Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hà Nội duy trì thông suốt việc chi trả chế độ người có công

Không chỉ duy trì thông suốt trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, Hà Nội còn triển khai tốt những chính sách đặc thù, cùng nhiều hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Hà Nội MớiHà Nội Mới10/07/2025

Chiều 10-7, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề và giao ban triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác báo chí thành phố tháng 7-2025.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Nguyễn Huy Cường chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Nhà báo thành phố, đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Hơn 218 tỷ đồng tặng quà người có công

Trong phần thông tin chuyên đề, hội nghị đã nghe Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Minh Hoàng báo cáo nhanh về Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo đối với người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9 (1945-2025).

W_img_9663.jpeg
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Minh Hoàng báo cáo thông tin chuyên đề tại hội nghị. Ảnh: Hiền Lương

Theo đó, nhằm triển khai chi trả chế độ chính sách người có công không bị gián đoạn, Sở Nội vụ đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã (cũ) thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho 76.462 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, với kinh phí chi trả 6 tháng đầu năm là 1.658 tỷ đồng. Trong đó, thành phố đã thực hiện tạm ứng kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi tháng 6 và tháng 7-2025 cho người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng để đảm bảo việc chi trả được ổn định, không bị gián đoạn khi các đơn vị hành chính mới chính thức hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Đồng thời, đến nay, các địa phương đã cơ bản triển khai xong việc thực hiện chi trả quà của Chủ tịch nước và quà của thành phố Hà Nội đến các đối tượng chính sách theo quy định. Ngoài quà của thành phố, các xã, phường; các cơ quan, đoàn thể đã có quà tặng đến đối tượng người có công của địa phương, cơ quan đơn vị quản lý.

Cụ thể, các sở, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp đã tổ chức nhiều phong trào thiết thực, nổi bật là việc vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” đạt 21,87 tỷ đồng, trao tặng 1.102 sổ tiết kiệm tình nghĩa (mỗi sổ từ 3 triệu đồng trở lên), hỗ trợ tu sửa 28 công trình ghi công liệt sĩ và cải thiện nhà ở cho 149 hộ gia đình chính sách. Thành phố cũng nỗ lực đảm bảo 100% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình nơi cư trú; các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được chăm sóc chu đáo cả về vật chất và tinh thần.

W_img_9685.jpeg
Nhà báo Vũ Quang Đán, Trưởng Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội trao đổi ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Hiền Lương

Bên cạnh đó, thành phố đã dành hơn 177 tỷ đồng tặng 114.193 suất quà cho người có công, chưa kể quà tặng từ Chủ tịch nước và các địa phương khác, nâng tổng số quà tặng lên 240.428 suất, với tổng kinh phí trên 218,5 tỷ đồng. Các mức quà dao động từ 1 đến 2 triệu đồng/người; các tập thể tiêu biểu như trung tâm điều dưỡng, hội nạn nhân chất độc da cam… cũng được tặng quà từ 11 đến 16 triệu đồng/đơn vị.

Ngoài ra, Sở Nội vụ đã chủ trì tổ chức các đoàn đại biểu thành phố đi viếng nghĩa trang liệt sĩ tại nhiều địa phương trên cả nước như Điện Biên, Nghệ An, Tây Ninh, Quảng Trị… và phối hợp tổ chức cuộc gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tại Hà Nội.

Lan tỏa sâu rộng đạo lý uống nước nhớ nguồn

Kết luận về nội dung này, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Huy Cường đã lưu ý một số nội dung trọng tâm đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền một cách sâu rộng, toàn diện và có chiều sâu trong thời gian tới.

Trong đó, cần nhấn mạnh ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc của các hoạt động tri ân người có công, làm nổi bật truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc và của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô; phản ánh kịp thời, sinh động các hoạt động chăm lo thiết thực, cụ thể của thành phố đối với người có công với cách mạng.

W_img_9660.jpeg
Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Huy Cường phát biểu kết luận phần thông tin chuyên đề. Ảnh: Hiền Lương

Đặc biệt là việc ban hành và triển khai Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐND của HĐND thành phố quy định chính sách hỗ trợ đặc thù, nâng mức trợ cấp thêm 1,5 triệu đồng/người/tháng cho trên 76.000 người có công, bắt đầu từ ngày 1-7-2025. Đây là minh chứng rõ nét cho quyết tâm của thành phố trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công.

Cũng theo đề nghị của Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội, báo chí Hà Nội, các cơ quan báo chí của Trung ương đóng tại Hà Nội cần quan tâm tuyên truyền sâu về kết quả vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, cùng hàng loạt hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc của thành phố; tuyên truyền những tấm gương người có công tiêu biểu đã vượt khó vươn lên, đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô; tuyên truyền, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt, những hành động đẹp, nghĩa cử cao quý trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, như: Hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, trao sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Đồng chí Nguyễn Huy Cường cũng lưu ý gắn với các hoạt động tuyên truyền trên, các cơ quan báo chí cần đổi mới hơn nữa. Công tác tuyên truyền cần thực hiện một cách toàn diện, linh hoạt, vừa bảo đảm tính chính xác, kịp thời, vừa sâu sắc, giàu tính nhân văn; tránh cách làm hành chính hóa, khô cứng; thay vào đó, cần kết hợp giữa việc thông tin chính sách với phản ánh không khí tri ân, tình cảm nhân dân, lan tỏa tinh thần đoàn kết, đạo lý uống nước nhớ nguồn trong toàn xã hội.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/ha-noi-duy-tri-thong-suot-viec-chi-tra-che-do-nguoi-co-cong-708684.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm