Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gìn giữ nét đẹp truyền thống từ các câu lạc bộ văn hóa

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk25/04/2025

Đó là thanh âm của nét đẹp văn hóa truyền thống đang được cộng đồng Tày, Nùng từ núi rừng phía Bắc đến đây lập nghiệp gìn giữ, phát huy trên quê hương mới.

Câu lạc bộ (CLB) đàn tính, hát then thôn Tam Liên (xã Ea Tam) được thành lập từ năm 2015 với 25 thành viên dân tộc Tày, Nùng, phần lớn là phụ nữ trung niên và các em học sinh. CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tuần để luyện tập, trao truyền cách lên dây đàn tính, cách mặc áo chàm đúng nếp, ngữ điệu trầm bổng của các câu then cổ.

Các bài then thường ca ngợi công ơn Đảng, Bác Hồ, tổ tiên, tình nghĩa vợ chồng, phong cảnh quê hương. Không dừng lại phạm vi tập luyện, sinh hoạt văn hóa ở thôn, CLB còn được mời biểu diễn tại các sự kiện giao lưu văn hóa cấp xã, huyện, góp phần đưa sắc màu văn hóa Tày, Nùng lan tỏa đến cộng đồng.

Chị Hoàng Thị Súng, thành viên CLB chia sẻ: “Các hộ dân trong thôn xa quê gần 30 năm rồi, nhưng tiếng đàn tính, câu then vẫn là máu thịt. Tôi vẫn dạy cho con gái hát then để cháu biết rằng mình là người Tày, mình có nguồn gốc, cội nguồn".

Đội văn nghệ buôn Wiao, thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) biểu diễn tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ III, năm 2024.

Tại các buôn làng Êđê, như: buôn Wiao (thị trấn Krông Năng), buôn M’Ngoan (xã Ea Hồ)…, tiếng cồng chiêng là “hơi thở” trong đời sống cộng đồng. Đội văn nghệ buôn Wiao A thành lập hơn 10 năm qua, có hơn 20 thành viên, được Nghệ nhân Ưu tú Y Wơn Niê truyền dạy. Các thành viên trong đội tập đánh chiêng, múa xoang, kể khan (sử thi) bằng tiếng Êđê ngay trong nhà dài, không chỉ để biểu diễn mà còn để giữ lấy "linh hồn" buôn làng.

"Thế hệ chúng tôi, mỗi đứa trẻ Êđê đều biết cầm chiêng, biết đánh chiêng. Nay nhiều nhà không còn chiêng nữa. Nếu mình không dạy, thì chỉ 10 năm nữa thôi, buôn làng sẽ thưa vắng tiếng chiếng”, Nghệ nhân Ưu tú Y Wơn đau đáu.

Nhằm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc  sinh sống trên địa bàn, Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Krông Năng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ việc thành lập, phát triển các CLB, đội văn nghệ. Đến nay, toàn huyện có 6 CLB, 18 đội văn nghệ được thành lập và được hỗ trợ kinh phí hoạt động vào khoảng 520 triệu đồng/năm (chưa kể kinh phí hỗ trợ của tỉnh); cấp 10 bộ chiêng cho các buôn, hơn 170 bộ trang phục và nhiều nhạc cụ, âm thanh, thiết bị phục vụ công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống...

Câu lạc bộ đàn tính, hát then thôn Tam Liên, xã Tam Giang (huyện Krông Năng).

Theo ông Nguyễn Văn Vỹ, Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Krông Năng, việc duy trì các CLB, đội văn nghệ hiện vẫn gặp không ít khó khăn từ kinh phí, địa điểm sinh hoạt đến đội ngũ kế cận. Thế nhưng, đáng mừng là vài năm trở lại đây, một số địa phương của huyện đã thường xuyên mời, tổ chức cho các CLB, đội văn nghệ tham gia biểu diễn ở các lễ hội, cuộc thi văn hóa, văn nghệ.

Đặc biệt, một số trường học đã tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh tìm hiểu văn hóa cồng chiêng, đàn tính, hát then... Những cách làm này giúp nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn huyện “sống lại”, trở thành "chất liệu quý" để phát triển du lịch cộng đồng, giáo dục văn hóa – lịch sử cho thế hệ trẻ...

Bên cạnh đó, các CLB, đội văn nghệ đã góp phần không nhỏ vào việc duy trì, lưu giữ, phục dựng, tổ chức các lễ hội, ngày lễ, tập tục truyền thống của các dân tộc hằng năm như: Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc ở xã Ea Tam, Lễ hội lồng tồng của người Tày, Nùng; Lễ cúng bến nước, cúng lúa mới của đồng bào Êđê…

Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202504/huyen-krong-nang-gin-giu-net-dep-truyen-thongtu-cac-cau-lac-bo-van-hoa-1ac1c37/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm