã đề xuất những giải pháp kỹ thuật mới tiên tiến, nhất là trong công nghệ số hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, góp phần đổi mới phương pháp huấn luyện, chế tạo, sản xuất, nâng cấp vũ khí, trang bị hoặc nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, có nhiều công trình trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đã giúp tăng năng suất lao động, làm lợi cho các doanh nghiệp Quân đội mỗi năm hàng trăm tỷ đồng.

Điều đáng mừng, từ thành công của Giải thưởng TTST trong Quân đội, nhiều đơn vị đã tổ chức riêng phong trào nghiên cứu, sáng tạo của tuổi trẻ đơn vị mình, mang lại hiệu quả tích cực, như: “Giải thưởng TTST khoa học” của Học viện Hậu cần; “Giải thưởng Sáng tạo trẻ” của Quân chủng Phòng không-Không quân; “Giải thưởng Nguyễn Phan Vinh” của Quân chủng Hải quân... Cùng với đó, các mô hình “Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật trẻ”, “Trung tâm khoa học kỹ thuật trẻ”, “Tuần khoa học sinh viên”, Câu lạc bộ “Lý luận trẻ” của các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, bệnh viện... đã tạo sân chơi sôi động, bổ ích, thu hút được đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên đơn vị tham gia.

Để sức sáng tạo của tuổi trẻ vươn cao

Theo Đại tá Lê Đình Vũ, Phó cục trưởng Cục Khoa học Quân sự (Bộ Quốc phòng), thành viên Cơ quan Thường trực Hội đồng Giải thưởng TTST trong Quân đội, Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 25 tiếp tục có sự phát triển so với năm trước, với 820 công trình của 44 đơn vị tham gia (tăng 35 công trình so với lần trước), ở hầu hết các loại hình đơn vị trong toàn quân. Không chỉ tăng về số lượng và chất lượng, các công trình tham gia còn đa dạng hơn về chuyên ngành, với độ tuổi bình quân của tác giả ngày càng trẻ hóa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Giải thưởng TTST trong Quân đội hiện vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, đó là: Số đơn vị tham gia giải thưởng cấp toàn quân chưa cao (năm 2025 mới chỉ có khoảng 75% đầu mối đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng tham gia); số lượng công trình, sáng kiến tham dự chưa tương xứng với tiềm năng của các cơ quan, đơn vị, nhất là khối quân khu, quân đoàn. Các đơn vị thuộc khối tổng công ty, binh đoàn chưa có nhiều công trình, sáng kiến tham dự. Một số công trình xác định mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu chưa rõ; chưa được triển khai hoặc chậm triển khai áp dụng vào thực tiễn; một số đề tài, sáng kiến nội dung còn đơn giản, trùng lặp với các công trình đã công bố, thiếu tính mới, sáng tạo...

Ngày 22-12-2024, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ngay sau đó, ngày 29-1-2025, Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết số 3488-NQ/QUTW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Quân đội. Đây là cơ sở quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ phong trào nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của tuổi trẻ trong toàn quân nói chung, Giải thưởng TTST trong Quân đội nói riêng.

Trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao, tại các buổi làm việc với Cơ quan Thường trực Hội đồng Giải thưởng TTST trong Quân đội, Thượng tướng Lê Quang Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng đã có những phát biểu chỉ đạo, định hướng, gợi mở quan trọng. Trong đó xác định, trước hết, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quán triệt, thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị của các cấp về công tác khoa học, công nghệ; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng về vị trí, vai trò của giải thưởng đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

Các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá kết quả, giá trị từ các sản phẩm, công trình sáng tạo của tuổi trẻ Quân đội; tích cực cổ vũ, tạo điều kiện để cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia giải thưởng. Đồng thời, cần đổi mới nội dung, phương thức tổ chức giải thưởng; phát huy hiệu quả vai trò của cơ quan thường trực và hội đồng các cấp; thúc đẩy phong trào thi đua, tăng cường hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thanh niên tiếp cận và đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn công tác.

Ngoài ra, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quan tâm, đầu tư, tạo môi trường thuận lợi để tuổi trẻ Quân đội phát huy năng lực sáng tạo trong hoạt động thực tiễn. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi, hội thi, giải thưởng, phần thưởng sáng tạo, những cuộc giao lưu, gặp gỡ giữa thanh niên với các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài Quân đội để khuyến khích, gieo mầm cho thanh niên đơn vị hình thành các ý tưởng đổi mới, sáng tạo. Đồng thời, cần tăng cường giao cho thanh niên đảm nhiệm các công trình, phần việc có yếu tố khoa học kỹ thuật, tập trung vào khâu khó, việc mới, có tính sáng tạo và khả năng ứng dụng thực tiễn cao.

Giai đoạn 2020-2025, toàn quân có 3.476 công trình tham gia Giải thưởng TTST trong Quân đội, trong đó có 1.828 công trình đoạt giải. Giai đoạn 2020-2024, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen đối với 6 tập thể; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen đối với 93 tập thể; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cấp chứng nhận cho 1.686 công trình đoạt giải; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” tặng 58 công trình đoạt giải nhất; toàn quân có 945 cá nhân được thăng quân hàm, nâng lương trước thời hạn.

VĂN CHIỂN

Nguồn: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/giai-thuong-tuoi-tre-sang-tao-trong-quan-doi-moi-truong-ren-luyen-phat-huy-tri-tue-cong-hien-827691