Dẫn đầu là bức Le retour du marché (Đi chợ về) của Joseph Inguimberty (1896 - 1971) có giá gõ búa 12,47 triệu HKD (41,52 tỉ đồng). Tiếp đến, Marché au Tonkin (Chợ ở Bắc kỳ) của Jos Henri Ponchin (1897 - 1981) giá 3,52 triệu HKD (11,74 tỉ đồng), La paysanne (Nữ nông dân) của Victor Tardieu (1870 - 1937) giá 3,15 triệu HKD (10,48 tỉ đồng), La jeune femme et le fleuve (Thiếu nữ bên sông) của Alix Aymé (1894 - 1989) giá 504.000 HKD (1,67 tỉ đồng)...
Tác phẩm La paysanne (Nữ nông dân) của Victor Tardieu
Ngày 30.3, đại diện nhà đấu giá Sotheby's cho biết bức Annonce Faite à Marie (Ban phước cho Marie) của Alix Aymé bán giá 190.000 HKD (632 triệu đồng). Ngày 10.4, tại nhà đấu giá Drouot (Paris), bức Scène de famille dans un parc (Cảnh gia đình trong công viên) của Joseph Inguimberty bán 117.000 EUR (3,44 tỉ đồng).
"Con cảm thấy gắn bó với đất nước này"
Victor Tardieu sinh tại Lyon (Pháp), theo học Trường Mỹ thuật Lyon từ năm 1887 - 1889. Năm 1920, ông giành giải Prix de l'Indochine và phần thưởng là chuyến du lịch Đông Dương trong vòng 1 năm.
Ngày 2.2.1921, Victor Tardieu đặt chân tới Sài Gòn rồi sau đó ra Hà Nội. Ngày 27.10.1924, Tardieu thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương cùng với sự cộng tác của họa sĩ Nam Sơn. Ngày 24.11.1924, Victor Tardieu trở thành hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này, nơi đào tạo ra nhiều danh họa như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Lê Thị Lựu, Phạm Hậu, Bùi Xuân Phái… Victor Tardieu qua đời ngày 12.6.1937 tại Hà Nội.
Tác phẩm Le retour du marché (Đi chợ về) của Joseph Inguimberty
Alix Aymé sinh tại Marseille (Pháp), theo học mỹ thuật và âm nhạc ở Nhạc viện Toulouse (Pháp). Bà kết hôn năm 1920 với giáo sư Paul de Fautereau-Vassel, chuyển đến Thượng Hải (Trung Quốc) rồi Hà Nội sinh sống cùng chồng. Thập niên 1920, bà dạy vẽ tại trường Albert Sarraut (Hà Nội). Năm 1922, bà gửi thư cho thầy Maurice Denis sau khi đến VN lần đầu, trong đó có đoạn: "Con thấy đất nước này rất thú vị, nhất là về màu sắc và địa hình bằng phẳng với những cánh đồng lúa xanh mát trải dài đến tận chân trời, những loại cây cỏ thật đẹp như cây đa, cây si với bộ rễ mọc từ cành xuống đất, hay những cây gạo lúc này đang đỏ rực hoa… Con cảm thấy gắn bó với đất nước này vì con đã hiểu và yêu nó nhiều hơn. Con nghĩ rằng con sẽ sáng tác được nhiều tác phẩm đẹp ở đây".
Alix Aymé trải qua gần 25 năm sống, vẽ và giảng dạy ở VN, cùng với thành tựu rực rỡ trong việc cách tân sơn mài truyền thống Việt, trở thành một phương tiện biểu hiện mới trong nghệ thuật hiện đại. Năm 1945, bà trở về Pháp. Dù rời xa Đông Dương, miền đất này vẫn luôn hiện hữu trong trái tim Alix. Các đề tài về đất và người Đông Dương luôn có trong tranh của bà cho đến cuối đời.
Joseph Inguimberty cũng sinh tại thành phố cảng Marseille. Ông đỗ vào trường nghệ thuật năm 1910, theo học các khóa chuyên về kiến trúc. Ông đoạt giải Prix Blumenthal năm 1922 và giải thưởng lớn quốc gia về hội họa năm 1924.
Năm 1925, Joseph Inguimberty nhận lời đề nghị của Victor Tardieu để dạy nghệ thuật trang trí tại L'École Supérieure des Beaux-Arts de L'Indochine (Trường Mỹ thuật Đông Dương) ở Hà Nội. Ông cùng người đồng sáng lập trường (họa sĩ Nam Sơn) xây dựng nền tảng giáo dục mỹ thuật và giảng dạy ở đây hơn 20 năm. Joseph Inguimberty luôn khuyến khích học trò thực hiện những bức tranh thể hiện đậm bản sắc văn hóa quê hương.
