Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hành trình kỳ lạ của một cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ ở Việt Nam

Đến Việt Nam vì áp lực của cha, cảm xúc từ phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam rồi lại luôn đau đáu làm thế nào để hàn gắn vết thương chiến tranh là câu chuyện của cựu thủy quân lục chiến Mỹ, ông Ted Hammett.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ30/04/2025

cựu binh - Ảnh 1.

Ông Ted (bìa phải hàng sau cùng) và các cán bộ và chị em tham gia dự án năm 2011 - Ảnh: NVCC

Ở tuổi 79, ông Ted một lần nữa quay trở lại Việt Nam đúng vào dịp 50 năm cuộc chiến chính thức khép lại, hai miền Nam - Bắc thu về một mối. Cảm xúc của ông lúc này với Việt Nam chỉ có một từ có thể diễn tả: yêu.

Hành trình của cảm xúc

Bằng chất giọng hơi khàn, ông Ted chậm rãi kể về sợi dây gắn chặt cuộc đời mình và mảnh đất hình chữ S bắt đầu từ năm 1966, khi ông đang là sinh viên của Đại học Harvard danh giá. 

Là con của một cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ đã từng tham gia vào Thế chiến thứ hai, không có gì ngạc nhiên khi chàng trai Ted được đăng ký chương trình ứng viên sĩ quan thủy quân lục chiến và kế hoạch của cha ông là con trai sẽ tiếp nối truyền thống gia đình bằng cách đến Việt Nam tham chiến.

Nhưng chàng trai trẻ ghét chiến tranh, phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam nên thoạt đầu từ chối tuân theo sự sắp đặt của cha. Người cha đã giận dữ, nói rằng đứa con trai này đang "khạc nhổ" vào mọi giá trị của gia đình, rằng sẽ không cho ông tiếp tục việc học nếu rời khỏi chương trình ứng viên sĩ quan. 

Đối mặt với áp lực lớn, Ted buộc phải nghe theo lời cha.

Chỉ một năm sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard, năm 1968, Ted khăn gói lên đường sang Việt Nam, đóng quân tại Quảng Trị và ở đó đến năm 1969 với tư cách là một sĩ quan tiếp tế cho một bệnh viện dã chiến. 

Tâm lý của một người bị ép buộc đến Việt Nam, xa gia đình và những người thân yêu cùng nhiều thứ thân thuộc đã khiến Ted đâm ra chán ghét tất cả.

"Tôi không thực sự tham gia chiến đấu, nhưng tôi đã chứng kiến rất nhiều tác động khủng khiếp của chiến tranh khi trở lại Việt Nam vào năm 1997 với tư cách là một khách du lịch", ông Ted nhớ lại. 

Trong suốt quãng thời gian kể từ khi rời Việt Nam năm 1969 đến khi lần đầu đặt chân trở lại, cảm xúc trong ông lúc này đã bình tâm hơn. Ông nhận ra đó là một cuộc chiến vô nghĩa, một quyết định sai lầm của chính quyền Mỹ khi đó. 

Xen lẫn đó là cảm giác tội lỗi về những gì mà nước Mỹ đã làm với Việt Nam và những điều mà ông mô tả là mình "tệ bạc" với người Việt Nam.

"Điều đó đã khiến tôi, giống như nhiều cựu chiến binh khác, cố gắng làm điều gì đó tích cực hơn cho Việt Nam. Tôi trở lại sau năm 1997 thêm nhiều lần nữa, làm việc cho các chương trình phòng ngừa và điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam trong hơn 15 năm và sống ở Hà Nội trong ba năm rưỡi. Tôi đã yêu đất nước và con người nơi đây, cảm thấy như đây là ngôi nhà thứ hai của mình", ông chia sẻ.

cựu binh - Ảnh 2.

Gặp lại các chị em cùng tham gia dự án dự phòng lây nhiễm HIV năm 2023, 16 năm sau khi bắt đầu dự án này. Trong ảnh bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh ở bìa phải ảnh - Ảnh: NVCC

Bước qua tâm lý rụt rè

Lần đầu trở lại Việt Nam năm 1997, cảm xúc của ông Ted giống như mọi cựu binh Mỹ khác đã từng tham chiến tại đây. Trong đầu họ là hàng trăm câu hỏi, đại loại như: "Liệu người Việt Nam có căm ghét tôi không khi biết tôi từng cầm súng bên kia chiến tuyến?" hay "Họ sẽ làm gì tôi nếu biết tôi là một cựu binh Mỹ?".

Tất cả sự rụt rè đó đều biến mất khi Ted đến Việt Nam. "Gần như không có sự thù địch nào ở đây cả. Tất cả đều bao dung và chào đón những du khách Mỹ", ông nhớ lại. Ấn tượng của ông khi đó về Việt Nam là một đất nước vừa bước ra khỏi thời kỳ bao cấp, đang thực hiện "Đổi mới".

Như một sự trùng hợp định mệnh, trong một lần đến Trung Quốc để tập huấn trong khuôn khổ chương trình về phòng chống HIV/AIDS cũng trong năm 1997, ông đã gặp một người Việt Nam tại hội nghị. 

Trong cuộc trò chuyện với con người mà ông không nhớ rõ tên đó, Ted và đồng nghiệp đã bày tỏ sự quan tâm, mong đến Việt Nam làm việc cho một chương trình về chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Cuộc gặp đó mở lối nhưng phải mất vài năm sau, đến 2001, công việc mới thực sự bắt đầu.

Có rất nhiều cách để hàn gắn và hòa giải vết thương chiến tranh và ông Ted đã chọn những công việc hướng tới sức khỏe cộng đồng để góp phần làm điều đó. 

"Tôi đã làm việc trong một dự án cung cấp dịch vụ và đặc biệt là kim tiêm sạch cho những người tiêm chích ma túy để giúp ngăn ngừa HIV cho họ chồng/vợ họ ở Lạng Sơn và Hà Giang. Dự án đó rất thành công trong việc giảm tỉ lệ HIV trong số những người tiêm chích ma túy.

Năm 2008, chúng tôi giành được một dự án mới có tên là Sáng kiến Chính sách y tế Việt Nam, hợp tác về chính sách phòng chống HIV/AIDS. Cùng năm đó, tôi đã chuyển đến sống tại Hà Nội trong ba năm rưỡi. Tôi là trưởng nhóm của dự án, do USAID tài trợ", ông Ted kể lại.

Công việc đã cho ông gặp gỡ nhiều người Việt Nam, từ các quan chức y tế đến người dân và các tình nguyện viên, các đối tác của công ty ông tại Việt Nam. 

"Chương trình bảo hiểm y tế xã hội của Chính phủ Việt Nam, trong đó chi trả cho điều trị HIV/AIDS đã khá thành công và bây giờ tôi nghĩ rằng điều trị HIV/AIDS cho tất cả người Việt Nam cần điều trị đã được chi trả thông qua chương trình bảo hiểm y tế xã hội của Chính phủ", ông chia sẻ suy nghĩa.

Người bền bỉ dõi theo Việt Nam với một tình yêu chân thành

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng có thời gian làm việc nhiều với ông Ted. Chị kể từ 2007, khi đó chị và ông Ted cùng nhận thấy Việt Nam có nhiều người nhiễm HIV là người nghiện ma túy và đã có chương trình can thiệp ngừa lây nhiễm HIV cho họ, nhưng ngừa cho chồng/vợ của họ thì chưa có chương trình nào.

"Khi ấy người ta ít quan tâm đến nhóm này, trong khi những người phụ nữ vợ của người nghiện rất tự ti, luôn nghĩ là thân phận họ nhỏ bé, không biết phòng ngừa lây nhiễm. Chúng tôi cùng xây dựng một dự án làm sao giữ được cho họ âm tính. Dự án đã hoạt động được trong 6 năm, hàng ngàn phụ nữ, nam giới tham gia và không ai lây nhiễm HIV" - chị Oanh nói.

Và điều chị mừng hơn nữa là những người trong nhóm, vốn từng nghĩ thân phận họ nhỏ bé ấy, đã cùng nhau xây dựng được một cộng đồng để hỗ trợ nhau trong cuộc sống, đến nay nhiều người đã ổn định, con cái đi học đại học.

"Có một bạn gái từng bị bán đi làm gái mại dâm từ năm 11 tuổi, sau này bạn đã tham gia nhóm, rồi bạn lấy chồng, sinh con, đám cưới của bạn ấy ông Ted đã đến dự. Tôi nhớ lần đầu tiên có người trong nhóm có con đỗ đại học họ mừng lắm, họ cũng nhắn tin cho ông Ted, cách ông ấy yêu mến họ khiến họ tin yêu ông như một người thân" - bác sĩ Oanh chia sẻ.

Bác sĩ Oanh là con gái trung tướng Khuất Duy Tiến (trung tướng Tiến đã mất năm 2024 - PV), người chỉ huy trận đánh ở cao điểm 1015 trong chiến tranh. Đó là trận đánh ác liệt nhất trong cuộc đời trận mạc của ông Tiến, và bác sĩ Oanh mong tìm lại tư liệu về trận đánh ấy.

"Phía Mỹ có một cuốn sách liên quan trận đánh này nên tôi đã đi tìm tư liệu kể cả ở Mỹ và ông Ted đã giúp rất nhiều. Ở tuổi gần 80, ông Ted vẫn đặt mục tiêu đến Việt Nam mỗi năm một lần về bền bỉ hỗ trợ cho Việt Nam, đặc biệt về y tế công cộng. Ông nói nhờ những công việc trong 20 năm nay mà ông mới hiểu rõ về Việt Nam và yêu Việt Nam đến thế. Ông đã dõi theo Việt Nam với một tình yêu chân thành" - bác sĩ Oanh nói.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề
DUY LINH - LAN ANH

Nguồn: https://tuoitre.vn/hanh-trinh-ky-la-cua-mot-cuu-binh-thuy-quan-luc-chien-my-o-viet-nam-20250430135630943.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm