Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Công nhận lại sản phẩm OCOP: Chủ thể chưa "mặn mà"

(QBĐT) - Sau hơn 5 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Quảng Bình đã có nhiều sản phẩm tiêu biểu được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao và đặc biệt là đã có sản phẩm đạt tiềm năng OCOP 5 sao. Tuy nhiên, mặc dù đã triển khai trong thời gian dài, nhưng hiện vẫn có không ít chủ thể chưa hào hứng, “mặn mà” với việc đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP.

Báo Quảng BìnhBáo Quảng Bình29/04/2025

 
Nhiều sản phẩm hết thời hạn công nhận
 
Chia sẻ về việc đi mua hàng siêu thị ở Đồng Hới, chị Nguyễn Thị Nhi, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) cho biết: Trước đây, chị cũng hay đọc thông tin trên các trang báo nên có biết về sản phẩm OCOP. Trong một lần đến siêu thị Co.opmart để mua miến dong, chị thấy trên kệ hàng rất nhiều sản phẩm miến đến từ nhiều địa phương khác nhau. Sau một lúc phân vân, chị đọc thông tin trên bao bì các sản phẩm và đã quyết định chọn một sản phẩm có gắn sao OCOP. Đúng như kỳ vọng, sản phẩm chị lựa chọn chất lượng dai, ngon. Sau lần đó, chị đã tin tưởng và lựa chọn sản phẩm này cho gia đình.
 
Câu chuyện của chị Nhi là một ví dụ khẳng định về giá trị và chất lượng mà sản phẩm OCOP đã mang lại, không chỉ cho sản phẩm mà còn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, không ít chủ thể vẫn chưa “mặn mà” với việc tham gia đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP. Bằng chứng là nhiều sản phẩm OCOP đã hết thời gian công nhận 36 tháng nhưng chủ thể vẫn không tham gia gửi hồ sơ đánh giá lại hoặc nâng hạng cho sản phẩm của mình. Riêng năm 2024, toàn tỉnh có 26 sản phẩm OCOP hết hạn công nhận, năm 2025 có 22 sản phẩm OCOP hết hạn công nhận.
Tham gia chương trình OCOP là cơ hội để các sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Tham gia chương trình OCOP là cơ hội để các sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Năm 2021, một sản phẩm của chị N.T.S., được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và đến đầu năm 2024 sản phẩm này hết thời hạn công nhận 36 tháng. Đến nay, dù đã quá thời gian công nhận nhưng sản phẩm vẫn chưa tham gia đánh giá lại. Theo chị S., do có nhiều nguyên nhân khách quan nên chị chưa tham gia đánh giá lại cho sản phẩm bởi để sản phẩm được công nhận đánh giá lại, hồ sơ, thủ tục phải trải qua rất nhiều khâu, nhiều công đoạn và tốn kém thời gian.
 
Tự đánh giá là một trong những sản phẩm có vùng nguyên liệu bảo đảm phục vụ cho sản xuất lớn, quy mô lên đến hàng chục ha và có sản phẩm xuất bán ra nước ngoài, tuy nhiên, một trong các sản phẩm OCOP của cơ sở đã hết thời hạn công nhận nhưng chủ thể vẫn chưa “mặn mà” tham gia đánh giá lại. Chị N.T.O., chủ cơ sở cho biết: Để tham gia đánh giá lại thì rất cần thời gian, thủ tục và tiền bạc trong khi kinh phí hỗ trợ rất ít, chưa đủ để khuyến khích sản phẩm tham gia.
 
Bên cạnh đó, một số chủ thể còn cho biết thêm, sau khi được công nhận, không ít sản phẩm OCOP chưa có bước đột phá trong việc mở rộng thị trường; chưa được hỗ trợ nhiều cho đầu ra của sản phẩm. Chính vì vậy, nhiều chủ thể chưa thực sự “mặn mà” với công nhận lại sản phẩm OCOP.   
 
Cần chính sách ưu đãi hơn
 
Chương trình OCOP nhằm khuyến khích các chủ thể sản xuất, kinh doanh khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống vật chất tinh thần ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, theo các chủ thể, việc triển khai chương trình dù đã tạo ra những mặt tích cực như sản phẩm được nâng cao về chất lượng, sản xuất theo quy mô chuỗi giá trị, qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn... nhưng sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương dành cho các sản phẩm OCOP còn hạn chế, chưa tạo động lực để các chủ thể “mặn mà” với sản phẩm OCOP.
 
Vừa qua, UBND tỉnh đã có đề xuất với Trung ương quan tâm, bố trí kinh phí để tỉnh triển khai hỗ trợ các chủ thể kinh tế đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhằm gia tăng giá trị, chất lượng sản phẩm OCOP.
Một chủ thể OCOP 3 sao chia sẻ: Sản phẩm OCOP chỉ có thời hạn công nhận 36 tháng. Để hoàn tất một hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP phải mất 70-80 triệu đồng, chưa kể, việc hoàn thiện các chứng chỉ hồ sơ phải mất nhiều thời gian để làm trong khi đó, mức hỗ trợ cho mỗi sản phẩm khá khiêm tốn. Chính vì vậy, việc sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP nhưng chủ thể phải chật vật tìm đầu ra là một trong những lý do khiến một số chủ thể chưa hào hứng với sản phẩm OCOP.
 
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết:  Thời gian qua, kinh phí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới phải bố trí thực hiện rất nhiều nhiệm vụ chi thường xuyên nên nguồn để bố trí thực hiện chương trình OCOP còn hạn chế. Tuy nhiên, để thúc đẩy sản phẩm OCOP phát triển, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đối với các sản phẩm và chủ thể OCOP như hỗ trợ kinh phí mua sắm máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo điều kiện cho tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, nhiều sản phẩm ngày càng hoàn thiện và tìm được thị trường ổn định. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, các sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.
 Đ.N

Nguồn: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202504/cong-nhan-lai-san-pham-ocop-chu-the-chua-man-ma-2225952/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng
"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm