Niềm vui an cư
Những ngày qua, căn nhà tình nghĩa của gia đình bà Nguyễn Thị Xinh (sinh năm 1965) ở tổ dân phố Phố Bùi, xã Tân Yên luôn rộn vang tiếng cười bởi nhiều người thân, hàng xóm đến chúc mừng bà có ngôi nhà mới khang trang. Bà Xinh là con của liệt sĩ Nguyễn Văn Diễn (sinh năm 1940), hy sinh năm 1966. Trong căn nhà còn mùi sơn mới, bà Xinh tâm sự: “Khi tôi được 3 tháng tuổi, gia đình nhận giấy báo tử của bố tôi. Mẹ tôi vất vả bươn chải nuôi tôi và anh trai trưởng thành. Hoàn cảnh của tôi khó khăn vì một mình nuôi ba con. Bây giờ các con đều đã có gia đình riêng nhưng đứa thì ở xa, đứa lại túng thiếu nên cũng không đỡ đần được mẹ. Tôi chỉ dựa vào mấy sào ruộng để có chi phí sinh hoạt nên dù nhiều năm sống trong căn nhà đã xuống cấp song không có điều kiện sửa chữa. Nay được hỗ trợ xây ngôi nhà mới, tôi mừng lắm!”.
Bà Nguyễn Thị Xinh (giữa) trong ngôi nhà mới. |
Trong tổng số hơn 300 triệu đồng chi phí làm nhà có 60 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025 dành cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ (ngân sách nhà nước). Để niềm vui an cư thêm trọn vẹn, trong ngày khánh thành công trình, chính quyền, các hội, đoàn thể địa phương tặng bà Xinh nhiều phần quà ý nghĩa.
Trên địa bàn xã Phù Lãng năm nay có 2 hộ người có công được hỗ trợ cải tạo nhà ở từ ngân sách nhà nước. Trong đó có gia đình ông Nguyễn Văn Ninh (sinh năm 1957), thôn Đoàn Kết. Ông tham gia kháng chiến chống Mỹ, bị thương năm 1974. Người thương binh ấy xuất ngũ trở về quê hương với tỷ lệ thương tật 48%. Vợ chồng ông chăm chỉ cấy lúa, làm vườn, chăm sóc, dạy dỗ các con trưởng thành. Năm 2015, vợ ông không may bị tai biến, sức khỏe mỗi ngày một yếu; 3 con trai của ông, trong đó 2 người đã lập gia đình nhưng vẫn ở chung với bố mẹ. Hiện cả gia đình có 9 nhân khẩu sinh hoạt trong căn nhà ngói 3 gian đã xuống cấp nhiều năm.
“Trời nắng không sao chứ mùa mưa bão đến thì luôn thường trực nỗi lo nhà đổ. Điều kiện kinh tế khó khăn, nếu không có cấp ủy, chính quyền quan tâm, có lẽ không biết bao giờ tôi mới có được ngôi nhà kiên cố. Không chỉ vậy, đại diện các cấp, ngành, đoàn thể địa phương thường qua lại thăm hỏi, động viên, giúp đỡ khiến tôi thực sự ấm lòng”, ông Ninh chia sẻ. Gia đình ông Ninh được hỗ trợ 100 triệu đồng để xây nhà. Quá trình thi công, các đoàn thể, bà con trong thôn hỗ trợ hàng trăm ngày công tháo dỡ, xây dựng...
Tiếp tục rà soát, kịp thời hỗ trợ
Theo báo cáo của Phòng Người có công (Sở Nội vụ), tỉnh Bắc Ninh hiện đang quản lý hơn 284 nghìn hồ sơ người có công. Trong đó có hơn 37,2 nghìn liệt sĩ; hơn 37,8 nghìn thương binh, bệnh binh; hơn 2,8 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng; còn lại là người hoạt động kháng chiến, nạn nhân chất độc da cam… Đến nay, toàn tỉnh có hơn 40 nghìn người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Trong số các gia đình chính sách vẫn còn nhiều trường hợp khó khăn, đặc biệt là về nhà ở cần được hỗ trợ.
Năm 2025, toàn tỉnh có 284 trường hợp người có công, thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ kinh phí cải tạo nhà ở (160 hộ xây mới, 124 hộ sửa chữa). Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 17,6 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa khoảng 5,9 tỷ đồng. Đến nay, 100% các hộ đã khởi công, hoàn thành và được nhận bàn giao công trình. |
Thực hiện Quyết định số 539/QĐ-TTg năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh; chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo ở cơ sở. UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện; triển khai sâu rộng phong trào đến các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương. Kết quả năm 2025, toàn tỉnh có 284 trường hợp người có công, thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ kinh phí cải tạo nhà ở (160 hộ xây mới, 124 hộ sửa chữa). Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 17,6 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa khoảng 5,9 tỷ đồng. Đến nay, 100% các hộ đã khởi công, hoàn thành và được nhận bàn giao công trình.
Nhiều đơn vị, địa phương có cách làm sáng tạo trong công tác vận động, triển khai xây dựng, thể hiện lòng thành kính, ghi nhớ công ơn người có công. Như tại xã Gia Bình, từ nhiều năm nay, ngoài xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, địa phương còn thành lập ban vận động ủng hộ kinh phí cải thiện nhà ở cho gia đình chính sách. Lãnh đạo địa phương có thư kêu gọi gửi đến các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn nhằm huy động thêm nguồn kinh phí cho hoạt động ý nghĩa này. Sau khi hoàn thành hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ người có công trên địa bàn, số tiền vận động nếu còn dư sẽ được sử dụng để tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách.
Tại Công an tỉnh, ban lãnh đạo phát động phong trào thi đua đặc biệt; chia theo đợt và lồng ghép với các phong trào hướng tới dịp kỷ niệm quan trọng của ngành. Trong quá trình triển khai, các đơn vị nghiệp vụ, công an cơ sở chủ động phối hợp với chính quyền, MTTQ khảo sát thực trạng nhà ở, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng. Đặc biệt, đơn vị đã mở đợt cao điểm vận động cán bộ, chiến sĩ ủng hộ, huy động các nguồn xã hội hóa; phân công lực lượng trực tiếp đóng góp ngày công giúp đỡ gia đình chính sách hoàn thành công trình.
Nhằm thực hiện hiệu quả Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục phối hợp, thường xuyên rà soát, nắm tình hình, đánh giá thực trạng nhà ở của người có công, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn. Từ đó làm cơ sở để huy động các nguồn lực, kịp thời hỗ trợ các trường hợp khó khăn. Ngoài việc lựa chọn đúng đối tượng, các ngành, địa phương quan tâm khảo sát để tư vấn quy mô xây dựng phù hợp với điều kiện của mỗi gia đình; hỗ trợ giải quyết những vướng mắc phát sinh; thường xuyên đôn đốc, giám sát việc thi công, bảo đảm chất lượng công trình và tiến độ bàn giao.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/ho-tro-nguoi-co-cong-lam-nha-o-tri-an-sau-sac-nghia-tinh-postid421549.bbg
Bình luận (0)