Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn chưa đạt được ước mơ làm cha mẹ vì rào cản kinh tế - Ảnh minh họa: BVCC
Chi phí trở thành rào cản
Kết hôn từ năm 2016, anh Phùng Văn Ba và chị H Dla Buôn Ya mong mỏi có con từng ngày. Nhưng nhiều năm sau vẫn chưa thấy có tín hiệu, anh chị đi khám được phát hiện nguyên nhân chậm con là do người chồng bị vô sinh nam. Giây phút đó, mọi thứ như sụp đổ trước mắt người đàn ông với những áp lực vô hình.
Anh Ba ngậm ngùi kể, hai vợ chồng đã uống rất nhiều thang thuốc bắc, thuốc nam nhưng vẫn không thể có con. Khi đi khám ở địa phương, bác sĩ cho biết anh bị vô sinh nam, buộc phải thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
"Nghe tới số tiền phải bỏ ra, tôi suy nghĩ lắm. Lương công nhân ít ỏi, vợ chồng lấy nhau sống ở trọ, tằn tiện từng đồng, thậm chí còn đi xin suất ăn miễn phí nên cũng không biết bao giờ mới dành dụm được tiền để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Chi phí điều trị quá lớn so với khả năng tài chính nên chúng tôi đành gác lại mong muốn tìm con", anh Ba tâm sự.
Trong khi anh Ba chìm trong nỗi mặc cảm không thể làm tròn trách nhiệm của người con trai duy nhất gánh trên vai áp lực sinh con để "nối dõi tông đường" thì chị H Dla Buôn Ya cũng phải gồng mình chống chọi với những lời nói gièm pha, ác ý từ những người xung quanh.
Năm 2022, trong một lần tìm hiểu thông tin, anh Ba biết đến chương trình "Tuần lễ vàng - Ươm mầm hạnh phúc" của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, một chương trình hỗ trợ miễn phí cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, vợ chồng anh lóe lên niềm hy vọng khi các bác sĩ nhận định anh chỉ bị tắc ống dẫn tinh.
Theo hướng dẫn của bác sĩ, anh Ba mạnh dạn làm hồ sơ xét duyệt đăng ký chương trình miễn phí 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm dành cho gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của bệnh viện và may mắn đã mỉm cười với vợ chồng anh.
Trong lần đầu tiên làm IVF, hai vợ chồng đã có ngay tin vui.
Tháng 10-2022, chị Ya bước vào quá trình chuyển phôi. Sau chuyển phôi 14 ngày, bác sĩ thông báo đã đậu thai thành công. Một tuần sau đó, những hình ảnh siêu âm đầu tiên cho thấy hai sinh linh bé nhỏ đang dần hình thành trong cơ thể chị Ya. Tháng 6-2023, hai thiên thần nhỏ của gia đình anh chị đã chào đời khỏe mạnh.
Đồng hành cùng vợ chồng hiếm muộn khó khăn
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc ở độ tuổi dưới 30. Cứ 100 người trong độ tuổi sinh sản thì có đến 7-8 người đang phải đối mặt với tình trạng vô sinh hiếm muộn.
Tuy nhiên thực tế cho thấy không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để bước chân vào hành trình điều trị - một hành trình vừa dài lại vừa tốn kém chi phí.
Một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có chi phí từ 70 - 100 triệu đồng, chưa kể chi phí xét nghiệm, chi phí thuốc và các can thiệp kỹ thuật khác. Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn các cặp đôi phải hoàn toàn tự chi trả.
Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết thực tế thăm khám các bác sĩ nhận thấy những áp lực tài chính, tâm lý e ngại và thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản khiến nhiều cặp vợ chồng trì hoãn việc thăm khám, bỏ lỡ giai đoạn vàng trong điều trị vô sinh hiếm muộn.
Chính vì vậy, từ năm 2015 đến nay, bệnh viện đã tổ chức chương trình "Tuần lễ vàng - Ươm mầm hạnh phúc" với nhiều ưu đãi thăm khám, để người dân có thể tiếp cận được kỹ thuật y tế hiện đại, biết được nguyên nhân hiếm muộn, từ đó điều trị kịp thời và tiến gần hơn đến ước mơ làm cha, làm mẹ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hanh-trinh-tim-con-cua-vo-chong-nguoi-dan-toc-thieu-so-20250511094426575.htm
Bình luận (0)