Với tầm nhìn chiến lược “hạ tầng đi trước một bước”, tỉnh Bình Định từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội toàn diện qua việc đầu tư mạnh mẽ cho các công trình giao thông trọng điểm, tạo trục kết nối đồng bộ từ vùng biển đến miền núi, từ đô thị đến nông thôn.
Giao thông ven biển mở lối phát triển
Một trong những minh chứng sinh động cho sự chuyển mình của hạ tầng giao thông ven biển là cầu vượt biển Đề Gi nối thị trấn Cát Khánh (huyện Phù Cát) với xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ). Từ chỗ phải đi vòng hàng chục cây số hoặc dùng ghe, thuyền qua lại, người dân nay chỉ mất vài phút nhờ cây cầu dài gần 400 m.
Cùng với cầu Đề Gi, toàn tuyến đường ven biển ở tỉnh gồm ba đoạn Cát Tiến - Đề Gi, Đề Gi - Mỹ Thành, cầu Lại Giang - cầu Thiện Chánh đang mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho hay: Hơn 4.000 ha đất ven biển khu Nam Đề Gi đang được quy hoạch thành vùng phát triển công nghiệp - dịch vụ ven biển, tạo đà thúc đẩy sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản bền vững.
Tuyến đường kết nối từ QL19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định vừa được khánh thành tháng 3.2025. Ảnh: HẢI YẾN |
Các tuyến kết nối vùng nội tỉnh và liên vùng cũng đang được đầu tư đồng bộ. Tuyến đường trung tâm TX An Nhơn đến đầm Thị Nại, với tổng vốn hơn 1.043 tỷ đồng đưa vào hoạt động cuối tháng 4.2025 đã mở ra trục giao thương mới từ phía Tây đến khu đô thị, du lịch ven đầm Thị Nại - Quy Nhơn. Ông Tôn Kỳ Hải, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn (Tuy Phước), đánh giá: Tuyến đường hoàn thiện đã giúp Phước Sơn “thay da đổi thịt”. Người dân được hưởng lợi trực tiếp từ giao thông thông suốt, hàng hóa lưu thông thuận lợi.
Ở phía Bắc tỉnh, TX Hoài Nhơn được đầu tư hạ tầng trải rộng khắp các tuyến đường trọng điểm như tuyến ven biển ĐT 639, tuyến nối QL1 - Gò Dài, Bồng Sơn - Hoài Xuân- Hoài Hương... Ông Nguyễn Trung, 78 tuổi, ở phường Hoài Hương, chia sẻ: Sau bao nhiêu năm, tôi chứng kiến hệ thống giao thông được đầu tư, lớn mạnh, đường lớn thênh thang, đường 4 làn xe, cảnh quan hai bên đường xanh tươi, rực rỡ hoa lá. Nhìn quê hương thay đổi, đời sống phát triển, người người đi lại thuận lợi, tôi rất vui mừng.
Tại huyện Hoài Ân - vùng trung du còn cách trở, nay cũng không ngừng chuyển mình. Những công trình như cầu vượt lũ Hiệp Định, đường, trạm điện, cầu Tự Lực… đang từng bước xóa bỏ cách trở địa lý, giúp người dân giao thương dễ dàng, phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp hiệu quả hơn.
Thực tế cho thấy, nhiều DN khi đến Bình Định tìm kiếm cơ hội đầu tư, đã được thuyết phục bởi hạ tầng giao thông. Ông Nguyễn Văn Lăng, Tổng Giám đốc Công ty CP Becamex Bình Định, chia sẻ: Tuyến đường kết nối từ QL19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định có tổng mức đầu tư hơn 1.170 tỷ đồng giúp rút ngắn khoảng cách xuống còn 16,5 km. Nhiều nhà đầu tư đã kiến nghị tỉnh quan tâm sớm xây dựng tuyến đường sắt kết nối từ KCN Becamex đến cảng nước sâu và KCN Phù Mỹ, nhằm giảm chi phí logistics và tăng năng lực cạnh tranh cho vùng công nghiệp - cảng biển.
Tại lễ khánh thành tuyến đường kết nối từ QL19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định cuối tháng 3.2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng gợi ý với tỉnh Bình Định, phải xác định đây không chỉ đơn giản là tuyến giao thông mà phải biến nó thành hành lang kinh tế, quy hoạch hai bên tuyến đường chặt chẽ, quy hoạch tốt quỹ đất dọc tuyến, khai thác hiệu quả.
Kết nối toàn diện, phát triển bền vững
Tại buổi kiểm tra thực địa dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Phù Cát vào tháng 2.2025, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Giao thông là nền tảng quan trọng để khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển KT-XH bền vững. Hệ thống đường sá đồng bộ không chỉ giúp đi lại thuận tiện, mà còn thúc đẩy thu hút đầu tư, mở rộng không gian đô thị, khai thác hiệu quả quỹ đất và nâng cao đời sống nhân dân.
Tuyến đường từ ĐT 636 đến giáp ĐT 631 được nâng cấp, mở rộng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân 2 xã Phước Hòa, Phước Thắng (huyện Tuy Phước). Ảnh: HẢI YẾN |
Theo ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông và dân dụng tỉnh, tỉnh đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phấn đấu khởi công 7 dự án lớn trong năm 2025, với tổng vốn đầu tư lên đến 57.867 tỷ đồng gồm: Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku (123 km, 38.917 tỷ đồng, giai đoạn 2025 - 2030) để mở hành lang kết nối chiến lược giữa duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Đường phía Tây tỉnh (104,76 km, 9.594 tỷ đồng, giai đoạn 2025 - 2030) nhằm tăng cường kết nối khu vực miền núi, thúc đẩy đầu tư nông - lâm nghiệp và du lịch sinh thái. Đường cất hạ cánh số 2 Cảng Hàng không Phù Cát (3.246 tỷ đồng, giai đoạn 2025 - 2028) để nâng cao năng lực vận tải hàng không, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng du lịch. Đầu tư tuyến nối đường cao tốc Bắc - Nam đến KCN Phù Mỹ và cảng Phù Mỹ (16,37 km, 2.115 tỷ đồng) và tuyến vào KCN Hoài Mỹ (10,43 km, 1.501 tỷ đồng), hoàn thiện mạng lưới công nghiệp - logistics chiến lược; đường nối QL1 đến cảng Đề Gi (17,3 km, 1.432 tỷ đồng) và đường từ Khu đô thị Khoa học Quy Hòa đến Long Vân (13,5 km, 1.107 tỷ đồng) nhằm phát triển hạ tầng đô thị, khoa học công nghệ.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh tháng 3.2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý Bình Định cần chủ động thực hiện 3 đột phá chiến lược: Thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, trong đó giao thông là “xương sống”. Thủ tướng yêu cầu tỉnh đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, đảm bảo đời sống người dân tái định cư, hoàn thành dứt điểm các dự án đang triển khai, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng tham gia các dự án quy mô quốc gia như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Với quyết tâm chính trị cao, định hướng rõ ràng và nguồn lực mạnh mẽ, hệ thống hạ tầng giao thông tỉnh Bình Định đang ngày càng hoàn thiện, không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại mà còn mở đường cho phát triển toàn diện, đưa Bình Định trở thành điểm sáng về hạ tầng và phát triển vùng miền Trung - Tây Nguyên.
HẢI YẾN
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=82&mabb=355197
Bình luận (0)