Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hệ thống camera AI giám sát tác động vào xã hội Trung Quốc ra sao?

(Dân trí) - Một mạng lưới camera giám sát khổng lồ đang âm thầm vận hành tại Trung Quốc, nơi mọi bước đi, giao dịch và tương tác số đều được ghi lại, phân tích.

Báo Dân tríBáo Dân trí17/07/2025

Trong thời đại số, dữ liệu không chỉ là tài nguyên mới, mà còn là công cụ quyền lực tối thượng. Tại Trung Quốc, nơi được mệnh danh là "quốc gia được kết nối nhất thế giới", một hệ sinh thái giám sát tinh vi đang vận hành âm thầm nhưng mạnh mẽ.

Camera nhận diện khuôn mặt đặt dày đặc ở mọi ngã tư, thuật toán phân tích hành vi chạy ngầm trong mọi ứng dụng từ thanh toán điện tử đến mạng xã hội, dữ liệu cá nhân được tổng hợp thành những hồ sơ số chi tiết đến mức từng bước chân, giao dịch... cũng có thể được phân tích.

Bức tranh toàn cảnh về giám sát bằng camera tại Trung Quốc hiện tại đang được áp dụng thế nào? Và đâu là những mắt xích dữ liệu đang kết nối mọi công dân vào guồng quay giám sát này?

Bức tranh tổng thể về giám sát bằng camera tại Trung Quốc

Trung Quốc hiện đang dẫn đầu toàn cầu về triển khai hệ thống camera giám sát CCTV (Closed-Circuit Television), với hơn 700 triệu camera an ninh lắp đặt trên toàn quốc tính đến năm 2024, theo thống kê từ ComparitechStatista.

Đây là con số vượt xa bất kỳ quốc gia nào khác và tương đương với gần nửa số camera giám sát toàn cầu, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia sở hữu hệ sinh thái camera giám sát lớn nhất thế giới.

Các hệ thống này không chỉ ghi hình đơn thuần mà còn tích hợp các công nghệ nhận diện khuôn mặt, phân tích hành vi, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để theo dõi hành vi xã hội trong thời gian thực.

Hệ thống camera AI giám sát tác động vào xã hội Trung Quốc ra sao? - 1

Mô hình "thành phố thông minh" tại Trung Quốc đã biến camera thành những “mắt thần” không ngủ (Ảnh: NYTimes).

Từ các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải đến các vùng nông thôn xa xôi, camera CCTV đã trở thành một phần không tách rời của đời sống hiện đại Trung Quốc.

Không quá khó để nhận thấy, mô hình "thành phố thông minh" (Smart City) tại Trung Quốc đã biến camera thành những “mắt thần” không ngủ. Những thiết bị này được tích hợp AI để phân tích các hành vi bất thường như tụ tập đông người, đi ngược chiều, đỗ xe trái phép hoặc vượt đèn đỏ.

Không chỉ giới hạn trong quản lý giao thông, camera CCTV còn đóng vai trò trong việc xây dựng hệ thống "điểm tín nhiệm xã hội", nơi công dân được đánh giá và phân loại dựa trên hành vi công cộng. Đây chính là điểm then chốt cho tham vọng của Trung Quốc trong việc thiết lập một xã hội vận hành bằng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu thời gian thực.

Một trong những công nghệ cốt lõi được tích hợp trong hệ sinh thái CCTV Trung Quốc là nhận diện khuôn mặt (Facial Recognition). Nhờ vào việc nhận diện nhanh và chính xác, các thuật toán AI hiện nay có thể xác định danh tính của một người trong vòng vài giây, ngay cả khi họ đeo khẩu trang hoặc đội mũ.

Công nghệ này được sử dụng ngày một phổ biến để truy vết tội phạm, tìm kiếm người mất tích, kiểm soát ra vào khu dân cư, khu thương mại, trường học, tàu điện ngầm...

Ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt: Từ an ninh đến thương mại

Không chỉ được sử dụng cho mục đích an ninh, công nghệ nhận diện khuôn mặt còn thâm nhập sâu vào lĩnh vực bán lẻ, ngân hàng và quản trị đô thị.

Một số cửa hàng tại Bắc Kinh và Hàng Châu cho phép khách thanh toán chỉ bằng cách quét khuôn mặt, không cần dùng tiền mặt hay thẻ ngân hàng. Trong các trường học, hệ thống CCTV có thể nhận diện học sinh đến muộn, ngủ gật trong lớp hoặc có hành vi bất thường.

Các dấu vết kỹ thuật số (giao dịch, mạng xã hội, định danh, di động, ứng dụng...) không tồn tại độc lập mà kết hợp chặt chẽ với hệ thống CCTV. Tại đó, mỗi hành vi bạn thực hiện đều góp phần vào hồ sơ số hóa.

Hệ thống camera AI giám sát tác động vào xã hội Trung Quốc ra sao? - 2

Mọi thao tác người dùng trên Internet đều có thể truy vết, từ địa điểm, email, ứng dụng, tin nhắn, ảnh... cho đến giao dịch trực tuyến, bài đăng trên mạng, liên hệ trong danh bạ (Ảnh: NYTimes).

Cụ thể, hệ thống camera giám sát (CCTV) ghi lại hình ảnh khuôn mặt, giọng nói và hành vi của người dân nơi công cộng, trong khi các nền tảng thanh toán số như Alipay hay WeChat Pay lưu trữ chi tiết về thói quen tiêu dùng, mức chi tiêu và địa điểm giao dịch.

Đồng thời, các mạng xã hội ghi nhận toàn bộ nội dung được đăng tải, bao gồm bài viết, bình luận, hình ảnh, và thời điểm tương tác.

Toàn bộ những nguồn dữ liệu này, khi được tích hợp lại, hình thành nên một mạng lưới giám sát kỹ thuật số toàn diện. Dưới sự hỗ trợ của thuật toán học máy (machine learning) và AI, hệ thống có thể phân tích hành vi, xây dựng hồ sơ công dân số, và đưa ra các đánh giá định lượng về độ tin cậy xã hội.

Các đánh giá này được sử dụng để kiểm soát quyền truy cập vào các dịch vụ như mua vé tàu cao tốc, vay tín dụng, đặt phòng khách sạn, hoặc thậm chí ra nước ngoài. Về lâu dài, dữ liệu còn có thể phục vụ các mô hình AI dự báo rủi ro hành vi, từ đó hỗ trợ nhà chức trách trong việc phòng ngừa các hành vi bị coi là không chuẩn mực.

Hệ thống camera AI giám sát tác động vào xã hội Trung Quốc ra sao? - 3

Camera an ninh đóng vai trò quan trọng cho hệ thống "tín nhiệm xã hội" thương mại và công cộng tại Trung Quốc (Ảnh: SCMP).

Đáng chú ý, Trung Quốc hiện cũng là quốc gia có số lượng công ty công nghệ sản xuất thiết bị giám sát hàng đầu thế giới, cung cấp hàng triệu camera và hệ thống phần mềm quản lý cho cả trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên lo ngại từ phía phương Tây, cho rằng một số công ty công nghệ Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ giám sát theo cách ảnh hưởng đến quyền riêng tư, đặc biệt tại Mỹ và một số nước châu Âu.

Bài học công nghệ cho các quốc gia đang phát triển

Trong thời đại số hóa toàn diện, việc ứng dụng các công nghệ giám sát thông minh không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu tất yếu nhằm quản lý đô thị, phòng chống tội phạm và nâng cao hiệu quả quản trị xã hội.

Không thể phủ nhận rằng Trung Quốc – cường quốc công nghệ số một thế giới và nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu hiện nay, đã triển khai thành công một hệ sinh thái giám sát tích hợp giữa AI, Big Data và mạng lưới camera dày đặc, mang lại nhiều kết quả tích cực trong thực tiễn quản lý dân cư, trật tự công cộng, giao thông, y tế và tài chính.

Trong ấn phẩm mang tên Surveillance State (tạm dịch: Nhà nước giám sát) của hai nhà báo Josh Chin và Liza Lin (báo Wall Street Journal - Mỹ), các tác giả khẳng định, những công nghệ này thực tế không phải là phát minh của Trung Quốc, mà chủ yếu được phát triển tại Thung lũng Silicon (Mỹ), bởi các tập đoàn như Google, Facebook và Amazon.

Điều khác biệt là quốc gia nào có thể ứng dụng hiệu quả hơn, triển khai trên quy mô rộng lớn hơn, đồng thời có kiểm soát chặt chẽ và mang tính chiến lược quốc gia.

Các quốc gia phát triển như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu... đã thành công tận dụng sức mạnh công nghệ hiện đại để nâng cấp toàn bộ hệ thống theo hướng thông minh và có khả năng dự đoán hành vi.

Đây cũng là điều mà nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển có thể học hỏi.

Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/he-thong-camera-ai-giam-sat-tac-dong-vao-xa-hoi-trung-quoc-ra-sao-20250717111317250.htm


Chủ đề: AIcameragiám sát

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm