Lịch sử khai cơ mở đất, chế ngự thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi của cha ông ta trên vùng đất Quảng Ninh hàng ngàn năm qua đã để lại đến hôm nay kho di sản văn hoá vật thể và phi vật thể vô giá. Đó là cơ sở cho việc xây dựng hệ giá trị con người Quảng Ninh, là tài nguyên quý cho phát triển du lịch.
Từ thời hậu kỳ đá mới, người Việt cổ thuộc Văn hoá Hạ Long (cách ngày nay khoảng 4.500 năm đến 3.500 năm) đã sống dựa vào biển, sáng tạo ra các giá trị văn hoá biển. Họ đã khai thác các loài nhuyễn thể, các loài hải sản làm nguồn sống chính. Họ lấy đất, nhào trộn với vỏ nhuyễn thể để chế tác đồ gốm và lấy sóng biển làm ý tưởng sáng tạo hoa văn trên đồ gốm mà các nhà khảo cổ học vẫn gọi là hoa văn “sóng nước” để chỉ đặc trưng đồ gốm Văn hoá Hạ Long. Ngoài ra, họ còn lấy vỏ nhuyễn thể chế ra khuyên tai.
Đến thời Kim khí (3.500 năm - 2.000 năm cách ngày nay) kế tiếp, người Việt cổ ở Quảng Ninh khi đó cũng lấy biển làm đối tượng khai thác chính. Ngoài nhuyễn thể, họ đã biết đánh lưới, câu cá và nhiều loài hải sản khác. Nói như thế để thấy, văn hoá biển là cái gốc của người Quảng Ninh, có từ ngàn đời nay.
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều dân tộc anh em cùng cư trú, sinh sống lâu đời. Mỗi dân tộc lại có bản sắc riêng về phương thức sản xuất, tiếng nói, nhà ở, trang phục, tri thức dân gian, lễ tục… Tất cả đã góp phần tạo nên một “vườn hoa” đa sắc màu khi nói về văn hoá, con người Quảng Ninh.
Quảng Ninh cũng là một trong các tỉnh có số lượng di sản văn hoá vật thể, phi vật thể rất lớn với hơn 600 di tích, danh thắng. Trong đó, có di sản tầm thế giới như Vịnh Hạ Long (và lộ trình tới đây là Yên Tử), có các di tích cấp quốc gia đặc biệt (đền Cửa Ông, Khu di tích lưu niệm chiến thắng Bạch Đằng, khu di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần, Thương cảng cổ Vân Đồn…), di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh. Nhiều di sản văn hoá phi vật thể là đại diện của nhân loại, di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Giá trị của các di sản văn hoá hoà cùng vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Ninh đã vô hình nâng tầm giá trị của chúng - một lợi thế mà không nhiều tỉnh, thành phố khác có được.
Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp xâm chiếm, khai thác than ở Vùng mỏ Quảng Ninh dẫn đến sự hình thành, ra đời của giai cấp công nhân mỏ. Quá trình đấu tranh chống chủ mỏ Pháp áp bức, rồi làm chủ mỏ, làm chủ sản xuất sau khi ta tiếp quản cho tới hành trình hôm nay của ngành Than, công nhân mỏ ở Quảng Ninh đã sáng tạo ra các giá trị văn hoá công nhân mỏ với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”.
Văn hoá biển - văn hoá các dân tộc - văn hoá công nhân mỏ đã giao thoa, hoà quyện để tạo nên các đặc trưng văn hoá, vùng đất con người của Quảng Ninh, là nền tảng để người Quảng Ninh xây dựng các giá trị, xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, phát triển.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm, có những giải pháp hiệu quả cho việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá. Rất nhiều các di tích, lễ hội, lễ tục, tín ngưỡng, thể thao… là những nét đẹp văn hoá truyền thống của các dân tộc, các địa phương đã được phục hồi, khai thác, phát huy giá trị. Thực tế đã chứng minh, hiệu quả nhất để bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá là giữ cho chúng “động” một cách tự nhiên nhất. Một lễ hội sẽ hấp dẫn hơn nếu chủ thể là người dân tổ chức và hạn chế tối đa “sân khấu hoá”. Lễ hội đình Lục Nà (Bình Liêu), Ngày hội văn hoá - thể thao dân tộc Sán Chỉ, dân tộc Tày, dân tộc Sán Dìu, dân tộc Dao và nhiều ngày hội văn hoá - thể thao các dân tộc tại các địa phương được tổ chức đã đi vào đời sống và được xây dựng trở thành các sản phẩm du lịch ngày một nề nếp như thế.
Đại Dương
Nguồn
Bình luận (0)