
Sáng 10/7, Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Vì sao PCI thiếu đột phá?
HĐND tỉnh tiến hành chất vấn việc thực hiện các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khắc phục các hạn chế và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Người trả lời chính là Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải. Lãnh đạo các sở, ngành liên quan trả lời các nội dung thuộc thẩm quyền.
Đây là một trong những nội dung được cử tri và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, khi kết quả PCI năm 2024 tiếp tục cho thấy những mặt tích cực đan xen hạn chế, đòi hỏi các cấp chính quyền cần hành động quyết liệt và thực chất hơn.

Theo báo cáo trình kỳ họp, năm 2024, Nghệ An đạt 66,48 điểm PCI, tăng nhẹ 0,76 điểm so với năm 2023. Tuy nhiên, tỉnh vẫn giữ nguyên vị trí thứ 44/63 trên bảng xếp hạng toàn quốc, một kết quả khiến nhiều đại biểu băn khoăn.
Dù đã duy trì vị trí thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ, xếp sau Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) và Thanh Hóa nhưng khoảng cách giữa Nghệ An với các tỉnh dẫn đầu là khá lớn. So với Hải Phòng, địa phương đứng đầu cả nước, Nghệ An kém 8,36 điểm; so với Bà Rịa - Vũng Tàu (top 5), Nghệ An kém 4,69 điểm.

Trong số 10 chỉ số thành phần, tỉnh có 2 chỉ số đạt thứ hạng cao là Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và Tiếp cận đất đai, đều xếp thứ 7. Đặc biệt, chỉ số Tiếp cận đất đai có bước nhảy vọt khi tăng 48 bậc so với năm 2023, nhờ thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được rút ngắn từ 30 ngày xuống còn 12 ngày; tỷ lệ doanh nghiệp không gặp cản trở trong mở rộng mặt bằng tăng từ 27% lên 41%; tình trạng thiếu quỹ đất sạch được cải thiện rõ rệt. Đây là dấu hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực của chính quyền trong tháo gỡ nút thắt hạ tầng cho nhà đầu tư.
Cùng với đó, các chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, Chi phí không chính thức và Gia nhập thị trường cũng có sự chuyển biến. Tỷ lệ doanh nghiệp phải chi phí “ngoài luồng” cho một số thủ tục hành chính giảm xuống so với mặt bằng chung cả nước, một tín hiệu cho thấy công tác chấn chỉnh kỷ cương, chống nhũng nhiễu bước đầu có tác dụng.
Tuy nhiên, bức tranh PCI của Nghệ An năm nay vẫn còn những gam màu xám. Nhiều chỉ số quan trọng sụt giảm về điểm số lẫn thứ hạng. Chỉ số Minh bạch, vốn là nền tảng của một môi trường đầu tư lành mạnh, tụt tới 51 bậc, xếp thứ 59/63.
Chỉ số Đào tạo lao động cũng tiếp tục tụt hạng, đứng thứ 55 cả nước. Chỉ 34% doanh nghiệp đánh giá lao động địa phương đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng, thấp hơn nhiều so với mức trung vị cả nước 54%). Tình trạng thiếu hụt lao động kỹ năng, đặc biệt trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tiếp tục là lực cản lớn với dòng vốn đầu tư.
Nỗi lo về chất lượng cải cách hành chính cũng được nhiều đại biểu đặt ra khi chỉ số Chi phí thời gian tiếp tục giảm. Năm 2024 là năm thứ ba liên tiếp Nghệ An tụt hạng ở tiêu chí này. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết thủ tục hành chính số giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đều thấp hơn so với trung vị cả nước.

Điều đáng lo hơn là sự thiếu nhất quán trong thực thi chính sách. Theo kết quả khảo sát PCI, chỉ 19% doanh nghiệp cho rằng chủ trương, chính sách của tỉnh với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động là ổn định và nhất quán, con số này giảm mạnh so với 42% của năm trước. Có tới 68% doanh nghiệp đánh giá chính quyền huyện, thị xã (cũ) không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh.
Từ góc độ dài hạn, sau hơn một thập niên thực hiện Đề án cải thiện PCI, điểm số của tỉnh có xu hướng tăng ổn định. Tuy nhiên, sự thiếu đồng đều giữa các chỉ số thành phần dẫn đến thiếu đột phá và sự sụt giảm về xếp hạng trong những năm gần đây đang đặt ra nhiều yêu cầu cải cách cấp thiết hơn.
Phân loại, xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp theo 3 luồng: xanh, vàng, đỏ
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nội dung này, 12 đại biểu đặt 14 câu hỏi, tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là việc cải thiện các chỉ số còn thấp.
Trả lời đại biểu Nguyễn Đức Hồng (Tổ đại biểu số 8) về điểm mạnh, yếu và giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải cho biết: Nghệ An đang sở hữu nhiều lợi thế đặc biệt để phát triển.

Nổi bật là lợi thế về thể chế khi được Trung ương dành sự quan tâm lớn, thể hiện qua việc ban hành một loạt cơ chế, chính sách đặc thù như Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; các Nghị quyết 36 và Nghị quyết 137 của Quốc hội về thí điểm, bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Đây là những cơ sở và nền tảng pháp lý rất quan trọng, tạo dư địa rộng mở cho tỉnh thu hút đầu tư và phát triển đột phá.
Cùng với đó, Nghệ An có vị trí địa lý chiến lược, vừa là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, vừa hội tụ đầy đủ các loại hình hạ tầng: sân bay, cảng biển, ga đường sắt, hệ thống quốc lộ kết nối xuyên vùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh hiện vẫn còn một số điểm nghẽn cản trở sự phát triển bền vững và thu hút dòng vốn lớn như: Hạn chế về dư địa đất đai phát triển công nghiệp, hạ tầng logistics chưa hoàn chỉnh, thiếu sự kết nối đồng bộ, trong đó nổi bật là việc chưa có cảng biển nước sâu đủ sức tiếp nhận tàu trọng tải lớn, sân bay Vinh hiện cũng đang cải tạo, nâng cấp; mô hình tăng trưởng hiện chưa thực sự rõ nét; nền tảng chuyển đổi số của tỉnh, dù đã có những bước đi ban đầu, vẫn chưa được kết nối đồng bộ.

Trước thực trạng đó, tỉnh Nghệ An đã xác định các định hướng và giải pháp đột phá để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, trong đó nhấn mạnh phát huy tối đa lợi thế và thể chế vượt trội đang có, tận dụng cơ chế đặc thù để tạo sức hút khác biệt, cạnh tranh hơn trong thu hút đầu tư so với các địa phương trong khu vực.
Đồng thời, tỉnh tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư nhân; tháo gỡ các điểm nghẽn hạ tầng, đặc biệt là cảng biển nước sâu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, lấy khu vực Tây Nghệ An làm trung tâm của phát triển bền vững. Song song với đó là thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Về vấn đề này, trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Kim Chung (Tổ đại biểu số 5), người đứng đầu ngành Tài chính tỉnh cho biết: Hiện nay, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện dự thảo Kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết 68 và đang trong quá trình rà soát, thông qua.
Song song với đó, dự thảo kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh cũng đã được xây dựng với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung vào việc đổi mới tư duy, nhận thức đúng vai trò và vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế; tiếp cận theo hướng chính quyền kiến tạo, phục vụ, đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo lập môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kế hoạch cũng nhấn mạnh việc kết nối khu vực kinh tế tư nhân với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận vốn, đất đai, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp. Đây được xác định là nội dung trọng tâm, trụ cột trong Kế hoạch hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và UBND tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế địa phương.
.jpg)
Cũng với tinh thần ủng hộ và kiến tạo môi trường thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển, trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Thêu (Tổ đại biểu số 10) về việc liệu có hay không sự ưu ái dành cho các doanh nghiệp lớn so với doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong bối cảnh Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng năm 2024 của Nghệ An xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải khẳng định: Chủ trương điều hành của tỉnh là nhất quán, không có sự phân biệt đối xử theo loại hình hay quy mô doanh nghiệp. Thậm chí, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn được hưởng nhiều ưu đãi hơn, như chế độ kế toán đơn giản, được hưởng chính sách hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra hai nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa có cảm nhận như đang bị "lép vế" so với doanh nghiệp lớn. Thứ nhất, trong thiết kế chính sách hoặc các báo cáo điều hành định kỳ, tỉnh có xu hướng gọi tên các doanh nghiệp lớn, các dự án lớn, do đó, doanh nghiệp nhỏ dễ có cảm giác bị đứng ngoài cuộc hoặc không được quan tâm đúng mức.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp nhỏ thiếu bộ phận pháp lý, thiếu kênh tiếp cận thông tin chính sách, dẫn đến tình trạng không nắm được hoặc không tận dụng được các chính sách hỗ trợ hiện hành của Nhà nước và tỉnh. Điều này không chỉ tạo ra khoảng cách trong tiếp cận cơ hội mà còn làm gia tăng cảm giác bị "bỏ lại phía sau".
Để cải thiện Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng, một chỉ số quan trọng phản ánh mức độ công bằng trong tiếp cận chính sách và nguồn lực giữa các loại hình doanh nghiệp, ông Trịnh Thanh Hải cho biết, tỉnh sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Trước hết là công khai, minh bạch hóa thông tin về quy hoạch, đất đai, thủ tục đầu tư và các chính sách ưu đãi trên nền tảng số, để tất cả doanh nghiệp, không phân biệt quy mô, đều có thể theo dõi và tiếp cận dễ dàng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung thực hiện hiệu quả hơn các chính sách ưu đãi về thuế đất, tiếp cận tài chính và kế toán cho doanh nghiệp nhỏ, đồng thời khuyến khích mô hình kết nối giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, giúp các doanh nghiệp nhỏ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường.
Cũng với tinh thần cởi mở, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát tài, Nghệ An phát triển, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải, trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu, đã nêu rõ các giải pháp cụ thể nhằm cải thiện các chỉ số thành phần PCI, đặc biệt là những chỉ số đang ở mức thấp.

Nổi bật trong số các chỉ số thành phần PCI năm 2024 cần được cải thiện là chỉ số Chi phí thời gian, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố toàn quốc, giảm 0,83 điểm và tụt 7 bậc so với năm 2023. Nội dung này cũng được đại biểu Hồ Thị Thùy Trang (Tổ đại biểu số 6) đặc biệt quan tâm, đề nghị ngành chức năng phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục, nhất là trong bối cảnh mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đang trong giai đoạn đầu vận hành.
Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An Trịnh Thanh Hải cho biết, việc tụt hạng một số chỉ số thành phần trong PCI, đặc biệt là chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật, bắt nguồn từ 3 nguyên nhân chính.
Trước hết là do hệ thống quy định pháp luật hiện hành còn phức tạp, thiếu đồng bộ, nhiều thủ tục liên quan đến nhiều bộ luật khác nhau khiến việc thực thi bị kéo dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thứ hai là hồ sơ doanh nghiệp gửi về chưa đầy đủ, dẫn đến tình trạng phải bổ sung nhiều lần, làm mất thời gian xử lý và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện thủ tục. Thứ ba là yếu tố con người xuất phát từ một bộ phận cán bộ, công chức.
Ông Trịnh Thanh Hải cho biết, ngành đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số này theo hướng thực chất và bền vững. Trong đó, một trong những đổi mới quan trọng là tổ chức lại quy trình xử lý theo hướng song song và rút gọn, tức không đợi bước trước hoàn thành mới làm bước tiếp theo như trước đây. Thay vào đó, các bộ phận liên quan sẽ phối hợp giải quyết đồng thời nhiều khâu, nhằm rút ngắn tối đa thời gian xử lý thủ tục.
Ngành cũng sẽ áp dụng cơ chế phân luồng hồ sơ đầu vào ngay từ khâu tiếp nhận: hồ sơ đạt yêu cầu đầy đủ (luồng xanh) sẽ được xử lý ngay lập tức; hồ sơ cần bổ sung (luồng vàng) sẽ có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp hoàn thiện trong thời gian ngắn nhất; còn hồ sơ không đủ điều kiện (luồng đỏ) sẽ được trả lại kèm theo lý do rõ ràng. Việc phân luồng này không chỉ giúp giảm áp lực xử lý tại các khâu tiếp theo, mà còn tăng tính minh bạch, công bằng trong quá trình thụ lý hồ sơ hành chính.
Song song với đó, sẽ xây dựng và vận hành phần mềm giám sát quá trình xử lý hồ sơ công vụ. Phần mềm này cho phép theo dõi tiến độ, trách nhiệm cụ thể của từng cán bộ phụ trách, giúp lãnh đạo các cấp kịp thời chấn chỉnh nếu phát hiện chậm trễ hoặc ách tắc không rõ nguyên nhân.
Đáng chú ý, theo số liệu rà soát của ngành tài chính, thời gian thanh tra, kiểm tra thuế tại Nghệ An hiện nay trung bình là 56 giờ/cuộc, trong khi mức trung bình của cả nước là 24 giờ/cuộc. Đây là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp cảm thấy phiền hà, đồng thời làm giảm điểm đánh giá về chi phí không chính thức và sự thuận tiện trong tuân thủ pháp luật của tỉnh. Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An cũng cho rằng, cần đổi mới tần suất, rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra.

Cũng liên quan đến nội dung này, trả lời đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Tổ đại biểu số 17), ông Trịnh Thanh Hải cho biết đã lường trước những khó khăn để cải thiện Chỉ số PCI khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mới ở giai đoạn đầu vận hành. Do đó, để khắc phục, tỉnh tập trung 3 giải pháp trọng tâm gồm, hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, công chức cấp xã; thiết lập cơ chế giám sát linh hoạt, trước mắt phân vùng, chia lĩnh vực, tiến tới xây dựng ứng dụng giám sát quá trình xử lý thủ tục bao gồm: đầu vào, đầu ra, người thực hiện, tiến độ; bổ sung, cập nhật để đánh giá các sở, ngành và cấp xã thông qua Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI).
Ngoài ra, một vấn đề rất quan trọng theo Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An là việc nâng cao hiệu quả khảo sát, đánh giá đối với Chỉ số PCI. Bởi thực tế như năm 2024, số lượng doanh nghiệp được khảo sát tại Nghệ An là 1.796 (chiếm 3,8% so với cả nước, chiếm 10,75% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh); trong số doanh nghiệp được lấy phiếu khảo sát chỉ có 173 doanh nghiệp phản hồi (đạt tỷ lệ 9,6% doanh nghiệp được khảo sát, chiếm 2% so với cả nước và chiếm 1,03% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh).

Tỷ lệ phản hồi của doanh nghiệp khi được khảo sát PCI quá thấp đặt ra nhiều câu hỏi cho cả chính quyền và đơn vị khảo sát. Từ đó, ông Trịnh Thanh Hải cho rằng cần có sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các bên trong quá trình khảo sát, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc then chốt là tôn trọng tính độc lập, khách quan của cuộc điều tra. Cụ thể, ông đề xuất xem xét lựa chọn đối tượng khảo sát và thời điểm tiến hành phù hợp hơn với thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một điểm mấu chốt được ông Trịnh Thanh Hải nhấn mạnh là nâng cao chất lượng phục vụ của chính quyền ở cấp cơ sở, nơi doanh nghiệp tiếp xúc nhiều nhất và thường xuyên nhất.
Ngoài ra, các ý kiến liên quan đến lĩnh vực Nông nghiệp và Môi trường, Nội vụ, Tư pháp đã được Giám đốc các sở trên trả lời, giải trình cụ thể.
Nguồn: https://baonghean.vn/hdnd-tinh-nghe-an-chat-van-trach-nhiem-cai-thien-moi-truong-dau-tu-nang-thu-hang-pci-10301970.html
Bình luận (0)