Sáng 17.4, tiếp tục Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng.
Đột phá, sáng tạo, bao quát, toàn diện
Theo Báo cáo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày, việc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội nhằm khơi thông các điểm nghẽn, tạo đột phá, có sức lan toả lớn trong vùng đồng bằng sông Hồng và đóng góp lớn hơn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước là cần thiết và phù hợp với mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kết luận số 96-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự thảo Nghị quyết quy định 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể, bao gồm: Quản lý đầu tư; Quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; Quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP. Hải Phòng quản lý; Thành lập và các cơ chế, chính sách trong khu Thương mại tự do thế hệ mới tại TP. Hải Phòng.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày và cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành việc ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và nhận thấy hồ sơ cơ bản đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn.

Tuy nhiên Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị, cùng với việc thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng về thay đổi địa giới hành chính, Tờ trình cần đánh giá tổng thể, từ đó mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết này cho địa bàn mới được sáp nhập; xây dựng chính sách đột phá, sáng tạo, bao quát, toàn diện.
Đối với phần địa bàn mở rộng sau sáp nhập, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị có chính sách đặc thù phù hợp để phát huy lợi thế, đặc điểm riêng biệt về vị trí địa lý, kinh tế, văn hóa. Mặc dù dự thảo Nghị quyết đã có điều khoản mở cho trường hợp sáp nhập, song mới chỉ là nguyên tắc chung. Các chính sách tại dự thảo Nghị quyết cơ bản mới chỉ được xây dựng trên cơ sở triển khai Nghị quyết số 45-NQ/TW và Kết luận số 96-KL/TW; các đánh giá tác động, mục tiêu đặt ra hiện chỉ trên cơ sở địa giới hiện có, dân số hiện hữu, tiềm năng của riêng TP. Hải Phòng trước sáp nhập.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự thảo Nghị quyết được xem xét trong bối cảnh sắp xếp lại địa giới hành chính các địa phương, do vậy Chính phủ cần có văn bản gửi Bộ Chính trị xin ý kiến về áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hải Phòng sau khi triển khai sáp nhập, mở rộng diện tích, tạo thuận lợi cho quá trình Quốc hội xem xét, thông qua và tổ chức thực hiện.
Tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Dự thảo Nghị quyết cũng mở rộng phạm vi phân cấp, phân quyền theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và tinh thần được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nhiều lần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; Trung ương, Quốc hội, Chính phủ kiến tạo và giám sát. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa, nhất là trước đó dự thảo Nghị quyết được xây dựng trong bối cảnh chưa có chỉ đạo sáp nhập đơn vị hành chính và chỉ đạo phân cấp, phân quyền.
Về cơ chế tài chính, Chủ tịch Quốc hội thống nhất phải ưu đãi hơn mức quy định hiện hành. Cụ thể, theo Nghị quyết số 35/2021/QH15, TP. Hải Phòng được giữ không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn để đầu tư hạ tầng. Dự thảo Nghị quyết đề xuất nâng lên mức 80 - 85%. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mức đề xuất này là hợp lý, đồng thời cũng đánh giá cao việc dự thảo Nghị quyết cho phép thí điểm phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu hạ tầng với lãi suất ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân; thống nhất việc thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, TP. Hải Phòng đi đầu trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; tiếp tục thể chế hóa, đưa Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, các luật về khoa học, công nghệ vào phát triển TP. Hải Phòng.
Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, dự thảo Nghị quyết cần nhấn mạnh việc tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính sẽ quyết định cho sự phát triển TP. Hải Phòng trong thời gian tới; chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, quy định đánh giá tác động môi trường chặt chẽ hơn cho các dự án lấn biển, khu công nghiệp, đô thị hóa; thí điểm các dự án kinh tế xanh như nuôi trồng thủy sản bền vững, du lịch sinh thái, sử dụng năng lượng tái tạo trong các khu công nghiệp.
"Việc xây dựng Nghị quyết này (Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng - PV) nếu chỉ dựa vào Nghị quyết số 45-NQ/TW và Kết luận số 96-KL/TW thì chưa mới bằng Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11. Do vậy cần phải tiếp tục cập nhật các quyết sách của Bộ Chính trị”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, dự thảo Nghị quyết đã có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín tới.
Đánh giá cao dự thảo Nghị quyết đã có chính sách tiếp nối Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, các chính sách trong dự thảo Nghị quyết đều cần thiết, nếu làm tốt sẽ có tác dụng tốt.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đã làm thí điểm thì phải có thời hạn, do vậy phải rà soát lại các chính sách xem có nội dung nào có thời hạn chưa rõ ràng hay không, cân nhắc thời hạn kéo dài bao lâu. Cân nhắc chính sách ưu đãi phải có mức tối thiểu và tối đa, tức là phải “có van, có khóa”.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/hai-phong-phai-di-dau-ve-ung-dung-cong-nghe-chuyen-doi-so-post410498.html
Bình luận (0)