Theo đó, nhận được Tờ trình số 1713/TTr-UBND UBND tỉnh Hà Nam về việc đề nghị thẩm định, phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, sau khi nghiên cứu các hồ sơ liên quan, lấy ý kiến góp ý của các thành viên và kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch, Bộ VHTTDL đề nghị UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo Chủ đầu tư và các cơ quan chức năng liên quan chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ Quy hoạch.
Chùa Đọi Sơn (chùa Long Đọi Sơn)
Trong đó, về quan điểm, mục tiêu và định hướng Quy hoạch vần bám sát nội dung Quyết định số 55/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch. Ý tưởng chung là cần giữ được giá trị cốt lõi của di tích (về không gian cảnh quan, môi trường sinh thái xung quanh; các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, hiện vật khảo cổ, lễ hội gắn với di tích; vai trò, mối liên hệ của chùa Đọi Sơn (chùa Long Đọi Sơn) với các di tích, công trình, địa điểm du lịch khác của tỉnh Hà Nam và vùng lần cận để kết nối, phát triển du lịch...).
Theo đó cần xác định quan điểm và tầm quan trọng của Quy hoạch đối với việc bảo tồn di tích, hạn chế thêm mới các công trình, triển khai các nhóm dự án thành phần, trong đó, ưu tiên hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thành phần và bổ sung định hướng tiếp tục nghiên cứu, thăm dò, khai quật khảo cổ phục vụ việc bổ sung hồ sơ di tích, củng cố cơ sở khoa học cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Tại khu vực bảo vệ I giữ nguyên trạng, nếu xây dựng phải có cơ sở khoa học; khu vực bảo vệ II xây dựng các công trình phát huy giá trị di tích; các công trình chính giữ nguyên, công trình phụ hài hòa với công trình chính.
Đối với các nhóm dự án thành phần, bên cạnh việc ưu tiên nhóm dự án bảo tồn, tu bổ di tích, tôn tạo cảnh quan... cần bổ sung dự án thăm dò, khai quật khảo cổ cũng như chú trọng nhóm dự án chỉnh trang kiến trúc đối với khu dân cư theo Quy chế quản lý hoạt động xây dựng (về mật độ, chiều cao, hình thức kiến trúc, sử dụng chi tiết và màu sắc...) ban hành kèm theo Quy hoạch.
Bộ VHTTDL đề nghị hạn chế tối đa việc di dời, giải phóng mặt bằng khu dân cư hiện hữu. Bổ sung, định hướng số hóa di tích để góp phần bảo quản và phát huy giá trị di tích; đồng thời, cần nêu rõ giải pháp khoanh vùng bảo vệ, phát huy giá trị di tích gắn với ổn định đời sống của các hộ dân xung quanh di tích; xử lý đất di tích chồng lấn với đất quốc phòng, thống kê đầy đủ, xác định rõ nguồn gốc của từng loại đất...; bổ sung thứ tự ưu tiên, lộ trình thực hiện, xác định rõ và chuẩn hóa thông tin về nguồn vốn thực hiện các nhóm dự án thành phần; xem xét sự tác động của việc lắp đặt thang máy, cầu kính tại khu vực bảo vệ II của di tích; xem xét không xây dựng Bảo tàng Phật giáo, tượng di lặc; tính toán việc xây dựng tháp Sùng Thiện Diên Linh ở vị trí khác mà không gắn với núi và chùa Đọi Sơn; đường đi cần bám sát địa hình, không tạo trục để thẳng, tránh san gạt; các công trình khai thác của doanh nghiệp cần đẩy ra xa di tích.
Về một số nội dung khác Quy hoạch, đề nghị UBND tỉnh cần quan tâm đánh giá kỹ lưỡng hiện trạng để lựa chọn giải pháp tôn tạo cây xanh, thảm cỏ trong khu vực Quy hoạch; cần đề xuất khu vực dự kiến thăm dò, khai quật khảo cổ để có cơ sở đề xuất vị trí, quy mô xây dựng các công trình phục vụ phát huy giá trị di tích.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/gop-y-ho-so-quy-hoach-bao-quan-tu-bo-phuc-hoi-di-tich-quoc-gia-dac-biet-chua-doi-son-2025051310231064.htm
Bình luận (0)