Tại Quảng Ninh, thời gian gần đây các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý một số vụ việc liên quan đến thực phẩm giả, trong đó đáng chú ý là việc thu hồi 12 sản phẩm sữa bột dinh dưỡng giả được tiêu thụ tại một số địa phương. Các sản phẩm này không có số tiếp nhận công bố sản phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác thể hiện dấu hiệu giả mạo thương hiệu nổi tiếng. Hành vi trên không chỉ vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai.
Sở Y tế khuyến cáo người dân không nên sử dụng 72 sản phẩm sữa của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dinh dưỡng Hacofood do đang tiếp tục điều tra cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan công an.
Chia sẻ về vụ việc này, bà Nguyễn Thị Thanh (tổ 4, khu 5, phường Hồng Hải, TP Hạ Long) bày tỏ sự lo lắng: “Là người tiêu dùng, tôi rất hoang mang khi nghe tin có sữa giả, nhất là trong bối cảnh nhiều gia đình có con nhỏ, người già hay người bệnh đều phải dùng sữa hằng ngày. Sữa là thực phẩm thiết yếu, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, mà giờ còn bị làm giả thì thật nguy hiểm. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, đồng thời hướng dẫn người dân cách nhận biết sữa thật - giả rõ ràng hơn”.
Trước thực trạng các thực phẩm giả, nhất là các loại sữa bột giả gia tăng, Sở Y tế đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn rà soát, kiểm tra thu hồi toàn bộ 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) là hàng giả nếu phát hiện còn trên thị trường và xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời gửi báo cáo kết quả xử lý về Sở Y tế qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trước ngày 15/5/2025 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế.
Ngành Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quản lý thị trường, công an, hải quan, y tế... nhằm rà soát, truy xuất nguồn gốc và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Riêng quý I/2025, toàn tỉnh kiểm tra hơn 150 cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và thuốc, trong đó phát hiện nhiều cơ sở có dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, điều kiện bảo quản và quảng cáo sai sự thật.
Người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, chỉ mua hàng tại các cơ sở uy tín, có hóa đơn, chứng từ rõ ràng; kiểm tra kỹ nhãn mác, số đăng ký, hạn sử dụng, mã vạch và thông tin nhà sản xuất. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.
Ngành Y tế khuyến cáo tới người dân: Khi lựa chọn mua thực phẩm chức năng, sữa dinh dưỡng hoặc các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, cần ưu tiên mua tại các cơ sở uy tín, có giấy phép kinh doanh hợp pháp, có hóa đơn chứng từ rõ ràng. Người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ nhãn mác sản phẩm, thông tin nhà sản xuất, hạn sử dụng, mã vạch, số công bố sản phẩm; tránh mua hàng trôi nổi trên mạng xã hội hoặc từ những nguồn không rõ ràng. Khi phát hiện sản phẩm có dấu hiệu bất thường, người dân cần chủ động báo cáo cơ quan chức năng để xử lý kịp thời, tránh gây hậu quả cho cộng đồng.
Thực phẩm giả là “mối nguy thầm lặng”, bởi hậu quả không xảy ra tức thời mà âm ỉ, tích tụ, gây tổn hại lâu dài tới sức khỏe. Để bảo vệ bản thân và gia đình, người dân cần tỉnh táo, chủ động trong lựa chọn tiêu dùng; đồng thời các ngành chức năng cần tiếp tục làm tốt vai trò giám sát, quản lý, xử lý vi phạm triệt để, không để hàng giả có cơ hội xuất hiện trên thị trường.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/hiem-hoa-khon-luong-tu-thuc-pham-gia-3356689.html
Bình luận (0)