Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hậu phương quốc tế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, đứng vào hàng ngũ các quốc gia, dân tộc tiên phong trên thế giới. Độc lập, tự do và thống nhất đất nước là lẽ sống chân chính, là lý tưởng lớn của toàn dân tộc.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân11/04/2025

Cuộc đấu tranh ấy đã giành được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới. Phát huy sự đoàn kết, ủng hộ của hậu phương quốc tế là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của nhân dân Việt Nam.

Việt Nam được các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa đồng tình, ủng hộ lập trường chính nghĩa, chống lại cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của đế quốc Mỹ. Nhiều cuộc mít-tinh, biểu tình, phong trào ghi tên tình nguyện sang Việt Nam mở rộng ở nhiều nước. Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, thiếu niên tổ chức nhiều đợt hoạt động quyên tiền để ủng hộ nhân dân Việt Nam. Nhiều cơ quan, đoàn thể tổ chức lấy chữ ký và kiến nghị phản đối chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. 

Việt Nam nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa về vật chất, cố vấn, chuyên gia kỹ thuật. Liên Xô viện trợ những vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại như: máy bay, xe tăng, xe bọc thép, tên lửa, pháo... Trung Quốc viện trợ vũ khí bộ binh, quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, một phần nhiên liệu, phương tiện vận tải và một số xe quân sự, pháo và đạn pháo. 

Tháng 4/1965, Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên đến Việt Nam với nhiệm vụ nhanh chóng huấn luyện và đưa vào chiến đấu hai trung đoàn phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 4/1965 đến tháng 5/1966, đã có 2.266 chuyên gia phòng không Liên Xô đến Việt Nam, đào tạo tại chỗ 10 trung đoàn tên lửa phòng không, 3 trung đoàn kỹ thuật vô tuyến, 2 trung đoàn không quân tiêm kích. Lực lượng phòng không của Việt Nam được Liên Xô trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại. Từ tháng 7/1965, tổ hợp tên lửa đất đối không tầm cao SA-75 Dvina (SAM) đã có mặt ở Việt Nam. 

Trung Quốc viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam những thiết bị sản xuất, sửa chữa của công binh xưởng quân khu và trạm quân giới cấp tỉnh; cho quá cảnh một khối lượng lớn hàng quân sự của Liên Xô viện trợ qua biên giới Xô-Trung và vận chuyển bằng đường sắt qua lãnh thổ Trung Quốc vào Việt Nam. 

Trung Quốc còn giúp nâng cấp sửa chữa, mở rộng thêm và bảo vệ các tuyến đường giao thông trên bộ thuộc các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, nhằm tăng khả năng vận chuyển vật chất và cơ động các lực lượng chiến đấu, phương tiện chiến tranh trong quá trình tác chiến; giúp Việt Nam xây dựng các kho chứa xăng dầu ở Đồng Đăng (Lạng Sơn), Quảng Ninh và chi viện cho Việt Nam hàng trăm ki-lô-mét thiết bị đường ống dẫn xăng dầu dã chiến, cùng một số máy móc chuyên dụng. 

Từ tháng 3/1968 đến đầu năm 1975, bộ đội xăng dầu Việt Nam đã xây dựng hệ thống dẫn nhiên liệu dài gần 5.000 km từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến Bù Gia Mập..., trong đó có hơn 500 km đường ống do Trung Quốc chi viện, gần 4.500 km đường ống còn lại là đường ống dã chiến của Liên Xô. 

Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại miền bắc, đường sắt Hà Nội-Hữu Nghị quan là con đường huyết mạch vận chuyển hàng viện trợ quốc tế thay thế cho cảng Hải Phòng bị phong tỏa ác liệt. Hằng ngày vẫn bảo đảm có đoàn tàu quân sự chở 1.000 tấn hàng hóa từ các nước xã hội chủ nghĩa vượt biên giới Trung Quốc vào nội địa Việt Nam. 

Các nước sẵn sàng gửi người tình nguyện sang giúp Việt Nam đánh Mỹ. Hungary có phong trào hiến máu cho Việt Nam, tình nguyện sang Việt Nam chiến đấu, quyên góp ủng hộ Việt Nam. 

Năm 1965, ở Bulgaria có 245 cuộc mít-tinh của quần chúng ủng hộ Việt Nam, có cuộc lên tới 10.000 người tham dự; tổ chức “tuần lễ ba châu ủng hộ Việt Nam” tuyên bố sẵn sàng gửi quân tình nguyện sang Việt Nam nếu Việt Nam yêu cầu. 

Đầu năm 1966, Chủ tịch Cuba Fidel Castro tuyên bố: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Tháng 8/1966, Cuba cử đoàn cán bộ quân sự gồm bộ đội không quân, tên lửa, cao xạ, pháo binh, quân y sang Việt Nam... Cuba nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam thiết bị xây dựng đường sá. 

Triều Tiên cử sang Việt Nam một số phi công để giúp đỡ việc huấn luyện, trực tiếp tham gia cùng với các phi công Quân đội nhân dân Việt Nam tác chiến bảo vệ hậu phương miền bắc. Việt Nam nhận được những mặt hàng viện trợ quý báu về hậu cần, kỹ thuật của các nước: Hungary, Ba Lan, Romania, Bulgaria, Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tổng khối lượng viện trợ quốc tế cho quân và dân Việt Nam ước tính khoảng 2.362.682 tấn, trị giá khoảng 7 tỷ rúp.

Cùng với Việt Nam, nhân dân hai nước láng giềng Lào, Campuchia đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Khi đế quốc Mỹ mở rộng đánh phá từ năm 1965, bộ đội và du kích Lào phối hợp chặt chẽ với bộ đội Việt Nam đánh trả máy bay địch, ngăn chặn các cuộc hành quân lấn chiếm, tập kích. 

Nhân dân 17 huyện thuộc 7 tỉnh của Lào rời nhà, bỏ nương rẫy đi vào rừng sâu sinh sống; nhân dân đóng góp hàng triệu ngày công, cùng bộ đội và lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam làm mới, sửa chữa đường, vận chuyển lương thực, thương bệnh binh, góp phần vào hoạt động của tuyến đường Hồ Chí Minh. 

Việt Nam được chính quyền của Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk giúp đỡ, cho tiếp nhận và vận chuyển hàng viện trợ, nhất là vũ khí qua cảng Sihanoukville, sau đó tập kết ở biên giới và chuyển vào Việt Nam. 

Phong trào nhân dân thế giới chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam trở thành lực lượng chính trị hùng hậu, ngày càng tác động sâu sắc đến chính sách và thái độ hiếu chiến của nhiều chính phủ trên thế giới đối với vấn đề chiến tranh Việt Nam. 

Trên thế giới, nhiều đoàn đại biểu các nước, các đảng, các tổ chức tiến bộ từ châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ trực tiếp đến Việt Nam bày tỏ tình đoàn kết, sự ủng hộ, giúp đỡ. Việt Nam được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ to lớn của phong trào hòa bình, dân chủ thế giới, của các tổ chức chính trị-xã hội, của nhiều nhân sĩ, trí thức, nghị sĩ, nhà văn, nhà báo... đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa. 

Hội nghị đoàn kết nhân dân Á, Phi, Mỹ Latin (1/1966) tại Cuba đánh dấu sự hình thành trên thực tế của Mặt trận nhân dân ba châu, đoàn kết nhân dân ba châu đối với nhân dân Việt Nam chống chủ nghĩa đế quốc. Ở Bắc Âu hình thành Phong trào NLF. NLF là một tổ chức quần chúng ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan đều có tổ chức NLF. 

Ngày 10/8/1972, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước Không liên kết, gồm 59 nước, họp ở Georgetown (Guyana), đã công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam là thành viên chính thức, thông qua một bản nghị quyết về Đông Dương, khẳng định ủng hộ hoàn toàn cuộc đấu tranh anh dũng và chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, Campuchia, Lào vì độc lập tự do. 

Phong trào nhân dân thế giới chống đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam và phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ đã đánh mạnh vào chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Châm ngòi nổ cho cuộc đấu tranh của nhân dân Mỹ là phong trào đấu tranh của sinh viên Mỹ. Phong trào đấu tranh của nhân dân lan vào hàng ngũ binh lính Mỹ: phản đối sang Việt Nam, đòi giải ngũ, gửi thư về nước tố cáo tội ác mà lính Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam, hình thức đấu tranh ở mức độ cao, quyết liệt là đốt thẻ quân dịch. 

Jane Fonda, nữ diễn viên điện ảnh Mỹ nổi tiếng đã đến thăm Việt Nam. Mục sư Martin Luther King và bác sĩ Benjamin Spock dẫn đầu cuộc biểu tình của mười vạn người chống chiến tranh ở New York... Những cuộc tự thiêu của người Mỹ chống chiến tranh như Norman Morrison, Roger Allen LaPorte... đã gây chấn động sâu sắc trong xã hội Mỹ, làm xúc động nhân loại tiến bộ.

Năm 1972 là năm phong trào đấu tranh lên cao mạnh mẽ, gây ra cuộc khủng hoảng ngay trong nước Mỹ. 30.000 người ở New York đã biểu tình hô lớn “Rút ra bây giờ! Khỏi Việt Nam”. Phong trào phản đối chiến tranh, phản đối chính quyền Mỹ của các tầng lớp xã hội Mỹ, kể cả nghị sĩ Quốc hội, cựu binh Mỹ dâng cao. Xã hội Mỹ chia rẽ sâu sắc: sự xung đột, bất đồng quan điểm, đánh giá, điều hành chiến tranh giữa ngành hành pháp (chính phủ) với ngành lập pháp (quốc hội); giữa tổng thống và các bộ trưởng; giữa chính quyền Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa; giữa Lầu Năm Góc và Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam. 

Trong lịch sử thế giới, chưa có cuộc đấu tranh của dân tộc nào được sự ủng hộ rộng rãi và mạnh mẽ của nhân dân chính nước đối phương như cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi “Mặt trận số 1 chống đế quốc Mỹ là Việt Nam. Mặt trận số 2 ở ngay tại nước Mỹ”. Chưa bao giờ trên thế giới có một phong trào rộng khắp năm châu, lâu dài và có hiệu quả cả về vật chất và tinh thần để ủng hộ sự nghiệp của một dân tộc nhỏ bé chống lại một siêu cường quốc như thế. 

Lần đầu tiên trên thế giới có một Tòa án quốc tế xử tội một quốc gia như Tòa án quốc tế Bertrand Russel để xét xử tội ác trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. 

Cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam vì độc lập, hòa bình là hoàn toàn chính nghĩa và đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình và tiến bộ, dân chủ. Hậu phương quốc tế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã thúc đẩy cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Sự đoàn kết và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của dân tộc Việt Nam.

PGS, TS TRỊNH THỊ HỒNG HẠNH

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Nhandan.vn

Nguồn:https://nhandan.vn/hau-phuong-quoc-te-trong-cuoc-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-post871545.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4
36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4
Việt Nam không những..., mà còn...!
Victory - Bond in Vietnam: Khi âm nhạc đỉnh cao hòa quyện với kỳ quan thiên nhiên thế giới

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm