
Làng nghề mộc Phù Yên có lịch sử hình thành hàng trăm năm, nổi tiếng với các sản phẩm đồ gỗ gia dụng, bàn ghế, tủ thờ, đồ thờ cúng tinh xảo, mang đậm dấu ấn nghề truyền thống xứ Đoài. Trải qua bao biến động lịch sử, nơi đây vẫn được gìn giữ, truyền từ đời này sang đời khác như một dòng chảy văn hóa không ngừng nghỉ.
Theo ông Trần Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Nghĩa, hiện nay toàn thôn có gần 400 hộ dân làm nghề mộc, với khoảng hơn 100 xưởng quy mô vừa và nhỏ, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Điều đáng mừng là trong số đó có hàng chục chủ xưởng là người trẻ, từ 25 đến 35 tuổi, đang kế thừa nghề truyền thống theo hướng sáng tạo, chuyên nghiệp.
Một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ trẻ làm nghề dựng nhà gỗ cổ là anh Nguyễn Hữu Hiệu (sinh năm 1993), chủ xưởng mộc Nguyễn Hiệu.
Từ một xưởng mộc nhỏ, anh đầu tư máy móc hiện đại, sử dụng phần mềm thiết kế 3D, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Sau 4 năm, xưởng mộc của anh phát triển với 7 thợ chính, 10 công nhân thời vụ, đạt doanh thu trung bình từ 7 đến 10 tỷ đồng mỗi năm.

Không chỉ có anh Hiệu, nhiều bạn trẻ như anh Nguyễn Chí Đạt (sinh năm 1993), chủ xưởng mộc Chí Đạt, anh Nguyễn Quang Vũ (sinh năm 1990), chủ xưởng mộc Quang Vũ chuyên dựng nhà gỗ cổ, nội thất cao cấp phục vụ người dân khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
“Làm nghề mộc bây giờ không chỉ là gò lưng đục đẽo. Người trẻ như chúng tôi phải biết cập nhật xu hướng, thẩm mỹ, sử dụng công nghệ và kỹ năng marketing để cạnh tranh” anh Đạt chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Chí Tài, Chủ tịch Hội làng nghề thôn Phù Yên, thế hệ trẻ chính là điểm sáng của làng nghề trong 5-7 năm trở lại đây.
“Tôi rất vui khi thấy nhiều người trẻ quay về làm nghề, họ đưa công nghệ vào sản xuất, quảng bá sản phẩm qua mạng, dùng thiết kế 3D để khách hàng hình dung trước mẫu mã. Chính họ đang giúp nghề mộc Phù Yên đứng vững trong giai đoạn mới”, ông Tài nhận xét.
Tuy nhiên, ông Tài cũng chỉ ra một số bất cập mà làng nghề hiện nay đang gặp phải, nhất là không gian sản xuất còn manh mún, chật hẹp.
“Các xưởng mộc thường nằm xen kẽ trong khu dân cư, máy móc hoạt động ngày đêm gây bụi, tiếng ồn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Chúng tôi rất mong chính quyền sớm quy hoạch được cụm làng nghề tập trung, có hạ tầng đồng bộ, sạch sẽ và thân thiện với môi trường”, ông Tài kiến nghị.

Về phía địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trần Văn Sơn cho biết, xã Phú Nghĩa sẽ đề xuất thành phố quy hoạch cụm làng nghề tập trung để hỗ trợ các hộ sản xuất phát triển ổn định, bền vững, đồng thời, xã sẽ phối hợp với Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp của người trẻ qua các lớp tập huấn, kết nối thị trường và định hướng chuyển đổi số.
Làm nghề truyền thống trong bối cảnh hiện đại, người trẻ như anh Đạt, anh Hiệu không khỏi trăn trở. “Giữ cái hồn của nghề là điều tiên quyết, từ kết cấu nhà gỗ, hoa văn đến chất liệu. Nhưng nếu không đổi mới về cách làm, rất dễ bị tụt lại phía sau. Tôi chọn giữ truyền thống trong nghề, nhưng đổi mới trong cách tiếp cận và quản lý”, anh Đạt lý giải.
Hiện nay, anh Đạt sử dụng phần mềm thiết kế 3D để khách hàng dễ hình dung sản phẩm, từ đó giảm thời gian chỉnh sửa, tăng độ chính xác. Việc quản lý đơn hàng, vật tư, tiến độ sản xuất được theo dõi bằng Google Sheet hoặc phần mềm đơn giản. Xưởng cũng đầu tư quay video quá trình sản xuất, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng như Facebook, TikTok, YouTube… giúp khách hàng yên tâm và tin tưởng hơn.
Khi được hỏi về định hướng sắp tới, những ông chủ trẻ ở Phù Yên đã có kế hoạch bài bản.
“Tôi muốn đầu tư thêm máy móc để hỗ trợ phần thô, từ đó tập trung nâng cao chất lượng chạm khắc, là linh hồn của sản phẩm. Tôi cũng đang xây dựng thương hiệu một cách chuyên nghiệp, từ logo, thương hiệu đến nội dung truyền thông”, anh Vũ cho biết.

Gắn bó với nghề truyền thống của quê hương, anh Vũ chia sẻ kỳ vọng: “Tôi mong chính quyền hỗ trợ cụ thể hơn, từ quy hoạch mặt bằng đến chính sách vốn, kết nối thị trường và chuyển đổi số. Chúng tôi cần được tiếp thêm động lực để gắn bó lâu dài với nghề”.
Anh cũng mong cộng đồng có cái nhìn cởi mở và trân trọng hơn với nghề truyền thống. “Nhiều người nghĩ nghề mộc là cũ kỹ, nặng nhọc, nhưng thực ra nếu làm bài bản, sáng tạo, nghề vẫn sống tốt. Khi xã hội trân trọng người làm nghề, chúng tôi có thêm lý do để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.
Có thể nói, chính sự kết hợp giữa tinh hoa của nghề cổ và tinh thần đổi mới của lớp trẻ đang mở ra một tương lai sáng sủa cho làng nghề mộc Phù Yên. Những người trẻ ở đây đã đưa nghề mộc truyền thống vươn lên mạnh mẽ trong dòng chảy thời đại để kiến tạo giá trị bền vững cho quê hương.
Nguồn: https://baolaocai.vn/giu-lua-nghe-moc-phu-yen-post649371.html
Bình luận (0)