
Ai cũng vui
Mặc dù chuẩn bị hàng bán cho 3 ngày diễn ra hội chợ (15 - 18/5) nhưng mới qua ngày 16/5, bà Ngô Thị Thu Vân (HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Nhật Linh ở xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) phải tức tốc điện người nhà mang thêm xuống.
“Cũng may Tiên Phước gần nên hàng có kịp thời cho khách, họ mua nhanh quá” - bà Thu Vân nói. Sau 3 ngày triển lãm, doanh số bán hàng của bà Vân hơn 12 triệu đồng.
Tương tự, tại gian hàng bánh Lê Anh (phường Điện Nam Trung, Điện Bàn) chỉ trong tối 15/5 đã hết sạch. Tính đến sáng 18/5, bà Lê Thị Anh (chủ tiệm bánh Lê Anh) đã phải 7 lần điện về nhà gửi thêm hàng vào bán, mỗi lần hơn 10 ký bánh các loại.
Tổng kết sau 3 ngày, doanh thu bán hàng của Lê Anh đạt gần 15 triệu đồng. Đây là doanh số khả quan bởi giá mỗi gói bánh chỉ vài chục nghìn đồng.
Sự kiện Triển lãm trưng bày sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Nam năm 2025 do Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức diễn ra từ ngày 15 - 18/5 tại TP.Tam Kỳ thu hút gần 150 gian hàng OCOP và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiêu biểu của Quảng Nam và TP.Đà Nẵng tham gia. Theo ghi nhận, hầu hết chủ thể bán hàng đều phấn khởi vì doanh thu cao.
Bà Hồ Thúy Ngân - Công ty CP Lâm dược Ngọc Linh (xã Trà Mai, Nam Trà My) khẳng định, so với nơi khác, doanh số bán hàng tại các hội chợ tổ chức tại TP.Tam Kỳ luôn cao gấp 2 lần.
Tham dự triển lãm lần này, ngoài sản phẩm chính là sâm ngâm mật ong, bà Ngân còn bán các sản phẩm dược liệu từ rừng như chuối hột, khổ qua, nấm lim xanh… “Hầu như hội chợ nào tổ chức ở Tam Kỳ mọi người đều bán hết hàng nên ai cũng vui” - bà Ngân nói.
Khách hàng hiểu sản phẩm
Theo đại diện Sở Công Thương, lý do sản phẩm nông thôn, sản phẩm OCOP bán tại các hội chợ tổ chức ở Tam Kỳ luôn hiệu quả bởi chất lượng và thương hiệu đã được khẳng định.

Cạnh đó, đa phần sản phẩm nông thôn và sản phẩm OCOP Quảng Nam sản xuất từ những nguyên liệu tự nhiên, có chất lượng và mang đặc trưng riêng nên người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Đặc biệt, giá cả hợp lý cũng là tác nhân gia tăng sự hấp dẫn đối với khách hàng.
“Tất nhiên, không thể bỏ qua công tác quảng bá, marketing đối với các sản phẩm này. Thông qua nhiều chương trình giới thiệu, xúc tiến thương mại mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã giúp nâng cao nhận thức người tiêu dùng về giá trị sản phẩm nông thôn và sản phẩm OCOP” - đại diện Sở Công Thương phân tích.
Trong 3 ngày diễn ra sự kiện, một số hoạt động giao thương, livestream bán hàng trực tiếp trên tiktok cũng đã được ban tổ chức triển khai, giúp nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất giới thiệu sản phẩm, tiếp cận khách hàng khá tốt.
Bà Trần Thị Kim Liên - chủ hộ kinh doanh Trà Kim Liên tiết lộ, chỉ trong một phiên livestream bán hàng ngắn ngủi đã có 60 đơn hàng được chốt, quan trọng hơn bà đã kết nối được 2 nhà phân phối tại TP.Đà Nẵng. Thống kê sơ bộ từ ban tổ chức cho thấy, qua gần 3 ngày triển lãm, doanh thu bình quân mỗi gian hàng một ngày khoảng 5 triệu đồng, riêng những gian hàng có giá trị cao như trầm hương, bột ngũ cốc… doanh số 7 - 10 triệu đồng.
Theo bà Phạm Thị Duy Mỹ - Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh (Duy Xuyên), yếu tố chính tạo nên sức tiêu thụ “đột biến” tại các hội chợ tổ chức ở Tam Kỳ là người dân nơi đây và những vùng lân cận đã hiểu, biết về chất lượng sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, họ cũng hiểu về yếu tố cộng đồng trong mỗi sản phẩm vì được sản xuất bởi các HTX hoặc nhóm sản xuất nên khi mua hàng hóa OCOP, ngoài sự yên tâm, người tiêu dùng cũng cảm thấy mình đang hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển.
“Nói chung sự kết hợp giữa chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý, không gian giao thương rộng rãi tại các hội chợ, cùng các chiến lược marketing hiệu quả đã giúp các sản phẩm nông thôn, sản phẩm OCOP bán tốt tại các hội chợ tổ chức ở Tam Kỳ” - bà Duy Mỹ nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/hang-hoa-hut-khach-tai-hoi-cho-o-tam-ky-3155188.html
Bình luận (0)