Để đạt mục tiêu thông tuyến 2 dự án này trong năm nay, sớm hơn so với kế hoạch ban đầu 12 tháng, Ban Điều hành 2 dự án đã xác định các điểm xung yếu trên tuyến, triển khai tổng cộng 234 mũi thi công, với 3.750 nhân sự và hơn 1.800 thiết bị,... tận dụng “thời cơ vàng” để đẩy nhanh tiến độ, linh hoạt điều chỉnh nhân sự, thiết bị và vật tư, không để gián đoạn thi công.
Gỡ vướng mặt bằng, vật liệu
Ông Vũ Xuân Huy, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu EC03 (Công ty 559), dẫn chúng tôi đi khảo sát thực tế công trường thi công tại lý trình Km39+500, dự án Hữu Nghị-Chi Lăng thuộc thôn Háng Cút, xã Bắc Thủy, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) cho biết, tại vị trí này, đơn vị phải tiến hành xẻ núi ở độ cao khoảng 70m so với mặt đường, giật cấp “8 mái, 9 cơ” từ trên đỉnh núi xuống để chống sạt trượt, đồng thời đào đắp khối lượng đất rất lớn. Tại công địa gói thầu, hiện vẫn còn vướng vài vị trí hạ tầng kỹ thuật đường điện 35kV và một số hộ dân chưa đồng thuận di dời.
Đơn cử, việc thi công 4 trụ cầu cạn tại Km41+450 lâu nay bị ngưng trệ do ách tắc giải phóng mặt bằng của hộ anh Trịnh Văn Hùng, ở xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng. Mặc dù chính quyền địa phương vận động nhiều lần, song phải đến tận cuối giờ chiều 15/4 vừa qua, sau cuộc họp cuối cùng giữa nhiều bên liên quan trước khi địa phương ra quyết định cưỡng chế, gia đình anh Hùng mới đồng thuận bàn giao mặt bằng.
"Gia đình anh Hùng đã nhận tiền đền bù ngày 18/4 và địa phương đã bàn giao phần mặt bằng này cho nhà thầu. Ngay trong ngày hôm nay (19/4), chúng tôi đã huy động phương tiện máy móc, nhân lực vào dọn dẹp để lấy công địa triển khai thi công ngay. Chỉ khi nút thắt này được tháo gỡ, mới có cơ sở giúp dự án thông xe vào cuối năm nay", ông Huy thở phào nhẹ nhõm.
![]() |
Các nhà thầu tổ chức 78 mũi thi công tại dự án đường cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng; huy động 1.955 kỹ sư, nhân công, 727 thiết bị trên toàn công trường, hiện sản lượng dự án đạt hơn 800 tỷ đồng (hơn 12,3%). |
Cho đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã bàn giao hơn 485ha mặt bằng của dự án (tương đương 87%) nhưng ở dạng "xôi đỗ", không liền tuyến khiến nhà thầu không thể tiếp cận thi công toàn bộ công địa. Ông Trần Văn Chuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng cho biết, các nhà thầu đang tập trung huy động toàn lực về con người và thiết bị, thực hiện đúng tinh thần “mặt bằng giao tới đâu, thi công ngay tới đó”.
Các đơn vị đang tổ chức 78 mũi thi công (gồm đào đắp nền đường, cầu và cống thoát nước); huy động 1.955 kỹ sư, nhân công, 727 thiết bị thi công ngày đêm trên toàn công trường, hiện sản lượng dự án đã đạt hơn 800 tỷ đồng (hơn 12,3%).
Theo tính toán, dự án này cần 2,6 triệu m3 đá, 13,8 triệu m3 đất đắp và đổ thải 8,4 triệu m3. Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã chấp thuận 43 bãi thải với trữ lượng 4,4 triệu m3, doanh nghiệp dự án cùng tư vấn, nhà thầu đang khảo sát, đề xuất bổ sung thêm bãi thải. Đối với các bãi thải đã được chấp thuận cho dự án, doanh nghiệp dự án đề nghị địa phương ưu tiên giải phóng mặt bằng các bãi thải cấp bách, hoàn thành và bàn giao trong quý I/2025.
Các nhà thầu trên công trường cũng phản ánh tình trạng đẩy giá, thao túng nguồn vật liệu tại tỉnh Lạng Sơn. Đơn cử, giá vật liệu được niêm yết thấp hơn nhiều so với giá thị trường, khiến nhà cung cấp phải "bù giá" vào cước vận chuyển, có đơn mua vật liệu khiến nhà thầu bị lỗ hàng trăm triệu đồng.
Doanh nghiệp dự án đã kiến nghị chính quyền và công an tỉnh Lạng Sơn rà soát, xác định rõ nguồn vật liệu, ưu tiên trữ lượng và công suất khai thác của các mỏ phục vụ dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đề xuất Sở Tài chính điều chỉnh thông báo giá niêm yết sát với giá thị trường, thường xuyên cập nhật giá, tạo cơ sở chính xác để nghiệm thu, thanh quyết toán.
![]() |
Hầm Đông Khê trên tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh đang gấp rút thi công. |
Tại dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh, doanh nghiệp dự án đã yêu cầu các nhà thầu tăng cường cả máy móc, thiết bị lẫn nhân sự, đồng thời, phối hợp Ban Điều hành Tổng thầu phát động 200 ngày đêm thi đua sản xuất, tiến tới mục tiêu thông tuyến trước ngày 31/12/2025.
Đến nay, các đơn vị đã huy động thêm khoảng 300 cán bộ, công nhân và 120 thiết bị, nâng tổng số hơn 2.000 nhân sự cùng 985 máy móc, thiết bị. Nhằm tăng “sức đề kháng” trong bối cảnh chạy đua với thời gian, doanh nghiệp dự án đã tạm ứng thêm 10% kinh phí cho nhà thầu để yêu cầu bổ sung máy móc và nhân công. Nhiều nhà thầu dù đủ năng lực vẫn chủ động thuê thêm thiết bị, chủ động dự phòng khi máy móc gặp sự cố.
Gia tăng áp lực
Dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh dài 121km, được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn, tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng. Ngày 1/1/2024, dự án khởi công giai đoạn 1, chiều dài hơn 93km, xuyên qua địa hình phức tạp, trên tuyến gồm 60 cầu cạn và 2 hầm xuyên núi, mức đầu tư 14.331 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 9.800 tỷ đồng (69,43%).
Giai đoạn 2 của dự án sẽ tiếp tục đầu tư thêm 28km nữa và mở rộng quy mô nền đường toàn tuyến lên 17m, mức đầu tư khoảng 9.161 tỷ đồng, trong đó 6.350 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và 2.811 tỷ đồng huy động của nhà đầu tư. Sau khi hoàn thành, thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội sẽ giảm xuống một nửa, còn khoảng 3,5 giờ. Tỉnh Cao Bằng đang phấn đấu hoàn thành chuẩn bị đầu tư trong năm nay, khởi công giai đoạn 2 đồng thời với thông tuyến giai đoạn 1 và bắt đầu thực hiện từ năm 2026.
![]() |
Đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh có khối lượng thi công rất lớn, riêng 1 gói thầu EC02 đã gồm 27 công trình cầu, khối lượng đào 17 triệu m3 đất, khối lượng đắp 10 triệu m3. |
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh cho biết, dự án này có khối lượng thi công rất lớn, đơn cử, gói thầu EC02 gồm 27 công trình cầu, khối lượng đào 17 triệu m3 đất, khối lượng đắp 10 triệu m3, tương đương khối lượng của cả dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang, trong khi thời gian thực hiện quá gấp gáp, áp lực lớn nhất là thiếu công nhân lái xe, lái máy.
Qua kiểm tra thực địa, các nhà đầu tư đã phát hiện có tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, tranh chấp nhân công giữa các nhà thầu khi tăng ca, tăng kíp thi công. Tập đoàn Đèo Cả đã báo cáo Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh và Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 1 huy động cả giáo viên lẫn học viên lái máy cơ giới tăng cường nhân sự, tăng ca cho các nhà thầu đang thi công tại hai dự án.
Kể từ khi đề xuất dự án, các nhà đầu tư, nhà thầu đều nhận diện được khó khăn, vướng mắc của dự án. Tại vị trí cầu Km79+250 bắc qua sông Bằng có địa hình hiểm trở nhất, với đường tiếp cận độc đạo, nhiều vực sâu, gấp khúc, hết sức khó khăn trong việc vận chuyển vật liệu, thiết bị thi công. Xác định đây là hạng mục thuộc “đường găng” tiến độ của dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã trực tiếp đảm nhận thi công, tổ chức mở tuyến đường công vụ dài hơn 6km mỗi bên để tiếp cận hạng mục công trình, triển khai 2 mũi thi công ở cả 2 phía, phấn đấu hoàn thành trụ P2 và P3 (nằm dưới lòng sông) trước mùa mưa lũ.
![]() |
Vị trí thi công cầu Km79+250 bắc qua sông Bằng có địa hình hiểm trở, đường tiếp cận độc đạo, nhiều vực sâu, gấp khúc, hết sức khó khăn trong việc vận chuyển vật liệu, thiết bị. |
Giải pháp hoàn thành cầu tạm trước ngày 15/5 để vận chuyển, điều phối tận dụng khoảng 700.000m3 đất đào cho các đoạn cuối tuyến đã được đưa ra, giúp tăng tốc thi công. Tương tự, cụm cầu cạn vượt địa hình từ Km68 đến Km73 có trụ cao hơn 50m, mặt bằng chật hẹp, địa hình dốc dựng đứng hiểm trở, đường tiếp cận đến các vị trí thi công mố trụ rất khó khăn.
Nhà thầu đã chủ động bổ sung đường công vụ xương cá, mở thêm nhiều mũi thi công, huy động máy móc thiết bị đặc chủng có công suất lớn để tiếp cận hiện trường. Đây là hai hạng mục thuộc “đường găng” tiến độ toàn dự án, đang được các nhà đầu tư cùng nhà thầu tập trung triển khai đồng thời nhiều mũi thi công để bảo đảm tiến độ thông tuyến trước ngày 31/12 tới.
Cả hai dự án này đều mang ý nghĩa chính trị quan trọng, không chỉ góp phần hoàn thành mục tiêu 3.000km đường cao tốc đến năm 2025 của Chính phủ, mà còn hình thành hành lang giao thông chiến lược, kết nối khu vực Đông Bắc, phục vụ lưu thông hàng hóa qua biên giới Việt-Trung, thúc đẩy kinh tế biên mậu phát triển. Việc phấn đấu hoàn thành dự án vào cuối năm nay còn thay lời tri ân đến người dân hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đã nhường đất, chấp nhận tạm cư để dự án được thi công thuận lợi, góp phần chia sẻ gánh nặng chi phí cho chính các doanh nghiệp tham gia dự án.
Nguồn: https://nhandan.vn/go-nut-that-dua-2-du-an-dong-dang-tra-linh-va-huu-nghi-chi-lang-ve-dich-cuoi-nam-nay-post873702.html
Bình luận (0)