Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giải trình, làm rõ các nội dung về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định

Việt NamViệt Nam28/04/2025


Diễn biến kỳ họp lần thứ 23 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026:

(BĐ) - Tiếp tục Chương trình kỳ họp lần thứ 23 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, sáng 28.4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi, Huỳnh Thúy Vân, sau khi nghe lãnh đạo UBND tỉnh thông qua các báo cáo, tờ trình trình kỳ họp, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, cơ quan chức năng đã phát biểu giải trình làm rõ nội dung các tờ trình trình kỳ họp.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu kết luận nội dung thảo luận tại hội trường.

Theo Tờ trình về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn trình bày, sau sắp xếp, tỉnh Bình Định còn 58 đơn vị hành chính, gồm 41 xã, 17 phường, giảm 97 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay (tỷ lệ giảm 62,58%).

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thành Hải trình bày tờ trình về bố trí vốn ngân sách tỉnh tham gia Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Về Tờ trình chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, sau sắp xếp, đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai (mới) có diện tích tự nhiên 21.576,53 km2, quy mô dân số hơn 3,58 triệu người và có 135 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 110 xã và 25 phường). Nơi đặt Trung tâm chính trị - hành chính tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) hiện nay.

Đại biểu Lê Thị Vinh Hương (Tuy Phước) góp ý về Tờ trình về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Tiếp đó, đại diện lãnh đạo các sở, ngành theo phân công của Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày các báo cáo, tờ trình: Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2025; điều chỉnh dự toán ngân sách của Ban Dân tộc tỉnh do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước năm 2025; việc bố trí vốn ngân sách tỉnh tham gia Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; phân bổ kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2025 trên địa bàn tỉnh; quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh; bổ sung danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh năm 2024; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn năm 2025 ngân sách Trung ương của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đại biểu Nguyễn Văn Hùng (Tây Sơn) đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc đặt tên cho các xã mới.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về 2 Tờ trình sắp xếp về đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Theo đó, các đại biểu cho rằng thời gian qua, toàn tỉnh đã gấp rút triển khai các nội dung liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cử tri và nhân dân.

Các đại biểu đồng tình, thống nhất cao đối với tờ trình về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định.

Đại biểu Trần Kim Vũ (Vân Canh) đề nghị khi thành lập xã, phường mới cần bố trí trụ sở ở các khu vực thuận tiện nhất cho người dân.

Đối với Tờ trình về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định, theo các đại biểu, thời gian qua các địa phương đã rất nỗ lực và chạy đua với thời gian, đặc biệt việc sắp xếp vừa đảm bảo tính khoa học trên cơ sở lắng nghe ý kiến của bà con, cử tri. Và việc thống nhất đổi lại tên tất cả xã, phường mới sau sắp xếp không đặt theo số thứ tự như phương án ban đầu thể hiện cho quan điểm đó.

Có thể nói, kết quả của Tờ trình về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định thông qua tại kỳ họp đã thể hiện trách nhiệm, tâm huyết, tâm tư, tình cảm của toàn dân, vừa hội đủ các yếu tố văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng của từng vùng đất, địa phương, con người. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng trong Tờ trình cũng cần thống nhất tên gọi là Trung tâm chính trị - hành chính hay là nơi đặt trụ sở làm việc để địa phương và nhân dân nắm bắt.

Đại biểu Lê Thanh Tùng (An Nhơn) cần thống nhất tên gọi là Trung tâm chính trị - hành chính hay là nơi đặt trụ sở làm việc để địa phương và nhân dân nắm bắt.

Trả lời ý kiến của các đại biểu băn khoăn về tên gọi có nơi thì gọi là Trung tâm chính trị - hành chính, có nơi thì gọi là nơi đặt trụ sở làm việc, Giám đốc Sở Nội Vụ Lê Minh Tuấn cho biết, theo Nghị quyết số 76 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ban hành ngày 14.4.2025 có quy định về tên gọi. Theo đó, đối với sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh thì tên gọi là Trung tâm chính trị - hành chính; còn đối với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thì tên gọi là nơi đặt trụ sở làm việc. 

Trả lời về lý do vì sao trong dự thảo nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không ghi cụ thể nơi đặt trụ sở làm việc, ông Tuấn lý giải, theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Nội vụ là trong dự thảo nghị quyết HĐND thì yêu cầu chỉ ghi sáp nhập bao nhiêu diện tích tự nhiên, quy mô dân số và tên thành lập xã, phường mới và không yêu cầu ghi nơi đặt trụ sở làm việc mới. “Việc không ghi cụ thể nơi làm việc nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương có thể điều chỉnh vị trí làm việc cho phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và thuận lợi trong giao thông, sinh hoạt của người dân”, ông Tuấn nói. 

Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Tuấn thông tin, giải trình thêm các vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết: Sau khi có các kết luận, nghị quyết của Trung ương về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, Ban Thường vụ 2 tỉnh đã có 2 buổi làm việc và xác định các nhiệm vụ đặt ra khi hai tỉnh sáp nhập lại. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai đã thảo luận, cho ý kiến về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy và phân công cán bộ, thành lập Ban Chỉ đạo hợp nhất 2 tỉnh, thành lập các tiểu ban phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai mới. Trước ngày 20.5, Đề án sẽ hoàn thành và Ban Thường vụ 2 tỉnh sẽ trình Trung ương xem xét, quyết định.

Đối với vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính xã, phường của tỉnh, đồng chí Hồ Quốc Dũng bày tỏ rằng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cân nhắc rất kỹ vấn đề này và quá trình triển khai thực hiện phải bảo đảm 3 điều kiện: Các xã phường hợp nhất lại phải gần dân, sát dân, giải quyết tốt nhất công việc cho nhân dân; tạo được sự ổn định kể cả văn hóa, lịch sử, truyền thống và hình thành được không gian phát triển mới. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ bố trí cán bộ có đầy đủ phẩm chất, năng lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ ở các xã, phường.

“Sau khi sáp nhập, sẽ có 12 xã, phường mới được tỉnh xác định là các địa phương trọng điểm, có nhiều dư địa, tạo động lực phát triển KT-XH cho tỉnh. Về tên gọi, bản thân tôi cũng rất tâm tư, nhiều lần gọi điện nói chuyện với Bí thư, Chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố và đều nhấn mạnh rằng đây là trách nhiệm với lịch sử, phải làm có tâm, có trách nhiệm. Đến nay, gần như tất cả địa danh, ký ức truyền thống văn hóa, lịch sử gắn với quá trình phát triển của tỉnh nói chung, của từng địa phương nói riêng đều đã được xuất hiện trên bản đồ địa giới hành chính”, đồng chí Hồ Quốc Dũng chia sẻ.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng cho biết, trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 tới, lãnh đạo tỉnh sẽ không nghỉ mà tổ chức các đoàn công tác đi khảo sát thực tế các khu vực dự kiến sẽ đặt trụ sở làm việc các xã, phường mới sau sáp nhập. Phương châm đặt ra là khu vực nào có vị trí thuận tiện nhất sẽ được đặt trụ sở làm việc của xã, phường ở đó, không để người dân khi cần phải “3 đèo, 4 lội” mới đến được trụ sở của xã, phường mới.

NGUYỄN HÂN - HỒNG PHÚC



Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=1&mabb=355071

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm Su-30MK2 bay vút qua bầu trời TP.HCM
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm