Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hệ quả khi Trái Đất quay nhanh hơn

Đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đang dấy lên mối lo ngại về một hiện tượng gây ra bởi việc Trái Đất quay nhanh hơn, kể từ năm 1972.

ZNewsZNews23/07/2025

Trái Đất bắt đầu quay nhanh hơn từ năm 1972. Ảnh: Pixabay.

Trái Đất đang quay nhanh hơn trong mùa hè này. Ngày 10/7 là ngày ngắn nhất trong năm cho đến hiện tại, kém 24 giờ khoảng 1,36 mili giây, theo dữ liệu từ Dịch vụ Xoay Trái Đất và Hệ Tham chiếu Quốc tế (IERS) và Đài Quan sát Hải quân Hoa Kỳ.

Một số ngày đặc biệt ngắn khác ngay sau đó là vào 22/7 và ngày 5/8, được dự đoán sẽ ngắn hơn lần lượt 1,34 và 1,25 mili giây so với 24 giờ. Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng này về lâu dài sẽ để lại hệ quả nghiêm trọng, và đang dành nhiều thời gian nghiên cứu.

Tác động của ngày ngắn hơn

Độ dài của một ngày được tính bằng thời gian Trái Đất hoàn thành một vòng quay quanh trục, trung bình là 24 giờ hoặc 86.400 giây. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi vòng quay có sự dao động nhẹ do nhiều yếu tố, chẳng hạn như lực hấp dẫn của Mặt Trăng, sự thay đổi theo mùa của khí quyển và ảnh hưởng từ lớp lõi lỏng của Trái Đất.

Sự chênh lệch chỉ tính bằng mili giây, không ảnh hưởng đến đời sống thường ngày. Nhưng về lâu dài, điều này cộng dồn lại có thể ảnh hưởng đến máy tính, vệ tinh và viễn thông. Vì thế, ngay cả những chênh lệch thời gian nhỏ nhất cũng được theo dõi bằng đồng hồ nguyên tử từ năm 1955.

Ngày 5/7/2024 được ghi nhận là ngày ngắn nhất của Trái Đất kể từ khi đồng hồ nguyên tử ra đời cách đây 65 năm, kém 24 giờ tới 1,66 mili giây. Một số chuyên gia tin rằng điều này có thể dẫn đến kịch bản tương tự sự cố Y2K, từng đe dọa làm tê liệt nền văn minh hiện đại.

Trai Dat quay nhanh hon anh 1

Một chiếc đồng hồ nguyên tử tại Braunschweig, Đức. Ảnh: Timeanddate.

“Chúng ta đã chứng kiến xu hướng ngày dần ngắn hơn kể từ năm 1972”, Duncan Agnew, giáo sư danh dự ngành địa vật lý tại Viện Hải dương học Scripps, cho biết. Trước năm 1972, Trái Đất quay tương đối chậm, khiến IERS quyết định bổ sung một “giây nhuận” vào UTC (giờ phối hợp quốc tế).

Kể từ năm 1972, tổng cộng đã có 27 giây nhuận được thêm vào giờ UTC, nhưng tốc độ bổ sung ngày càng chậm lại do Trái Đất quay nhanh hơn. IERS chưa thêm giây nhuận nào từ năm 2016 đến nay.

Năm 2022, Hội nghị Tổng quát về Cân đo (CGPM) đã bỏ phiếu thông qua việc loại bỏ giây nhuận vào năm 2035, đồng nghĩa với việc chúng ta có thể sẽ không bao giờ thấy thêm một giây nhuận nào nữa. Tuy nhiên, nếu Trái Đất tiếp tục quay nhanh hơn trong vài năm tới, theo ông Agnew, sẽ có 40% khả năng lần đầu tiên sẽ có một giây sẽ cần được loại bỏ khỏi giờ UTC.

Vì sao Trái Đất quay nhanh hơn?

Ông Agnew cho biết những thay đổi ngắn hạn nhất chủ yếu đến từ Mặt Trăng và thủy triều. Trái Đất quay chậm hơn khi Mặt Trăng nằm trên xích đạo và quay nhanh hơn khi vệ tinh này ở các vĩ độ cao hoặc thấp hơn.

Vào mùa hè, Trái Đất tự nhiên quay nhanh hơn, do bầu khí quyển chậm lại bởi các thay đổi theo mùa. Theo định luật vật lý về tổng động lượng góc, khi khí quyển quay chậm lại, Trái Đất sẽ quay nhanh hơn để bù đắp. Tương tự, trong 50 năm qua, lớp lõi lỏng của Trái Đất cũng quay chậm lại, khiến phần Trái Đất rắn bên ngoài quay nhanh hơn.

Trai Dat quay nhanh hon anh 2

Mặt Trăng và thuỷ triều là 2 nguyên nhân khiến Trái Đất quay nhanh hơn. Ảnh: NASA.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu lại góp phần làm chậm tốc độ quay của Trái Đất. Một nghiên cứu được Agnew công bố năm ngoái cho thấy, việc băng tan ở Nam Cực và Greenland giống như một vận động viên trượt băng xoay người với hai tay giơ lên cao, nhưng sẽ quay chậm lại nếu hạ tay xuống dọc cơ thể. Ứng dụng tương tự đang xảy ra với tốc độ quay của Trái Đất.

Tuy nhiên, về lâu dài, nếu hiệu ứng nhà kính ngày càng gia tăng, ảnh hưởng của nó sẽ mạnh hơn lực của Mặt Trăng, theo nghiên cứu từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ. Điều này sẽ khiến ngày dài ngắn tại từng khu vực, cũng như vệ tinh, GPS, trở nên khó kiểm soát.

Judah Levine, nhà vật lý học tại Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST) đưa ra lo ngại nếu trường hợp giây nhuận âm thành sự thật. Vì giả thuyết này trước đó chỉ được đưa vào tiêu chuẩn cho hoàn chỉnh. Mọi người đều cho rằng chỉ cần thêm giây nhuận dương là đủ.

Ngay cả với giây nhuận dương, sau 50 năm vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. “Đến giờ, một số hệ thống máy tính, mạng lưới viễn thông vẫn dùng sai số lượng giây, dù đã được thực hiện nhiều lần với giây nhuận dương”, ông Levine cho biết, đồng thời nhấn mạnh mối lo ngại sẽ phức tạp hơn khi giây nhuận trở nên âm.

Nguồn: https://znews.vn/he-qua-khi-trai-dat-quay-nhanh-hon-post1570854.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm