(kontumtv.vn) – Sau 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, đến nay, đa số bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đời sống hàng ngày và tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Được các cấp ngành tuyên truyền và thực hiện Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ông A Jokh ở thôn 10 xã Đăk Tờ Re đã gương mẫu đi đầu trong việc chuyển đổi 01ha trồng mỳ bạc màu sang trồng cây ăn trái. Bên cạnh đó, gia đình còn có 6 ha cao su đang kinh doanh. Riêng năm 2024, 6 ha cao su mang về nguồn thu trên 300 triệu đồng cho gia đình. Ông A Jokh nói: Gia đình tôi trước rất khó khăn, được vay vốn ngân hành chính sách để trồng các loại cây có giá trị kinh tế như cao su. Vài năm về trước gia đình được tuyên truyền thay đổi nếp nghĩ cách làm, gia đình chuyển diện tích trồng mỳ đã bạc mùa sang trồng cây ăn trái, gia đình có thu nhập ổn định.”

Để giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, huyện Kon Rẫy đã xây dựng mô hình “Nhà vườn kiểu mẫu” cho gia đình ông A Minh tại thôn 4, xã Đăk Tơ Lung. Thông qua mô hình, gia đình dần thay đổi cách thức trong lao động, sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo nguồn thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống. Ông A Minh cho hay: “Nhờ nguồn hỗ trợ của UBND huyện, gia đình tôi cải tạo lại vườn, xây dựng mô hình xanh – sạch  –  đẹp tại nhà. Giờ đây gia đình tôi đã cải tạo trong vườn mẫu xaung quanh nhà có tường rào cổng ngõ, trồng các loại cây có thu nhập ổn định.”

Sau 4 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, huyện Kon Rẫy xây dựng hơn 130 mô hình, trong đó, 99 mô hình hiệu quả tiếp tục được duy trì, mở rộng, nhân rộng; tổng kinh phí thực hiện các mô hình hơn 6 tỷ đồng. Gắn Cuộc vận động với thực hiện Chỉ thị số 13 của Tỉnh ủy về “tăng cường lãnh đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh”, trên địa bàn huyện xóa được 7 hủ tục, 8 phong tục không còn phù hợp; không xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống và không phát sinh các hủ tục, phong tục không còn phù hợp khác. Bà Đinh Thị Mỹ Hảo – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kon Rẫy, cho biết: “Bà con đã thay đổi nhận thức, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước; xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp; xây dựng nếp sống văn minh. Nhiều hộ đã biết tổ chức lao động, sản xuất hợp lý, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; biết chi tiêu hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ hợp pháp của Nhà nước, xã hội để đầu tư phát triển kinh tế.”

Đến nay, huyện Kon Rẫy đã giúp cho hơn 1.800 hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo; gần 1.240 hộ dân tộc thiểu số thoát cận nghèo; hơn 1.100 hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần hủ tục; trên 900 hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Đến cuối năm 2024, huyện có 15 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt trên 41 triệu đồng/.

CTV Lâm Hiền – Hữu Huy