Năm 1929, Joseph Inguimberty có triển lãm cá nhân đầu tiên tại Hà Nội, nơi Toàn quyền Đông Dương mua một số tác phẩm nghệ thuật của ông. Các tác phẩm của Joseph Inguimberty đều hiện lên một cách chân thực và rõ nét về con người, cuộc sống VN.
Jos Henri Ponchin thuộc thế hệ thứ ba của gia tộc Ponchin nổi tiếng, với nhiều họa sĩ mang họ Ponchin có tác phẩm được lưu giữ ở nhiều bảo tàng tại Pháp. Giữa những năm 1920, chàng họa sĩ trẻ theo chân cha mình - Antoine Ponchin, người vừa được giao một vị trí chính thức quan trọng của nhà nước, đến châu Á, đảm nhận vị trí giảng dạy tại trường trung học Pháp ở Hà Nội, cho đến khi trở về Pháp năm 1931. Jos từng tham gia trang trí trường trung học Albert Sarraut và Dinh toàn quyền Đông Dương cùng cha, có thời gian đến Sài Gòn dạy vẽ cho học sinh Pháp ở một trường trung học. Ông còn nổi tiếng với tài vẽ tranh cổ động, quảng bá Đông Dương.
3 lý do chính khiến dòng tranh của họa sĩ Pháp ngày càng có giá
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi (cháu ngoại họa sĩ Nam Sơn) cho rằng, những con số đấu giá tranh của họa sĩ Pháp phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng đối với nghệ thuật Đông Dương. Kỹ thuật vẽ tranh của họ theo trường phái phương Tây rất rõ ràng từ cách dùng ánh sáng, bóng đổ và màu sắc để thể hiện cảm xúc hoặc không gian. Họ biết kết hợp những kỹ thuật ấy với những nét đặc trưng của văn hóa, phong cảnh và con người VN, tạo nên một phong cách nghệ thuật rất riêng biệt.
"Nhìn chung, các họa sĩ Pháp này tạo ra sự giao tiếp giữa hai nền văn hóa, qua đó phản ánh những khác biệt, đồng thời cũng làm nổi bật các giá trị và vẻ đẹp của Đông Dương. Thành công của những tác phẩm này trong các phiên đấu giá cũng phản ánh sự quan tâm và trân trọng ngày càng lớn đối với nghệ thuật Đông Dương, mở ra một góc nhìn mới về quá khứ", ông Khôi nhận định.
Tác phẩm Marché au Tonkin (Chợ ở Bắc kỳ) của Jos Henri Ponchin
ẢNH: CHRISTIE’S
Giám tuyển Lý Đợi thông tin thêm: "Những họa sĩ phương Tây (chủ yếu người Pháp) vẽ phong cảnh - con người VN thời Đông Dương khá nhiều, có thể kể trên 40 người. Riêng phiên đấu giá của nhà Christie's hôm 29.3 bày ra 51 lô hàng, thì đã có hơn 15 họa sĩ Pháp vẽ phong cảnh - con người VN thời Đông Dương, với hơn 25 tranh".
"Có 3 lý do chính khiến dòng tranh của họa sĩ Pháp ngày càng có giá. Thứ nhất, tranh Việt thời mỹ thuật Đông Dương giờ rất khó kiếm và giá rất cao, nên nhiều nhà sưu tập đang mở rộng chơi tranh của các họa sĩ Pháp cùng thời điểm, có liên quan trực tiếp đến Đông Dương, là một hướng chọn lựa hợp lý. Thứ hai, khi Trường Mỹ thuật Đông Dương bước vào cột mốc 100 năm, các họa sĩ - giảng viên người Pháp từng gắn bó với trường này càng được nhiều nhà sưu tập chú ý. Thứ ba, những bộ sưu tập như của Philippe Damas đã là một kênh chọn lọc quan trọng, giờ mua lại, đương nhiên giá phải cao", giám tuyển Lý Đợi nhận định.
Di sản đồ sộ
Ace Lê, Giám đốc điều hành Sotheby's Vietnam, nhận định: "Mốc 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương là dịp thích hợp để nhìn lại những đóng góp của lứa họa sĩ Pháp tới Đông Dương, không những để lập nên một học viện, mà còn kéo theo đó cả một trường phái nghệ thuật với di sản đồ sộ. Cuộc du hành nghệ thuật của họ mang trong đó những hoài bão, mơ mộng và quan điểm của mỗi cá nhân, tập thể, thể hiện tầm ảnh hưởng của phương Tây lên dòng chảy mỹ thuật VN và cả chiều ngược lại".
Nguồn: https://thanhnien.vn/hoa-si-phap-va-tinh-yeu-danh-cho-dat-viet-185250415225522514.htm
Bình luận (0)