Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Họa sĩ Phạm Lực và những nét vẽ đầy cảm xúc

NDO - Gom nhặt từ nhiều bộ sưu tập cá nhân giá trị, một triển lãm trưng bày hơn 70 tác phẩm của họa sĩ Phạm Lực đã được tập hợp và giới thiệu đến đông đảo người yêu nghệ thuật từ ngày 18-24/4 tại Hà Nội. Trong dịp này, cuốn sách “Cây cọ được Chúa cầm tay” về vị họa sĩ tài hoa cũng được nhà sưu tầm Nguyễn Sĩ Dũng ra mắt công chúng.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân19/04/2025

Sự kiện do Câu lạc bộ sưu tập nghệ thuật Ngọc Hà phối hợp cùng nhà sưu tầm Nguyễn Sĩ Dũng tổ chức, nhằm tri ân những đóng góp trong hành trình hoạt động nghệ thuật bền bỉ của họa sĩ Phạm Lực.

Chia sẻ về câu chuyện đằng sau sự kiện, nhà sưu tầm Nguyễn Sĩ Dũng cho biết: "Ý tưởng thực hiện triển lãm tranh và xuất bản cuốn sách dành riêng cho Phạm Lực ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt. Có lần, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến nhà tôi. Ngắm nhìn những tác phẩm do Phạm Lực vẽ, ông ấy đã thốt lên rằng: quả là một cây cọ được Chúa cầm tay! Và rằng tôi sẽ có lỗi rất lớn nếu như chỉ giữ khư khư những tác phẩm ấy cho riêng mình. Giá trị của nghệ thuật sẽ được lan tỏa nếu như chạm đến trái tim của đông đảo công chúng".

Cuốn sách “Cây cọ được Chúa cầm tay” cũng như trưng bày cá nhân các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Phạm Lực đã ra đời từ đó.

Được nhớ đến là một trong những họa sĩ tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, Phạm Lực không chỉ đơn thuần là họa sĩ, ông còn là người kể những câu chuyện về lịch sử dân tộc bằng hội họa. Từ hình ảnh người lính trong cuộc kháng chiến vĩ đại, người mẹ tảo tần, người dân quê chân chất, cho đến mỗi khoảnh khắc đời thường, tất cả đều được ông khắc họa qua những nét vẽ đầy cảm xúc.

Vẽ, với Phạm Lực, là việc chớp lấy những cảm xúc bất chợt ùa về trong một trạng thái xuất thần. Ông khắc họa bằng kỹ thuật điêu luyện, với những cảm xúc và lòng yêu quê hương, đất nước nồng nàn. Ông thường sử dụng các chất liệu truyền thống như: sơn dầu, lụa, đặc biệt là báo cũ để tạo nên những tác phẩm có chiều sâu về văn hóa và lịch sử.

Tác giả của cuốn sách - Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng từng đảm nhận vị trí Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ngoài việc nghiên cứu về giáo dục, khoa học và xã hội, ông còn có niềm đam mê mãnh liệt với hội họa.

Từng trang sách đã lần lượt thuật lại cuộc đời của Phạm Lực từ thời ấu thơ ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, qua những năm tháng chiến tranh, đến khi trở thành một họa sĩ nổi danh. Những trải nghiệm sống phong phú đã bồi đắp một phong cách hội họa độc đáo, kết hợp giữa sự táo bạo và giản dị, chân thực và đầy chất thơ mang tên Phạm Lực.​

Yêu mến tranh của Phạm Lực, nhà sưu tầm Nguyễn Sĩ Dũng luôn chắt chiu, góp nhặt từng tác phẩm của họa sĩ vào bộ sưu tập quý giá của mình. "Triển lãm và cuốn sách này là món quà, sự tri ân sâu sắc của chúng tôi gửi đến Phạm Lực. Tôi yêu quý Lực như người thân ruột thịt và khâm phục sức sáng tác mãnh liệt của người nghệ sĩ tài hoa", ông Dũng cho biết.

Họa sĩ Phạm Lực và những nét vẽ đầy cảm xúc ảnh 1

Cuốn sách là món quà của nhà sưu tầm Nguyễn Sĩ Dũng dành cho họa sĩ Phạm Lực.

Đối tượng trong tranh của Phạm Lực rất đa dạng. Ông vẽ nhiều về phố xá, cảnh vật, cuộc sống, chiến tranh. Nhưng trở đi trở lại trong các sáng tác của Phạm Lực vẫn là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến.

"Đằng sau mỗi bức tranh Phạm Lực vẽ luôn ẩn chứa một câu chuyện. Chẳng hạn như bức 'Cô Lán' là nơi Phạm Lực gửi gắm nỗi nhớ nhung với một người con gái mà mình thương yêu mà chưa từng có cơ hội gặp lại. Có lần, nhắc đến tác phẩm này, Phạm Lực đã bật khóc khi hồi tưởng về những kỷ niệm xưa cũ", nhà sưu tầm Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Vẽ, với Phạm Lực, là việc chớp lấy những cảm xúc bất chợt ùa về trong một trạng thái xuất thần. Ông khắc họa bằng kỹ thuật điêu luyện, với những cảm xúc và lòng yêu quê hương, đất nước nồng nàn. Ông thường sử dụng chất liệu truyền thống như sơn dầu, lụa và đặc biệt là báo cũ để tạo nên những tác phẩm có chiều sâu về văn hóa và lịch sử.

Một trong những điểm đặc biệt trong tranh Phạm Lực là màu sắc. Sự kết hợp, đan xen giữa những mảng màu trong tranh ông vô cùng đa dạng. Có khi, chúng mang sắc thái ấm áp, hòa quyện giữa những gam màu rực rỡ. Có khi, lại thể hiện sự u buồn, man mác như khắc khoải về một thời quá khứ đã qua.

"Phạm Lực không cố vẽ, không cố làm nghệ thuật. Sống thì có lúc phải cố nhưng làm nghệ thuật thì không nên và không thể cố được. Phạm Lực không chạy theo trường phái này hay kia. Phạm Lực chỉ vẽ thôi, vẽ mình, mình sao thì vẽ vậy. Nghệ thuật là người", họa sĩ Lê Thiết Cương bình luận thêm.

Nguồn: https://nhandan.vn/hoa-si-pham-luc-va-nhung-net-ve-day-cam-xuc-post873717.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Từ 18 giờ tối nay 19.4, CSGT tiếp tục cấm xe hơn 20 tuyến đường trung tâm TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm