Việc xây dựng và vận hành các trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP đã và đang mang lại hiệu quả rõ nét trong quảng bá, xúc tiến thương mại và khẳng định thương hiệu nông sản, làng nghề địa phương.

Giai đoạn 2019-2024, toàn huyện Thanh Oai có 126 lượt sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng tại 20/21 xã, thị trấn. Trong đó có 35 sản phẩm đạt 3 sao, 91 sản phẩm đạt 4 sao. Nhiều sản phẩm tiêu biểu gắn với làng nghề, văn hóa truyền thống và nông sản đặc hữu địa phương đã khẳng định được chất lượng và sức cạnh tranh.
Tiêu biểu là Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước) với 9 sản phẩm chế biến từ thịt đạt OCOP 4 sao; Hợp tác xã Tam Hưng với các loại gạo đặc sản như Bắc thơm số 7, Nếp cái hoa vàng, Đài Thơm 8; Hợp tác xã Bích Hòa với bún, bánh cuốn truyền thống; Hợp tác xã Kim An với sản phẩm ổi Kim An đạt 4 sao. Đây đều là những sản phẩm được đầu tư bài bản về chất lượng, bao bì và truy xuất nguồn gốc.
Để thúc đẩy tiêu thụ, từ năm 2023 đến nay, Thanh Oai đã hình thành 3 trung tâm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại xã Tam Hưng, Phương Trung và Bích Hòa. Các trung tâm này không chỉ là nơi giao thương mà còn là điểm kết nối sản phẩm địa phương với thị trường Thủ đô, giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu OCOP Thanh Oai.
Một số sản phẩm nổi bật như giò chả Tân Ước, nón làng Chuông, gạo Bối Khê đã dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long Nguyễn Trọng Long cho biết: “Sau khi sản phẩm được công nhận OCOP, doanh thu tăng từ 15% đến 25%, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập của người dân”.
Xác định OCOP là động lực quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, năm 2025, Thanh Oai đặt mục tiêu phát triển thêm từ 5 đến 10 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, đồng thời xây dựng thêm từ 1 đến 2 trung tâm giới thiệu sản phẩm mới. Đáng chú ý, huyện định hướng tận dụng không gian tại các cụm, khu công nghiệp đang hình thành để bố trí điểm trưng bày sản phẩm OCOP, tạo lợi thế tiếp cận thị trường tiêu dùng và công nhân lao động.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng nhấn mạnh: “Phát triển sản phẩm OCOP là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chủ động của cấp xã; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại và phát triển hệ thống trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP theo hướng chuyên nghiệp, bài bản hơn”.
Cùng với xúc tiến thị trường, Thanh Oai xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong sản xuất, truyền thông và tiêu thụ sản phẩm OCOP là yêu cầu tất yếu. Đây là cơ sở để minh bạch thông tin sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, mở rộng kết nối với thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh phát triển sản phẩm mới, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn và chủ thể OCOP rà soát, chuẩn bị hồ sơ để đánh giá lại sản phẩm OCOP theo đúng chu kỳ 36 tháng kể từ ngày được công nhận. Nhiều xã đã đăng ký sản phẩm mới như: Trứng gà (Liên Châu), phở khô, rượu truyền thống (Thanh Mai), dưa chuột nhà lưới (Thanh Cao)… Đây là tín hiệu tích cực trong việc duy trì và mở rộng danh mục sản phẩm OCOP địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng lưu ý: “Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, các chủ thể cần nắm rõ toàn bộ quy trình từ sản xuất, thẩm định, kiểm định chất lượng đến xây dựng chiến lược thị trường. Đặc biệt, sản phẩm làng nghề cần có hình ảnh đặc trưng, mang bản sắc riêng để tạo điểm nhấn và nâng cao sức cạnh tranh”.
Với cách làm bài bản, đồng bộ từ phát triển sản phẩm đến xúc tiến thương mại, huyện Thanh Oai đang từng bước khẳng định vai trò của OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Những trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP không chỉ là nơi giao thương mà còn là “cầu nối” đưa sản vật địa phương đến gần hơn với thị trường Thủ đô và cả nước.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/thanh-oai-tao-suc-bat-cho-hang-hoa-nong-thon-702962.html
Bình luận (0)