Thời điểm quyết định để chuyển đổi
Dù đạt doanh thu hơn 4.500 tỷ đồng trong năm 2024 (theo thống kê từ Cục Xuất bản, In và Phát hành), nhưng thị trường xuất bản Việt Nam vẫn bị đánh giá là “chưa tương xứng với tiềm năng”. Với dân số trên 100 triệu người, theo ước tính, ngành này có thể đạt quy mô 20.000 tỷ đồng mỗi năm nếu khai thác hiệu quả các cơ hội mà công nghệ số mang lại.

Tại Diễn đàn Xuất bản số 2025 vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, khẳng định, chuyển đổi số là điều tất yếu trong thời đại mới. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, nơi cách tiếp cận tri thức đã thay đổi hoàn toàn. Xuất bản không thể tiếp tục vận hành như cũ mà phải thực sự hành động để chuyển đổi, xây dựng một nền tảng xuất bản số quốc gia đồng bộ, hội nhập”.
Dẫn lời các doanh nghiệp làm sách, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books, cho rằng, xuất bản hiện nay không còn đơn thuần là việc in sách. Thay vào đó, đó là một “hành trình cá nhân hóa, tương tác”, thông qua các định dạng linh hoạt như ebook (sách điện tử), flashcard (sách dạng tóm tắt), microlearning (các khóa học kiến thức từ sách)… “Xuất bản số giúp rút ngắn chuỗi trung gian, giảm chi phí và quan trọng nhất là làm cho tri thức dễ dàng tiếp cận hơn”, ông Bình chia sẻ.
Tuy nhiên, tiềm năng dù mạnh mẽ nhưng rào cản, trở ngại cũng không ít. Theo đánh giá của giới xuất bản, Việt Nam vẫn đang loay hoay ở vạch xuất phát. Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty Aki (chuyên xuất nhập khẩu sách) chỉ ra rằng những rào cản về hạ tầng, tư duy cũ kỹ và đặc biệt là vấn đề đảm bảo bản quyền đang khiến ngành xuất bản khó bứt phá. “Nhu cầu đọc sách số của độc giả trong nước rất lớn nhưng hiện họ lại đang rất thiếu nơi để tiếp cận sách số có bản quyền một cách thuận tiện và chính thống”, ông nhận định. Cũng theo ông Hùng, trong khi thế giới đã phổ biến máy đọc sách từ hơn 15 năm trước, thì tại Việt Nam, việc hỗ trợ các thiết bị chuyên dụng này vẫn rất hạn chế. Sự thiếu vắng của các công cụ hỗ trợ khiến trải nghiệm đọc không trọn vẹn, và vô hình trung đẩy người dùng đến với các nền tảng vi phạm bản quyền.
Xây dựng hệ sinh thái tri thức hiện đại
Để khai thác “mỏ vàng” xuất bản số, việc thay đổi tư duy từ sản phẩm đơn lẻ sang hệ sinh thái nội dung là điều kiện tiên quyết. “Đa dạng hóa nội dung chính là đặc trưng cốt lõi của xuất bản hiện đại”, ông Nguyễn Cảnh Bình khẳng định. Nhờ ứng dụng công nghệ, một cuốn sách giấy có thể được tái cấu trúc thành nhiều sản phẩm phái sinh như sách nói (audiobook), sách tóm lược, sách tóm tắt, video ngắn, podcast hay khóa học tương tác.

Một ví dụ điển hình cho cách tiếp cận này là cuốn Chiến lược đại dương xanh dày 600 trang, Alpha Books đã tái sinh thành nhiều định dạng: từ flashcard (thẻ ghi nhớ nội dung sách), khóa học 60 phút cho nhà lãnh đạo, tới mô hình học microlearning (các bài học ngắn chỉ vài phút từ các nội dung của sách). “Đây là mô hình quản lý vòng đời nội dung, mỗi sản phẩm gốc có thể tái sinh thành hàng chục phiên bản, số lượng người tiếp cận sách cao hơn hàng chục lần so với bản sách truyền thống ban đầu”, ông Bình phân tích.
Tuy nhiên, để xây dựng một hệ sinh thái bền vững, ngành xuất bản không thể chỉ dừng lại ở khâu sản xuất nội dung. Theo ông Vinh, cần một cấu trúc tổng thể từ sản xuất đến phân phối, đồng thời phải xử lý triệt để bài toán bản quyền. “Nếu không có giải pháp căn cơ cho vấn đề bản quyền, sẽ không ai dám đầu tư vào nội dung số”, ông nhấn mạnh. Một hướng đi được đề xuất là mô hình “Airbook” do ông Nguyễn Thế Hùng đưa ra. Đây là hệ sinh thái tích hợp gồm thiết bị đọc chuyên dụng, nội dung chuẩn hóa, nền tảng phân phối và công nghệ bảo vệ bản quyền. Theo ông Hùng, mô hình này vừa giúp độc giả có trải nghiệm trọn vẹn, vừa tạo nguồn thu bền vững cho nhà xuất bản.
Xuất bản số không chỉ là một giải pháp công nghệ, mà là một định hướng chiến lược toàn diện. Đó là cơ hội lịch sử để ngành xuất bản Việt Nam chuyển mình, tạo bước phát triển đột phá và khẳng định vị thế trong nền kinh tế nội dung toàn cầu.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/he-sinh-thai-sach-so-mo-vang-khong-the-bo-lo-post802871.html
Bình luận (0)