Chỉ vỏn vẹn chưa đến mười năm, tên tuổi Han Kang đã vươn khỏi Hàn Quốc và trở thành chủ nhân mới nhất của giải Nobel văn học. Nhưng Người ăn chay đã đến với độc giả Việt từ hơn 10 năm trước - Ảnh: NXB
Tác phẩm này mang lại danh tiếng quốc tế, tương tự tên gọi của giải thưởng đã giới thiệu bà với thế giới: giải Booker quốc tế (International Booker).
Từ quê nhà đến thế giới
Trước khi nói về Người ăn chay cũng như Han Kang, cần nhắc qua một chút về giải thưởng này vì chính giải thưởng này là một yếu tố không nhỏ góp phần "viết" lên câu chuyện Han Kang mà chúng ta thấy hôm nay.
Lúc mới thành lập, Booker quốc tế chỉ trao cho tác giả như một hình thức tôn vinh sự nghiệp văn chương của họ. Điểm qua những chủ nhân của Booker quốc tế trước năm 2016, có thể thấy họ điều là những tên tuổi lớn, có sự nghiệp vững chắc. Kể từ năm 2005, giải trao mỗi hai năm, lần lượt cho Ismail Kadare, Chinua Achebe, Alice Munro, Philip Roth, Lydia Davis, László Krasznahorkai.
Trong đó, Alice Munro nhận Booker quốc tế năm 2009 và đoạt giải Nobel văn học năm 2013.
Từ một giải thưởng có tuổi đời non trẻ, phát triển theo hướng khác với giải Man Booker (vốn chỉ dành cho tác giả thuộc khối Thịnh vượng chung, Ireland và Zimbabwe), Booker quốc tế đã trở thành giải thưởng gây chú ý trên văn đàn.
Năm 2016, Booker quốc tế đánh dấu sự thay đổi, chuyển từ trao cho văn nghiệp sang trao cho tác phẩm hư cấu được dịch sang tiếng Anh.
Tiền thưởng 50.000 bảng chia đều cho tác giả và dịch giả. Và Người ăn chay là tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự thay đổi này. Đồng thời, Han Kang cũng trở thành tác giả châu Á đầu tiên nhận giải Booker quốc tế.
Trước khi đoạt giải này, Han Kang còn là cái tên khá xa lạ với độc giả thế giới. Sau giải thưởng, mọi thứ đã khác. Thành công của bà có lẽ làm bất ngờ cả độc giả quê nhà. Nhưng điều này phần nào phản ánh tốc độ của thời đại ngày nay với khả năng đưa một nhà văn địa phương, viết một ngôn ngữ không phổ dụng, trở thành ngôi sao văn học quốc tế.
Giải Nobel văn học cho Han Kang còn phản ánh kết quả của nền công nghiệp văn hóa được Chính phủ Hàn Quốc đầu tư bài bản, dài lâu. Cũng có thể xem sự kiện này là đỉnh điểm của "làn sóng Hàn" - từ âm nhạc, phim ảnh, đến văn chương - đều giành được vị thế cao trên trường quốc tế.
Han Kang, sinh năm 1970 ở Gwangju. Bút danh của bà có nghĩa là Hán Giang - "sông Hàn". Năm 2024, bà trở thành người Hàn Quốc đầu tiên nhận giải Nobel văn học.
Cuộc tái ngộ sau hơn mười năm
Trở lại với Người ăn chay, bản dịch mới ấn hành ở Việt Nam là bản dịch thứ hai của tác phẩm. Năm 2011, bản dịch của Hoàng Hải Vân lần đầu tiên đưa Người ăn chay cũng như Han Kang đến với độc giả Việt Nam.
Han Kang lúc đó được giới thiệu là nhà văn đương đại đáng chú ý ở Hàn Quốc. Dù vậy, độc giả ở ta ít dành sự quan tâm cho tác phẩm này. Bằng chứng là sau khi Người ăn chay đoạt giải Booker quốc tế, không khó tìm mua các bản in từ mấy năm trước vẫn còn bày bán tại nhà sách.
Sự quan tâm dành cho cái tên Han Kang chỉ trở lại nước ta khi bà giành được giải thưởng. Tiếp sau đó là các tiểu thuyết Bản chất của người và Trắng xuất bản ở Việt Nam, mở rộng thêm nhiều khía cạnh khác trong sự nghiệp của nữ văn sĩ này.
Trong bản dịch Người ăn chay phát hành năm 2025, dịch giả Kim Ngân có phần "lời tác giả". Han Kang chia sẻ thêm, hai truyện Người ăn chay và Vết chàm xanh trong sách được bà viết tay do quãng thời gian đó bà bị đau khớp, không thể đánh máy, vì vậy cần người trợ giúp và tốn nhiều thời gian. Sau gần hai năm, bà thử cầm ngược bút để gõ bàn phím và hoàn thành Ngọn lửa của cỏ cây - truyện thứ ba của Người ăn chay.
Ở lần xuất bản trước, Người ăn chay được giới thiệu ngay trên bìa là "liên truyện". Ba truyện tưởng chừng không gắn kết với nhau nhưng hợp thành một câu chuyện mà Han Kang thực sự muốn kể.
Cuốn sách toát lên bầu không khí bất an trong một xã hội Hàn Quốc trên đà phát triển và để lại những di chứng với từng cá nhân trong quá trình phát triển đó.
Trải qua thời gian, những vấn đề mà Han Kang đặt ra không chỉ ngày càng rõ ràng, mà còn trở nên gần gũi hơn. Từ một câu chuyện Hàn Quốc, nó đã mang dáng dấp thế giới.
Dù khó nói đây là một tác phẩm đỉnh cao, nhưng theo cách thức riêng của mình, nó đã sớm trở thành thời thượng, thường xuyên nằm trong danh sách các tác phẩm nhất định phải đọc khi nhắc đến văn học Hàn Quốc.
Chính Người ăn chay đã góp phần không nhỏ đưa Han Kang đến giải Nobel. Trong phát biểu công bố giải Nobel văn học, Anders Olsson - chủ tịch Ủy ban Nobel, tôn vinh Han Kang là một nhà cách tân của văn xuôi đương đại.
Nguồn: https://tuoitre.vn/han-kang-va-nguoi-an-chay-20250706085305936.htm
Bình luận (0)