Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giữ hồn quê trong xây dựng nông thôn mới

Trên hành trình đổi thay từng ngày của tỉnh Quảng Trị có sự đóng góp quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Bên cạnh thực hiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, thu nhập, môi trường..., tiêu chí văn hóa được ví như một phép thử đối với chất lượng phát triển bền vững. Không chỉ là hình thức bên ngoài, văn hóa trong xây dựng NTM chính là phản ánh chiều sâu đời sống tinh thần của người dân, là nền tảng để giữ hồn quê giữa thời hội nhập.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị23/05/2025

Giữ hồn quê trong xây dựng nông thôn mới

Các hoạt động văn hóa thường xuyên được tổ chức tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ -Ảnh:CƠ SỞ CUNG CẤP

Trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, tiêu chí số 6 và số 16 liên quan trực tiếp đến lĩnh vực văn hóa. Trên lý thuyết, đây là nhóm tiêu chí dễ thực hiện nhưng thực tế, để duy trì và nâng chất lượng các tiêu chí lại là bài toán không hề dễ dàng. Phải khẳng định rằng, qua hơn một thập kỷ thực hiện chương trình xây dựng NTM đã mang lại sức sống mới cho nhiều làng quê trong tỉnh. Rõ nét nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh ở nông thôn được đầu tư, kiện toàn, ngày càng đồng bộ hơn.

Nhiều mô hình kinh tế mới xuất hiện giúp người dân nông thôn có thêm lựa chọn về sinh kế. Đời sống người dân được cải thiện rõ nét, số hộ nghèo ngày càng giảm, hộ khá, giàu tăng đáng kể. Cùng với đó, hệ thống thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng, các công trình văn hóa từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được đầu tư xây dựng, hoàn thiện, trang thiết bị hoạt động được trang cấp, các công trình phụ kèm theo bổ sung đạt chuẩn, khang trang bằng các nguồn lực từ chương trình xây dựng NTM. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở từng bước được đầu tư hoàn thiện, hiện đại và khang trang, phục vụ nhu cầu cơ bản sinh hoạt chính trị, vui chơi, giải trí cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời tỉnh luôn quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy nét đặc sắc văn hóa của địa phương; tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong giai đoạn mở cửa hội nhập. Hướng dẫn các địa phương quy hoạch quỹ đất dành cho các thiết chế văn hóa, thể thao trên cơ sở các quy hoạch đã phê duyệt.

Thực hiện đưa các tiêu chí văn hóa, khuyến học vào nội dung của hương ước, quy ước các làng, bản. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các làn điệu dân ca được phục dựng và phát triển.

Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được đẩy mạnh. Tiếp tục có chính sách đầu tư, nâng cấp các nhà văn hóa, khu thể thao, vui chơi, giải trí phù hợp gắn với nghiên cứu đưa các nội dung bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian vào hoạt động của nhà văn hóa để thu hút người dân tham gia.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 67,6% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 85% gia đình đạt chuẩn văn hóa; 12,8% xã, phường, thị trấn đạt tiêu biểu; 37,5% phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; 78,4% xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn; 58,2% thôn, làng, bản, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn...

Đi đôi với những kết quả đạt được, nông thôn phát triển đã kéo theo sự thay đổi về không gian, cấu trúc, lối sống của nhiều làng quê bị tác động. Tại nhiều vùng nông thôn, ruộng vườn bị san lấp để sử dụng vào mục đích khác.

Các hàng rào cây xanh, nhiều lũy tre xanh là biểu tượng của tinh thần gắn kết cộng đồng dần biến mất, thay vào đó là hệ thống tường rào bê tông... Các sinh hoạt cộng đồng dần ít đi thay vào đó mọi người thường thu mình quanh ti vi, điện thoại thông minh; các tệ nạn xã hội ngày càng có xu hướng gia tăng ở một số địa phương.

Giá trị của làng quê là sự yên bình, hài hòa giữa con người và thiên nhiên, là tính gắn kết cộng đồng, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, hồn cốt dân tộc. Do vậy, gìn giữ hồn quê đóng vai trò quan trọng trong tiến trình thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Trong giai đoạn 2021-2026, tỉnh phấn đấu có 70% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 90% gia đình đạt chuẩn văn hóa; 20% xã, phường, thị trấn đạt tiêu biểu; 50% phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; có 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn; 100% làng, bản, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền, lồng ghép xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao với phương châm hướng mạnh về cơ sở...

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thực hiện quy hoạch, xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa, di sản văn hóa và các điểm du lịch nông thôn tại các địa phương trên toàn tỉnh. Thường xuyên đánh giá, khảo sát để nắm rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu được phân công nhằm đề xuất hướng tháo gỡ kịp thời, đúng tiến độ.

Muốn nâng chất lượng tiêu chí văn hóa, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành cần có những người “thắp lửa” từ cộng đồng, đó là những cán bộ văn hóa, nghệ nhân dân gian hay mỗi hội viên phụ nữ, đoàn viên, thanh niên tâm huyết. Khi đời sống tinh thần của người dân được chăm lo tốt, NTM mới thực sự mới từ vật chất đến tinh thần.

Thanh Lê

Nguồn: https://baoquangtri.vn/giu-hon-que-trong-xay-dung-nong-thon-moi-193848.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm