Cán bộ, viên chức Ban quản lý Rừng đặc dụng tuần tra bảo vệ rừng - Ảnh: L.A
Được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, Ban quản lý Rừng đặc dụng hiện được giao quản lý, bảo vệ trên 66.160 ha gồm 3 khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên 12 xã vùng đệm thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông.
Trong đó, khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa có tổng diện tích hơn 23.450 ha, khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông có diện tích gần 37.470 ha và khu bảo vệ cảnh quan đường Hồ Chí Minh với diện tích hơn 5.230 ha. Hầu hết diện tích rừng quản lý, bảo vệ là địa hình dốc, chia cắt sâu. Thêm vào đó, dân cư vùng này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, trồng trọt trên đất dốc theo hình thức luân canh và thả rông gia súc nên công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao, thời gian qua, Ban quản lý Rừng đặc dụng đã chủ động phối hợp với các lực lượng kiểm lâm, biên phòng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền về bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học đến người dân sống trong vùng đệm của các khu bảo tồn bằng nhiều hình thức. Thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm trên địa bàn, các chốt bảo vệ rừng thực hiện tuần tra, kiểm tra rừng để ngăn ngừa tình trạng xâm hại tài nguyên rừng trong lâm phần quản lý.
Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng Trương Quang Trung thông tin, mặc dù còn nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, địa bàn giao quản lý rộng nhưng cán bộ, viên chức của đơn vị đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với hạt kiểm lâm của 2 khu bảo tồn, lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức trên 365 đợt tuần tra bảo vệ rừng với hơn 1.400 lượt người tham gia; thành lập và tổ chức lực lượng trực tại 31 lán chốt ở các khu vực trọng điểm để kiểm tra, ngăn chặn người ra vào rừng trái phép. Kết quả đã phá dỡ 28 bẫy động vật rừng, phá hủy 1 lán trại dựng trái phép, đẩy đuổi 10 đối tượng vào rừng trái phép.
Phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu, Hạt Kiểm lâm A Lưới tuần tra, bảo vệ rừng vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Bình và TP. Huế. Xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra rừng theo kế hoạch.
Trong tháng 3/2025 đơn vị đã phối hợp với các hạt kiểm lâm kịp thời huy động lực lượng tham gia chữa cháy tại các tiểu khu 613, 617, 617A, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Hiện đơn vị đang phối hợp với cơ quan chức năng bảo vệ hiện trường và điều tra xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, từ các nguồn kinh phí khoán bảo vệ rừng như: Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Nghị quyết 33/2023/NQ-HĐND, chi trả dịch vụ môi trường rừng và nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung bộ (ERPA) đã giao khoán hơn 40.900 ha rừng cho các hộ dân ở các xã vùng đệm nhằm tăng thu nhập, giải quyết việc làm tại địa phương.
Hỗ trợ sinh kế cho 35 cộng đồng với các hoạt động theo nhu cầu thực tế như: mua sắm tài sản cho cộng đồng thôn; lắp đặt điện chiếu sáng thôn bản; khoan giếng nước sạch; làm đường bê tông, hỗ trợ bò giống... với tổng kinh phí khoảng 1,75 tỉ đồng. Qua đó tạo động lực thu hút người dân tích cực tham gia vào các hoạt động lâm nghiệp, góp phần bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; phát triển, nâng cao diện tích và chất lượng rừng.
Đối với công tác phát triển rừng, trong năm 2024 đơn vị đã trồng mới được 68,84 ha rừng đặc dụng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 32 ha và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung 36,6 ha rừng tự nhiên. Trồng và chăm sóc rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích gần 442 ha.
Phối hợp với Ban quản lý dự án VFBC, tổ chức WWF lắp đặt 229 máy bẫy ảnh để giám sát động vật rừng tại các khu bảo tồn; phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga điều tra thực địa đề tài nghiên cứu đa dạng phân loại và sinh thái hệ rừng nấm nhiệt đới Việt Nam. Phối hợp với dự án USAID thực hiện khảo sát sao la bằng cách lắp đặt 105 máy bẫy ảnh và thu các mẫu nước, mẫu vắt tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa để phân tích eDNA, tìm kiếm dấu hiệu của sao la.
Phối hợp với các tổ chức như Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (CEGORN) thực hiện đề tài điều tra đánh giá tình trạng, phân bố và nâng cao năng lực giám sát loài chà vá chân nâu; Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ thực hiện đề tài nghiên cứu khai thác và phát triển cây gụ lau; Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển thực hiện đánh giá tiền khả thi thí điểm trồng rừng tạo tín chỉ carbon.
Theo ông Trung, hiện nay đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô, cùng với tổ chức thực hiện tốt các chính sách phát triển lâm nghiệp, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, Ban quản lý Rừng đặc dụng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Duy trì chốt chặn tại các vị trí trọng yếu, nhạy cảm về khai thác gỗ, phòng cháy, chữa cháy rừng và xâm lấn rừng; bố trí thêm các chốt bảo vệ rừng vào sâu hơn trong các tiểu khu để nắm tình hình, tuần tra, truy quét các đối tượng vi phạm. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra tình hình trên các tiểu khu, đặc biệt tại các địa bàn thường xảy ra tình trạng xâm lấn rừng, phá rừng, khai thác lâm sản, bẫy bắt động vật rừng trái phép, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, sẵn sàng các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Triển khai thực hiện phương án xử lý tình trạng chồng lấn, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trong ranh giới của đơn vị; quản lý chặt chẽ diện tích rừng bị xâm canh, xâm lấn, chồng lấn không để tiếp tục bị lấn chiếm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Tiếp tục trồng, chăm sóc, bảo vệ những diện tích rừng trồng đã được đầu tư. Hoàn thiện đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.
Lê An
Nguồn: https://baoquangtri.vn/tang-cuong-quan-ly-bao-ve-rung-dac-dung-193846.htm
Bình luận (0)